19/07/2011 - 10:43

Đầu tư đồng bộ để các trung tâm học tập cộng đồng phát huy hiệu quả

Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời. Mặc dù hiện tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Cần Thơ đều đã ra mắt TTHTCĐ, nhưng việc tổ chức hoạt động của các trung tâm vẫn còn nhiều khó khăn...

Cơ hội học tập cho nhiều người...

Ngay sau khi chia tách xã Trung An để thành lập xã Trung An và xã Trung Thạnh, Đảng ủy, UBND xã Trung An đã tổ chức củng cố và ra mắt TTHTCĐ xã. Nhờ có sự chuẩn bị ngay từ đầu, nên ngay sau khi ra mắt, TTHTCĐ xã Trung An hoạt động khá hiệu quả. Trung tâm đã duy trì 2 lớp THPT với 54 học viên; tập huấn khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, trồng trọt... cho hơn 800 lượt người. Trung tâm cũng đã tổ chức được các buổi tuyên truyền về Luật An toàn giao thông, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tổ chức dạy nghề may gia dụng, sửa xe gắn máy cho gần 100 học viên. Không chỉ quan tâm đến công tác dạy nghề, tuyên truyền pháp luật, TTHTCĐ xã Trung An còn thành lập các câu lạc bộ bóng đá, thể dục dưỡng sinh, tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh... Có thể nói, TTHTCĐ xã Trung An đã đáp ứng được phần nào nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức nhiều mặt của người dân. Ông Nguyễn Văn E, Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Trung An, cho biết: “6 tháng đầu năm 2011, trung tâm đã vận động được khoảng 100 triệu đồng để hỗ trợ học sinh nghèo, giúp các em tiếp tục đến trường. Trung tâm đang bố trí một phòng riêng tại UBND xã để có thể sắp xếp tổ chức các lớp tập huấn hay dạy bổ túc mà không phải mượn nơi khác như trước đây”.

 Lớp dạy nghề may công nghiệp, do Trường Trung cấp nghề Thới Lai kết hợp với Trung tâm Học tập
cộng đồng xã Trường Xuân tổ chức tại xã. Ảnh: P.MAI

Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cờ Đỏ, mặc dù gặp nhiều khó khăn do mới chia tách nhưng tất cả các xã, thị trấn của huyện Cờ Đỏ đều đã củng cố lại ra mắt các TTHTCĐ và đẩy mạnh hoạt động ở các trung tâm. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2011, các TTHTCĐ ở huyện Cờ Đỏ đã tổ chức tập huấn về chính sách, pháp luật, dạy nghề nuôi trồng thủy sản cho hơn 700 lượt người; dạy các nghề ngắn hạn cho gần 6.000 lượt người. Ông Nguyễn Thanh Dũng cho biết: “Hầu hết các TTHTCĐ đã cố gắng tạo điều kiện cho người dân học tập, tiếp thu khoa học kỹ thuật, tìm hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước...”.

Không riêng ở huyện Cờ Đỏ, những năm gần đây, các TTHTCĐ ở TP Cần Thơ đã được thành phố quan tâm đầu tư mua sắm ban đầu, như: máy vi tính, bàn ghế,... và có chính sách hỗ trợ lương cho các thành viên của TTHTCĐ. Nhờ vậy, các trung tâm đã hoạt động khởi sắc hơn. Ở các địa phương, TTHTCĐ đã cùng với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên duy trì công tác xóa mù chữ - phổ cập giáo dục, góp phần nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi đến năm 2010 đạt 98,92%. Đồng thời, tổ chức hàng trăm cuộc phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân về hiến pháp, pháp luật. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động dạy nghề ngắn hạn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn lượt người về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y..., các trung tâm đã góp phần giúp cho người lao động có thêm kỹ năng lao động, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng...

Vẫn chưa đáp ứng yêu cầu

Tuy nhiên, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2011 của Hội Khuyến học thành phố, hiện nay hoạt động của các TTHTCĐ phần đông chất lượng thấp, một số chỉ là hình thức. Theo thống kê của các trung tâm thì chỉ có khoảng 10% dân số ở địa bàn tiếp cận được các hoạt động của các TTHTCĐ. Khi hỏi về hoạt động của TTHTCĐ xã, bà Lê Thị Tư, ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho biết: “Tôi không biết TTHTCĐ là trung tâm gì và chưa từng dự một lớp tập huấn nào ở đó”. Mặc dù nhà của bà Tư chỉ cách trung tâm xã- nơi đặt TTHTCĐ chưa đầy 2 km...

Nguyên nhân các TTHTCĐ hoạt động chưa hiệu quả, theo nhiều người là do cơ sở vật chất tạm bợ, chưa có kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên và mua sắm dụng cụ dạy học, biên soạn tài liệu địa phương... Chẳng hạn, tại huyện Cờ Đỏ, mặc dù đã ra mắt tất cả TTHTCĐ nhưng hầu hết các trung tâm đều chưa có cơ sở vật chất riêng. Máy vi tính, bàn ghế được trang bị phải đặt nhờ tại phòng của Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn, kiêm giám đốc TTHTCĐ. Cán bộ phụ trách trung tâm đa số là kiêm nhiệm và thay đổi thường xuyên, nên các trung tâm khó hoạt động. Ông Nguyễn Thanh Dũng, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: “Giám đốc TTHTCĐ là Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn kiêm nhiệm, một Phó giám đốc là Hiệu trưởng trường tiểu học hoặc THCS trên địa bàn và một Phó giám đốc là Chủ tịch Hội Khuyến học xã, thị trấn. Thủ quỹ, kế toán cũng kiêm nhiệm. Vì vậy, thời gian tập trung cho công tác của TTHTCĐ không nhiều”. Là người gắn bó với công tác cộng đồng nhiều năm, ông Nguyễn Văn E, Phó giám đốc TTHTCĐ xã Trung An, nói: “Hoạt động của TTHTCĐ rất rộng nên cần người chuyên trách và có chuyên môn nhất định”. Bên cạnh đó, việc thiếu qui chế tổ chức hoạt động cũng gây ra không ít khó khăn cho các TTHTCĐ”.

Thiếu kinh phí, nhân sự và các điều kiện khác nên hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ thấp. Vì vậy, các TTHTCĐ đang rất cần sự đầu tư đồng bộ để hoạt động thật sự hiệu quả, đi vào chiều sâu làm nền tảng xây dựng xã hội học tập theo Quyết định 112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết