14/11/2016 - 08:54

Dấu ấn Việt - Nhật

Sau 3 ngày diễn ra (từ ngày 11 đến 13-11), Lễ hội Việt - Nhật đã khép lại với nhiều thành công tốt đẹp. Sự kiện không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh các địa phương qua các hoạt động văn hóa, ẩm thực đặc sắc.

Đậm bản sắc văn hóa

Lễ hội Việt - Nhật (viết tắt là Lễ hội) năm nay có nhiều hoạt động phong phú với gần 70 gian hàng đến từ Nhật Bản và Việt Nam. Đến với Lễ hội, du khách có không gian trải nghiệm đầy mới mẻ và thú vị về văn hóa của "đất nước mặt trời mọc", từ trang phục đến ẩm thực, các trò chơi giải trí.

Gian hàng trang phục Nhật Bản lúc nào cũng đông người đến tham quan và hiếu kỳ muốn một lần khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống của người Nhật. Tại đây, du khách được các tình nguyện viên hướng dẫn cách mặc Yukata- dạng trang phục từa tựa Kimono nhưng chỉ để mặc vào mùa hè, đồng thời chia sẻ các thông tin về nguồn gốc, nét nổi bật của phục trang này. Đinh Thị Vân Khánh - tình nguyện viên tại gian hàng Trang phục Nhật Bản, cho biết: "Yukata có lớp áo trong và thường làm bằng vải cotton, trông nhẹ và đơn giản hơn Kimono, nên nó thích hợp mặc trong mùa hè hoặc đời sống thường nhật của người Nhật. Tuy nhiên, dù mặc Kimono hay Yukata bạn đều phải chú ý đến việc điều chỉnh độ dài, nếp gấp ohashori (nếp gấp dưới eo). Đặc biệt, bạn phải tuân thủ nguyên tắc là tà áo trái trái nằm trên tà áo phải, bởi quy tắc ngược lại phải nằm trên trái là cách người ta mặc đồ cho người đã khuất". Khoác trên người bộ Yukata truyền thống, du khách Trần Thị Ngọc Trân, nói: "Cảm giác rất là thú vị. Trang phục của người Nhật có sự cầu kỳ, tỉ mỉ với những quy tắc riêng mà nếu bạn không tìm hiểu sẽ dễ phạm sai lầm. Ở mỗi quốc gia, mặc một bộ đồ hay thưởng thức một món ăn đều có quy tắc và mình nghĩ cần phải tìm hiểu kỹ vì đó cũng thể hiện sự hiểu biết và kỹ năng ngoại giao. Tôi rất thích tìm hiểu điều đó, nhất là văn hóa ở các nước như Nhật, Hàn".

Tại Lễ hội, du khách còn tìm hiểu và thưởng thức ẩm thực độc đáo của người Nhật với Sushi, bánh bạch tuộc, Mochi…Bạn Nguyễn Trần Nhật Lâm, cho biết: "Tôi rất thích ẩm thực Nhật vì các món ăn đều rất chế biến rất tinh tế, hài hòa nhiều gia vị, đặc biệt luôn tươi mới. Chẳng hạn với chiếc bánh Mochi Sweets này, nó không chỉ đẹp về hình thức mà còn rất thơm ngon với nhiều hương vị". Mochi là món bánh gạo nếp của Nhật Bản, thường được dùng trong những ngày sum họp gia đình, lễ tết hoặc trao tặng như món quà mang đến sự may mắn, thịnh vượng. Ngoài thưởng thức ẩm thực, du khách còn được các đầu bếp hướng dẫn làm món ăn Nhật, đó là Sushi- món ăn truyền thống gồm rong biển, rau củ và thực phẩm tươi (chủ yếu là cá, hải sản) với nước chấm lên men từ đậu nành kết hợp gừng, mù tạt.

Các bạn nhỏ thích thú chụp ảnh cùng các nhân vật anh hùng Nhật Bản. 

Các bạn trẻ xếp Origami. 

Các hoạt động luôn diễn ra xuyên suốt hấp dẫn du khách tham quan. Đặc biệt, màn trình diễn các nhân vật anh hùng trong truyền thống Nhật Bản: Gochan- đại sứ sức khỏe của quần đảo Okinawa, Gatter- siêu anh ùng của vựa gạo Niigata, gia đình rau củ vui nhộn Towada Families. Với hình ảnh hóa thân hoạt hình dễ thương, các vị anh hùng luôn thu hút sự chú ý các em nhỏ, làm không khí lễ hội luôn huyên náo. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức nhiều màn trình diễn kiếm đạo, nghệ thuật hấp dẫn của các nghệ sĩ đến từ Nhật trên sân khấu.

Trong khi đó, các gian hàng ẩm thực Việt luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thưởng thức. Ngoài các món truyền thống: bánh xèo, bánh chuối…đã quá quen thuộc thì gian hàng của chị Trần Thị Gấm (Hậu Giang) lại khiến du khách hiếu kỳ với món bánh ngũ cốc. Bánh được làm ra tại chỗ với các nguyên liệu chính từ gạo, bắp, bột mì…, không chỉ giòn rụm mà còn rất thơm ngon. Du khách Lê Tuyết Nhung, cho biết: "Lần đầu tôi mới biết đến bánh này, ăn rất ngon, cũng không ngán, lại được tận mắt xem quy trình sản xuất bánh, rất thú vị".

Sân chơi của người trẻ

Những năm gần đây, TP Cần Thơ phát triển vượt bậc với nhiều công trình, dịch vụ hiện đại. Tuy nhiên, không gian cộng đồng ở đô thị vẫn còn rất hiếm hoi, các bạn trẻ không có nhiều sân chơi, giải trí. Và các lễ hội đã trở thành điểm đến để nhiều người trẻ có không gian vui chơi, gặp gỡ và giao lưu. Điển hình, Lễ hội Việt- Nhật vừa qua đã trở thành sân chơi thu hút rất nhiều bạn trẻ.

Tại gian hàng Origami của nhóm 500+, hàng chục bạn trẻ sẵn sàng ngồi bệt tại chỗ, giữa cái nắng nóng, miệt mài gấp từng con hạc nhỏ xíu. Origami là nghệ thuật xếp giấy của người Nhật, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, sáng tạo và nhẫn nại. Du khách Nguyễn Thanh Tùng, cho biết: "Origami đòi hỏi sự nhẫn nại, khéo léo, nếu chịu khó mình có thể sẽ xếp được những tác phẩm độc đáo như khủng long, con rồng, chim công…rất đẹp". Bạn Lâm Bảo Nhi - đồng lãnh đạo nhóm 500+, chia sẻ: "500+ là nhóm hoạt động xã hội, giúp đỡ cho trẻ em về giáo dục. Tham dự Lễ hội lần này, nhóm tạo ra sân chơi Origami cho các bạn trẻ, qua đó mong muốn thông tin đến mọi người về các hoạt động xã hội của nhóm. Một số sản phẩm Origami được bán cho khách tham quan, từ đó gây quỹ hoạt động cho các dự án xã hội".

Trong khuôn khổ Lễ hội, trình diễn Cosplay (hóa thân thành các nhân vật trong truyện tranh, tiểu thuyết đồ họa, video games, phim giả tưởng, ca sĩ, chính trị gia…) là hoạt động được nhiều bạn trẻ quan tâm. Xuyên suốt trong thời gian diễn ra Lễ hội, nhiều bạn trẻ tự tin hóa trang thành kiếm sĩ, hiệp khách, công chúa…dạo chơi quanh các gian hàng, hoặc dừng lại cho người tham quan chụp ảnh cùng. Dương Dương- bạn trẻ đam mê Cosplay, cho biết: "Em thích tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản và rất thích hóa trang thành các nhân vật. Em có khoảng 2-3 bộ Cosplay, thông thường em thích hóa trang tự do sáng tạo, không bắt buộc mình theo nhân vật nào". Dương Dương đang hóa thân thành một lãng tử, nhưng buổi khác sẽ hóa thân thành nhân vật đầu bếp. Trong khi đó, bạn trẻ Trần Lâm Tường Vi lại thu hút lượng lớn người tham quan hiếu kỳ đứng xem cô trình diễn một cách điệu nghệ trò chơi Kendama. Kendama là đồ chơi truyền thống của Nhật Bản, có đến hơn 1.000 kỹ thuật khác nhau. Nhìn bề ngoài, tưởng chừng đó là trò chơi đơn giản, chỉ tung hứng cho vào quả cầu vào lỗ nhưng thật ra đòi hỏi người chơi phải hết sức kiên nhẫn. Tường Vi, cho biết: "Kendama rèn cho mình tính kiên nhẫn, sự quan sát tinh tế, nhanh nhạy. Do em thích văn hóa Nhật nên cũng tìm hiểu và tự học một số trò chơi". Ngoài Kendama, tại các gian hàng còn có nhiều trò chơi trải nghiệm hấp dẫn, như: Hanetsuki (đánh cầu lông kiểu Nhật), ném vòng…để các bạn trẻ có thể thử sức, cũng như trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người Nhật.

Lễ hội Việt- Nhật đã khép lại với nhiều thành công trên lĩnh vực kinh tế thương mại và những dấu ấn văn hóa đặc sắc, góp phần nâng cao hình ảnh của TP Cần Thơ với Nhật Bản và bạn bè quốc tế trong các hoạt động ngoại giao văn hóa.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết