23/04/2016 - 17:26

DOANH NGHIỆP THỦY SẢN ĐBSCL

Đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị thủy sản

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận định, hoạt động xuất khẩu của ngành năm 2016 có nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đối mặt với không ít khó khăn. Để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp cần đầu tư vùng nguyên liệu, nâng chất chuỗi sản xuất, từ đó góp phần nâng cao uy tín cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới.

* Kỳ vọng tăng trưởng

Theo VASEP, quý I/2016, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 1,4 tỉ USD, tăng gần 9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra tăng lần lượt là 12,2% và 4,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu tôm đạt gần 600 triệu USD và xuất khẩu cá tra đạt 358 triệu USD. Ông Vương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết: Xuất khẩu tôm và cá tra sang các thị trường chính đều tăng. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm gần 25% giá trị tôm xuất khẩu của Việt Nam và tăng 39% trong quý đầu năm. Cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng tăng gần 10%, Trung Quốc tăng 39%. Riêng với thị trường Brazil, do ảnh hưởng việc tạm ngừng cấp phép của Chính phủ nước này nên xuất khẩu cá tra bị đình trệ từ quý IV/2014 đến hết quý I/2015. Từ quý II/2015 đến nay, thị trường này đã bình ổn trở lại nên xuất khẩu cá tra quý I/2016 tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh những tín hiệu khả quan về thị trường xuất khẩu, từ năm 2016, với việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ được ký kết hoặc bắt đầu có hiệu lực sẽ có những tác động tích cực đến ngành hàng thủy sản trong việc gia tăng đầu tư, mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng hàm lượng chế biến và có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Xuất khẩu tôm quý I/2016 đạt gần 600 triệu USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2015. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Nam Hải (TP Cần Thơ).

Với mức tăng trưởng của các mặt hàng tôm, mực, bạch tuộc, cá biển và các hải sản khác, dự báo tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2016 sẽ đạt khoảng 7 tỉ USD, tăng 6,3% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu tôm ước khoảng 3,3 tỉ USD và xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,5 tỉ USD. Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, "điểm nóng" hiện tại đối với xuất khẩu cá tra là chương trình kiểm soát cá da trơn của Mỹ. Với chất lượng và uy tín của mình, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã vào thị trường Mỹ cảm nhận rõ rệt về khả năng có thể vượt qua được rào cản về mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Mỹ của đợt xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) và dự kiến sẽ có kết quả sơ bộ vào tháng 9-2016. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không muốn phải sống mãi với chương trình kiểm soát này. Do đó, VASEP cần họp mặt các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lại để có chiến lược hẳn hoi nhằm khẳng định chất lượng và thương hiệu của sản phẩm cá tra. Muốn đạt mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2 tỉ USD/năm, ngành hàng cá tra không thể phát triển về sản lượng mà phải đi vào chất lượng. Phải có chiến lược tăng khả năng nhận diện của sản phẩm để người dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm cá tra, thay vì nghĩ đây là sản phẩm giá rẻ và thường xuyên bị áp thuế chống bán phá giá.

VASEP dự báo trong năm 2016, xuất khẩu tôm tiếp tục bị ảnh hưởng của làn sóng giảm giá và áp lực cạnh tranh, song vẫn có tác động tích cực từ các FTA đối với việc xuất khẩu sang các thị trường chính như Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ chịu tác động bởi quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 với mức thuế khá cao 0,69USD/kg. Nhu cầu nhập khẩu cá tra của các thị trường chưa cải thiện rõ rệt và phải cạnh tranh mạnh với cá rô phi và cá tuyết.

* Đầu tư đúng hướng

Bên cạnh những tác động về thị trường, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bày tỏ băn khoăn với bài toán vốn cho đầu tư và xuất khẩu. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương, chia sẻ: Hiện nay, vòng vốn của doanh nghiệp đang bị thu hẹp, nhất là khi doanh nghiệp không thể vay ngoại tệ để phục vụ xuất khẩu do ảnh hưởng của Thông tư 24/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước "Quy định cho vay bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước đối với khách hàng vay là người cư trú". Các doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn vay ngoại tệ với lãi suất khoảng 2,5%/năm thay vì vay bằng Việt Nam đồng với lãi suất lên đến 8%/năm. Bởi lẽ, các doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng trả cả gốc lẫn lãi bằng ngoại tệ thu về từ hoạt động xuất khẩu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ngân hàng Nhà nước cần phân tích rõ những tác động của Thông tư 24 để có hướng điều chỉnh phù hợp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp thay vì chỉ ưu đãi vốn ngoại tệ phục vụ nhập khẩu.

Ngành chế biến thủy sản dự báo sẽ khó về nguyên liệu khi quý I/2016, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL giảm 22% và sản lượng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, nguyên liệu tôm chế biến và tôm giống cũng có khả năng thiếu hụt do tác động của tình hình hạn, mặn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, với giá cá tra khoảng 21.000-22.500 đồng/kg như hiện nay, người có vốn cũng không thiết tha đầu tư vùng nguyên liệu. Ngành cá tra bước sang giai đoạn chuyển từ lượng sang chất là điều tất yếu. Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản CAFATEX, cho rằng: "Điều khiển sản lượng cá tra, diện tích nuôi cá tra không hề đơn giản nhưng nếu không làm được thì tình trạng biến động về giá sẽ thường xuyên diễn ra. Do đó, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp quy hoạch vùng nuôi và sản lượng hợp lý trên cơ sở hài hòa lợi ích của người nuôi, doanh nghiệp, địa phương và đặc biệt là lợi ích quốc gia". Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, trước đây, các hoạt động xúc tiến thương mại đối với ngành hàng thủy sản của Việt Nam tập trung vào giới thiệu sản phẩm là chính. Nay cần có sự thay đổi theo hướng quảng bá về cả chuỗi giá trị sản xuất để nâng tầm uy tín của sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp cần nguồn lực đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất, quản lý kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuỗi và giới thiệu quy trình này đến khách hàng nhập khẩu và người tiêu dùng để họ yên tâm tin chọn sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước về nội dung của Thông tư 24 để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Trong năm 2016, Bộ đã có kế hoạch tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đồng thời chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương có kế hoạch ổn định nguồn nguyên liệu tôm và cá tra phục vụ chế biến. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập để soạn thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP "Về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra" theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vừa đáp ứng các thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết