09/05/2018 - 22:27

Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ

Đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo 

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyển sinh năm 2018, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tập trung đầu tư nguồn lực phục vụ công tác đào tạo, nhất là ở ngành học mới.

Thêm ngành học mới

Bùi Hoàng Minh Hồ, học sinh Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Năm nay, trong các nguyện vọng, em đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử của Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Đây là 1 trong 2 ngành học có chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 nhiều nhất của trường (cùng với ngành Công nghệ thực phẩm, mỗi ngành tuyển 120 sinh viên).

Cán bộ Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tư vấn tuyển sinh 2018 cho học sinh. Ảnh: B.KIÊN
Cán bộ Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tư vấn tuyển sinh 2018 cho học sinh. Ảnh: B.KIÊN

Cuối tháng 3-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định chính thức cho phép Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đào tạo hệ chính quy ngành Công nghệ sinh học trình độ đại học từ năm 2018, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 12 ngành, gồm: Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Quản lý xây dựng, Quản lý công nghiệp, Công nghệ thực phẩm, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện- điện tử, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa. Tổng chỉ tiêu tuyển 860 sinh viên; trong đó ngành Công nghệ sinh học mới mở dự kiến tuyển 60 sinh viên. Thạc sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Phòng Đào tạo của trường, cho biết: Trường chỉ xét tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành ĐBSCL hoặc thí sinh có hộ khẩu tạm trú và học THPT lớp 10, 11, 12 tại các tỉnh, thành ĐBSCL. Xét tuyển thí sinh trên cơ sở kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Tùy vào từng ngành mà xét các tổ hợp: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), A02 (Toán, Vật lý, Sinh học), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), D01 (Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh), D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh), C01 (Toán, Vật lý, Ngữ văn).

Theo lãnh đạo nhà trường, trước khi mở ngành học mới, trường đều nghiên cứu nhu cầu xã hội, năng lực và chiến lược phát triển của trường.

Hoàn thiện nguồn lực

Thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ năm 2013, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. So với thời gian đầu mới thành lập, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường tăng về số lượng lẫn chất lượng. Trong gần 200 cán bộ, giảng viên cơ hữu, có 92% giảng viên có trình độ sau đại học, phần lớn được đào tạo ngoài nước. Về cơ sở vật chất, trường có 2 cơ sở: cơ sở 1 (số 256 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều); cơ sở 2 (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, với diện tích trên 17ha).

Chuẩn bị cho năm học 2018-2019, trường đã triển khai một số gói thầu thiết bị, trị giá hàng chục tỉ đồng; trong đó có gói thầu thiết bị 3,5 tỉ đồng nhằm hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ khối ngành kỹ thuật, công nghệ... Cơ sở 1 của trường không ngừng được đầu tư, phát triển, tạo diện mạo mới với 2 khối phòng học và phòng thí nghiệm 1 trệt 6 lầu (trị giá gần 80 tỉ đồng); thư viện điện tử... đảm bảo đáp ứng quy mô trên 6.000 sinh viên, học viên các bậc, hệ đào tạo.

Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sở ngành hữu quan, cơ sở vật chất của trường ngày càng hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ, giảng viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Trường sẽ tiếp tục đầu tư mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế hội nhập toàn cầu. Đó là chiến lược phát triển theo hướng đào tạo ứng dụng, lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu, tăng cường kỹ năng ngoại ngữ bên cạnh kiến thức chuyên môn. Tiến sĩ Dương Thái Công nhấn mạnh: “Trường đã xác định chuẩn đầu ra tiếng Anh theo chứng chỉ TOIEC quốc tế để xét tốt nghiệp sinh viên ra trường. Lộ trình đến năm 2020, sinh viên ra trường phải có ít nhất TOEIC 450, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế. Đây còn là một trong  giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết hiệu quả việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết