20/05/2021 - 20:00

Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị - xã hội trọng đại của đất nước, là dịp cử tri cả nước phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do tầm quan trọng của sự kiện chính trị này, các thế lực thù địch ra sức chống phá, với nhiều luận điệu xuyên tạc, sai trái, hòng gieo rắc những nhận thức sai lầm, làm suy giảm niềm tin của cử tri và nhân dân, phá hoại cuộc bầu cử.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước _Ảnh: Tư liệu

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Phủ nhận quyền lực của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là luận điệu xuyên tạc thâm độc của các thế lực thù địch, bởi sâu xa chính là nhằm phủ nhận bản chất tốt đẹp, dân chủ và tiến bộ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cũng là phủ nhận nguyên tắc bất di bất dịch tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Từ phủ nhận và hạ thấp quyền lực của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, chúng đưa ra luận điệu xuyên tạc rằng, việc bầu cử là “thừa thãi” vì Quốc hội và hội đồng nhân dân đâu có quyền lực thực sự, là “làm vì”(?!).

Sự thực là, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, giám sát cơ quan hành pháp của địa phương… Trong bộ máy nhà nước Việt Nam, Quốc hội là cơ quan có tính chất đặc biệt quan trọng và vị trí pháp lý tối cao, bởi Quốc hội là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước được thành lập do cử tri cả nước trực tiếp bầu ra. Tính quyền lực nhà nước cao nhất của Quốc hội được thể hiện ở chỗ chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành pháp luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc, có tính cưỡng chế nhà nước đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Trải qua 14 nhiệm kỳ, Quốc hội đã xây dựng được 451 luật và bộ luật, trong đó có những bộ luật lớn, quan trọng. Nếu như trong hơn 40 năm của 7 khóa Quốc hội đầu tiên từ năm 1946 đến đầu năm 1987, Quốc hội chỉ ban hành 29 luật, thì đến Quốc hội khóa VIII (giai đoạn năm 1987 - 1992), khóa đầu tiên bước vào công cuộc đổi mới, Quốc hội đã ban hành tới 31 luật; giai đoạn năm 2016 đến 2020, Quốc hội khóa XIV thông qua được 81 luật… Điều đó cho thấy, sự đổi mới về chất lượng và năng lực trong việc xây dựng luật và bộ luật ở nước ta qua các kỳ Quốc hội, góp phần định hướng, điều tiết, điều chỉnh mọi mối quan hệ xã hội, từng bước xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, giúp đất nước ổn định và phát triển.

Quốc hội có thẩm quyền chi phối về tổ chức và hoạt động của của các cơ quan nhà nước nói chung và đối với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều chịu trách nhiệm trước Quốc hội, chịu sự giám sát toàn diện và báo cáo công tác trước Quốc hội. Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước…; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…

Cùng với chức năng lập pháp và chức năng giám sát tối cao, Quốc hội Việt Nam còn thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước, địa giới hành chính, quyết định đại xá và trưng cầu ý dân…

Tất nhiên, thẩm quyền, chức năng của Quốc hội cũng được giới hạn và tương ứng với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp và quyền tư pháp trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực. Bởi, quyền lực nhà nước ở nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp và chính quyền địa phương cũng có nhiều chuyển biến. Hoạt động giám sát chuyên đề được nhiều địa phương chú trọng thực hiện. Nội dung tổ chức giám sát được lựa chọn kỹ và tập trung vào những vấn đề bức thiết đặt ra, cử tri quan tâm. Đặc biệt, nhiều địa phương đã linh hoạt tổ chức các đợt khảo sát đột xuất qua phản ánh của cử tri hoặc những vấn đề nổi cộm trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trên địa bàn; định kỳ hội đồng nhân dân các cấp phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức việc đối thoại với cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giúp hội đồng nhân dân cùng cấp có những quyết sách phù hợp với thực tiễn. Hội đồng nhân dân các cấp cũng thể hiện vai trò của mình trong việc quyết định các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của địa phương…

Như vậy, địa vị do pháp luật quy định và quan trọng không kém chính là những hoạt động, đóng góp trong thực tiễn vì quốc kế dân sinh đã ngày càng khẳng định vị thế, vai trò, uy tín của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, cũng như sự tín nhiệm, tin tưởng ngày một cao của nhân dân. Đó là sự khẳng định quyền lực thực sự của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, là cơ quan đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, xứng đáng là người được nhân dân ủy thác quyền lực. Nhân dân tin tưởng, gửi gắm và trông đợi ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để bầu ra cơ quan đại biểu cao nhất của mình. Điều đó cũng tự nó đanh thép bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về quyền lực của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Cử tri bản người Dao ở Khu Dáy, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nghiên cứu danh sách cử tri được niêm yết tại nhà văn hoá bản _Ảnh: TTXVN

Phải chăng bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là “thiếu dân chủ”, “dân chủ hình thức”(?!)

Càng gần đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch càng ra sức chống phá bằng những luận điệu xuyên tạc rằng, cuộc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam chỉ là hình thức ngụy dân chủ, không phản ánh một cách khách quan, trung thực; bầu cử, ứng cử theo cơ chế “Đảng cử - dân bầu”, là “dân chủ trình diễn”; kêu gọi phải sửa đổi hệ thống bầu cử, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do (?!).

Sự thật là, cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân ở nước ta vừa được tổ chức khoa học, chặt chẽ, vừa phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân, thể hiện tính ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, trên thế giới, thường có ba hệ thống bầu cử được áp dụng phổ biến. Một là, hệ thống bầu cử theo quy tắc đa số, ai nhiều phiếu nhất là thắng, được áp dụng tại hơn 80 quốc gia, như: Mỹ, Anh, Canada, Nga... Hai là, hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện, hiện đang được sử dụng tại hầu hết các nước châu Âu, một số nước ở khu vực Mỹ La-tinh và châu Phi. Ba là, hệ thống bầu cử hỗn hợp, phái sinh từ hai loại cơ bản trên, được sử dụng ở các quốc gia còn lại. Như vậy, các hệ thống bầu cử trên thế giới rất đa dạng. Ở mỗi một hệ thống bầu cử đều có những lợi điểm, cũng như hạn chế nhất định và mỗi quốc gia, tùy theo chế độ chính trị, truyền thống chính trị - văn hóa, điều kiện kinh tế…, mà lựa chọn hệ thống bầu cử cũng như cách thức tiến hành bầu cử khác nhau và được người dân quốc gia đó chấp nhận. Không thể khẳng định rằng, mô hình bầu cử của quốc gia này ưu việt, dân chủ hơn quốc gia khác. Không thể áp đặt một mô hình bầu cử chung cho mọi quốc gia, cũng không thể áp đặt mô hình của hệ thống bầu cử nước này sang cho nước khác. Tại Việt Nam, hệ thống bầu cử tồn tại cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vừa tiếp thu những giá trị dân chủ tiến bộ của nhân loại, vừa mang bản sắc văn hóa chính trị riêng của Việt Nam và được nhân dân Việt Nam chấp nhận, tôn trọng, thể hiện đầy đủ và thực chất quyền dân chủ của nhân dân, với hình thức bầu cử đặc trưng hết sức dân chủ và tiến bộ bằng “phổ thông đầu phiếu”.

Ngay từ Sắc lệnh số 14-SL, ngày 8-9-1945 - sắc lệnh đầu tiên về nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành - đã nêu rõ: “Mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội” và “Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”(1).

Tinh thần dân chủ ngay từ bản Hiến pháp và sắc lệnh về bầu cử đầu tiên của Nhà nước ta tiếp tục được kế thừa và phát triển về sau này. Về cơ bản, cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử. Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử. Nguyên tắc bình đẳng nhằm bảo đảm để công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, đồng thời đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu nhằm bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội; các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu phù hợp. Nguyên tắc trực tiếp có nghĩa là cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu, cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình, không qua một cấp đại diện nào. Nguyên tắc này đòi hỏi cử tri phải tự mình trực tiếp bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu, không được nhờ người bầu hộ, bầu thay. Nguyên tắc bỏ phiếu kín thể hiện ở việc loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với việc thể hiện ý chí (sự bỏ phiếu) của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu, nhằm bảo đảm sự tự do và sự thể hiện đầy đủ ý chí của cử tri. Cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật.

Bốn nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trong bầu cử được xem như một chỉnh thể của những nguyên tắc tiến bộ nhất cho một nền dân chủ hiện đại, thiếu sót ở nguyên tắc nào cũng ảnh hưởng đến nguyên tắc khác. Việc bảo đảm bốn nguyên tắc này trong bầu cử ở nước ta chính là thể hiện việc thực hiện chế định dân chủ tiến bộ, văn minh, sự tự do, dân chủ trong bầu cử.

Điều 15, Điều 27 Hiến pháp năm 2013; Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015 quy định, tính đến ngày bầu cử được công bố, tất cả công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này. Điều đó có nghĩa, bất kỳ một công dân Việt Nam, không phân biệt nam nữ, nếu xét thấy mình đủ đức, đủ tài ra gánh vác công việc chung của đất nước và được quần chúng nhân dân tín nhiệm đều có quyền bầu cử và ứng cử. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV năm 2021, cả nước có 74 người ứng cử là người ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ là 8,53%; 9 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội có 3 người, Thành phố Hồ Chí Minh có 2 người, các tỉnh Cần Thơ, Bắc Kạn, Nam Định, Sóc Trăng mỗi tỉnh 1 người)... Những người tự nộp hồ sơ ứng cử, có đủ phẩm chất, năng lực, muốn đóng góp sức mình vào cơ quan của Quốc hội và hội đồng nhân dân đều có thể được cử tri tín nhiệm bầu chọn. Điều đó cũng khẳng định, ở Việt Nam không hề có việc hạn chế quyền ứng cử tự do của công dân; ngược lại, luôn rộng mở “cánh cửa” vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đối với mọi ứng viên ở tất cả các giai tầng, thành phần, dân tộc, giới, tôn giáo..., nếu đủ đức, đủ tài. 

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bầu ra các đại biểu là người dân tộc và các đại biểu là phụ nữ để tham gia Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Trên thực tiễn những năm qua, tỷ lệ số đại biểu là người dân tộc và số đại biểu là phụ nữ luôn tăng cao. Từ Quốc hội khóa I chỉ với 10 nữ đại biểu, đến nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV là 26,72% - một tỷ lệ khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số cũng không ngừng tăng lên qua các khoá Quốc hội. Từ Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XIV đã có 49/53 dân tộc thiểu số có đại biểu tham gia Quốc hội. Quốc hội khóa II có số đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số là 56 đại biểu, đến Quốc hội khóa XIV là 86 đại biểu. Việc các tầng lớp dân cư khác nhau đều được đại diện và có được tiếng nói ở Quốc hội chính là điều kiện tiên quyết thể hiện việc Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại diện cho toàn thể nhân dân, thấu hiểu và phản ánh lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Để bảo đảm dân chủ, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân ở nước ta còn áp dụng cơ chế hiệp thương (hay còn gọi là hội nghị hiệp thương). Đây là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở Trung ương và địa phương để bàn bạc, thảo luận giữa các cơ quan, tổ chức về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, sao cho mang tính đại diện các giai tầng trong xã hội cao nhất, trên nguyên tắc dân chủ và bình đẳng, lấy ý kiến của đa số để đi đến kết quả thống nhất. Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử, được tiến hành qua 5 bước cụ thể với 3 vòng hội nghị hiệp thương. Ngoài ra, việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và lấy ý kiến cử tri nơi công tác vừa thể hiện sự chặt chẽ, khoa học, vừa thể hiện tính dân chủ rất cao trong bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân ở nước ta.  

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I ngày 6-1-1946 đến nay, việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam đã diễn ra được 14 khóa và đều được tiến hành một cách dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả và thành công của 14 cuộc bầu cử ở nước ta trong suốt 75 năm qua là minh chứng khẳng định bản chất ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và địa biểu hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam hoàn toàn tự do, công bằng và đặc biệt bảo đảm, tôn trọng và thực hành rộng rãi quyền dân chủ của nhân dân. Do đó, luận điệu cho rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân ở Việt Nam “thiếu dân chủ” là sự bịa đặt trắng trợn và hoàn toàn phi lý! 

Được sự thống nhất của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức bầu cử sớm hơn 4 ngày so với thời gian quy định cho 37 cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển thuộc tỉnh Bạc Liêu _Ảnh: TTXVN

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định sự thành công của bầu cử

Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, Đảng lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là không cần thiết, là “can thiệp”, làm mất quyền bầu cử thực chất của nhân dân (?!).

Sự thực là, Đảng lãnh đạo cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là tất yếu khách quan, là nhân tố quyết định bảo đảm sự thành công của cuộc bầu cử. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong khi đó, Quốc hội là một cơ quan của Nhà nước, hơn nữa là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, Đảng lãnh đạo Quốc hội, trong đó có lãnh đạo bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp - là bước khởi đầu để bầu, hình thành nên cơ quan nhà nước trong nhiệm kỳ mới - là một tất yếu khách quan. Hơn nữa, qua đúc rút kinh nghiệm của các nhiệm kỳ bầu cử trước, sự lãnh đạo của Đảng được xem là nhân tố hàng đầu bảo đảm sự thành công của bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Báo cáo số 695/BC-HĐBCQG, ngày 19-7-2016, của Hội đồng Bầu cử quốc gia, “Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021” trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp lần thứ nhất đã kết luận, sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, Đảng lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp không có nghĩa là Đảng làm thay nhân dân, nhất là trong việc lựa chọn người trúng cử. Ngược lại, sự lãnh đạo của Đảng là nhằm bảo đảm phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân tin tưởng và trao quyền lãnh đạo cho Đảng để Đảng thực hiện khát vọng tự do, dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử chỉ nhằm định hướng hài hòa cơ cấu, số lượng nhân sự và xây dựng bộ tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu, giúp nhân dân bầu ra được Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp có tính đại diện, bảo đảm cơ cấu và chất lượng đại biểu. Yếu tố quyết định trong việc lựa chọn ai là người đại diện cho tiếng nói của mình thuộc về nhân dân. Bởi, ngay từ khâu chuẩn bị nhân sự thông qua việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú và trực tiếp thông qua những lá phiếu cử tri trong quá trình bầu cử, người dân mới là người thực sự “làm chủ”, “là chủ” trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang đến gần. Mỗi lá phiếu mà cử tri đi bầu không chỉ thể hiện ý thức về dân chủ, về quyền làm chủ của mình, mà còn thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào các cơ quan dân cử do nhân dân trực tiếp bầu ra và giao cho nắm giữ quyền lực nhà nước, sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin vào tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, nơi quyền làm chủ của nhân dân được phát huy cao nhất. Không một thế lực nào có thể làm lung lay niềm tin đó, cũng không một thế lực nào ngăn trở được sự thành công của "ngày hội non sông" - ngày hội toàn dân bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026./.

VŨ THÙY LINH
Tạp chí Cộng sản

----------------

(1) Bảo vật quốc gia: Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 - 1946), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 25

Chia sẻ bài viết