26/03/2016 - 16:55

Dấu ấn tình hữu nghị

Năm 2016, Việt Nam- Ấn Độ kỷ niệm 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1972-2016). Tại TP Cần Thơ, nhiều năm qua, dấu ấn tình hữu nghị hai nước thể hiện qua những chương trình giao lưu văn hóa, xúc tiến đầu tư, giáo dục... Những dấu ấn đó không chỉ khẳng định tình hữu nghị Việt- Ấn bền chặt mà còn thể hiện sự năng động, giàu bản sắc của Cần Thơ trên hành trình hội nhập và phát triển.

* Dấu ấn từ một triển lãm

Giữa tháng 3-2016, triển lãm ảnh "Việt Nam- Ấn Độ vì hòa bình và phát triển" do UBND TP Cần Thơ và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức trong không gian ấm cúng của Bảo tàng Cần Thơ, thu hút hàng trăm lượt khách tham quan. Khoảng 60 bức ảnh tư liệu khắc họa mối quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa Việt Nam- Ấn Độ với điểm nhấn là hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 1958. Mở đầu không gian triển lãm là bài thơ "Gửi Nehru" được giới thiệu trân trọng. Đây là bài thơ được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tặng Thủ tướng Ấn Độ- J.Nehru vào năm 1943, ngay từ khi hai nước còn chưa giành được độc lập, tạm dịch:

"Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,
Anh phải vào lao, tôi ở tù;
Muôn dặm vời xa chưa gặp mặt,
Không lời mà vẫn cảm thông nhau"

Khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng J.Nehru cũng đã dành nhiều sự thán phục: "Dù ở chuẩn mực nào, Hồ Chí Minh vẫn là một trong những nhân vật xuất chúng của thời đại chúng ta".

Bà Smita Pant, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh (bìa phải), tặng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nehru cho Bảo tàng Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Bên cạnh những hình ảnh ngoại giao của Bác Hồ tại Ấn Độ, người xem xúc động trước hình ảnh Bác Hồ bỏ qua mọi nghi thức ngoại giao, ôm chầm cựu sinh viên Rananmitra Sen- người từng tham gia và bị thương trong cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam năm 1947. Từ đó, triển lãm ảnh mở ra một không gian đầy xúc cảm thể hiện tấm lòng Ấn Độ đối với Việt Nam thể hiện qua những phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa tại Việt Nam. Những hình ảnh: ngày 12-7-1966, nhân dân thành phố Calcutta biểu tình đốt cờ Mỹ và hình nộm Tổng thống Mỹ Johnson phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam; tranh cổ động của Đảng Cộng sản Ấn Độ, phát hành tại thành phố Calcutta ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược… là minh chứng rõ nét cho tình cảm thiêng liêng đó.

Tiếp nối thành tựu ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J.Nehru, lãnh đạo Việt Nam- Ấn Độ suốt nhiều năm qua đã vun bồi tình hữu nghị tốt đẹp đó qua những hình ảnh về hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa… Đó là các chuyến thăm của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đến Ấn Độ. Ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh Thủ tướng Ấn Độ Pratibha Devisingh Patil đứng dưới cội Bồ Đề tại chùa Trấn Quốc, Hà Nội vào năm 2008. Cây Bồ Đề này được đặt tên là "Cây Hữu Nghị", là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ Prasad nhân chuyến thăm Việt Nam vào năm 1958.

Triển lãm ảnh không quá quy mô, hoành tráng nhưng lại cuốn hút người xem bởi những bức ảnh sống động, tư liệu phong phú. Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, triển lãm ảnh là sự kiện giao lưu văn hóa mở đầu chuỗi hoạt động kỷ niệm 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Ấn tại Cần Thơ. Theo ông, những hoạt động giao lưu văn hóa là tiền đề gia tăng cơ hội hợp tác, đầu tư giữa Cần Thơ và các đối tác Ấn Độ.

* Tình hữu nghị trên đất Cần Thơ

Hầu như sự kiện văn hóa lớn nào tổ chức tại Cần Thơ, bà Smita Pant, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh đều tham dự. Bà Smita Pant chia sẻ thân tình tại buổi khai mạc triển lãm ảnh "Việt Nam- Ấn Độ vì hòa bình và phát triển" rằng: "Sở dĩ tôi tổ chức triển lãm này tại Bảo tàng Cần Thơ vì Cần Thơ rất gần gũi trong trái tim tôi". Chúng tôi đã gặp bà Smita Pant tại Cần Thơ nhiều lần: Lễ hội Bánh Dân gian Nam bộ 2015, thăm Trường Đại học Cần Thơ 2014… ấn tượng bởi sự niềm nở, gần gũi của bà. Chính sự thân tình và yêu mến văn hóa Cần Thơ của bà Tổng Lãnh sự đã thúc đẩy tình hữu nghị trên đất Tây Đô.

Lãnh đạo TP Cần Thơ, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh thực hiện nghi thức thắp đèn truyền thống của đất nước Ấn Độ trước khi bắt đầu khai mạc triển lãm ảnh "Việt Nam - Ấn Độ: Vì hòa bình và phát triển". Ảnh: DUY KHÔI

Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ tại TP Cần Thơ (gọi tắt là Hội Hữu nghị Việt- Ấn) được thành lập cách đây 23 năm, là một trong những hội hữu nghị mạnh của thành phố. Ông Huỳnh Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Ấn, cho biết: Hiện hội có 57 thành viên, chủ yếu là các giảng viên, nhà khoa học từng có thời gian học tập, nghiên cứu tại Ấn Độ. Hai chi hội mạnh của Hội Hữu nghị Việt- Ấn là Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Trường Cao đẳng Cơ điện và nông nghiệp Nam bộ, đã và đang thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu thông qua Nghị định Thư giữa Việt Nam và Ấn Độ, chương trình trao đổi chuyên gia… Nhiều cán bộ của Cần Thơ được cử đi học tại Ấn Độ đều trưởng thành, giữ nhiều chức vụ chủ chốt của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành trung ương. "Các cán bộ được đào tạo tại Ấn Độ là những sứ giả của Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam tại cơ sở học tập"- Tiến sĩ Huỳnh Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Ấn, thông tin.

Riêng ở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác song phương với Ấn Độ có truyền thống bền chặt. Đến nay, chính phủ Ấn Độ đã và đang hỗ trợ Viện Lúa đào tạo nguồn nhân lực thông qua chương trình hợp tác kinh tế và kỹ thuật (Indian Technical and Economic Cooperation - ITEC). Đến nay, Viện Lúa có 25 tiến sĩ, 49 thạc sĩ được đào tạo từ chương trình ITEC; nhiều cán bộ được tham gia chương trình tập huấn ngắn hạn. Tương tự, giai đoạn 2013-2015, 8 giảng viên của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ đã được nhận học bổng ITEC.

Nhiều năm qua, Cần Thơ cũng là thị trường được đối tác Ấn Độ quan tâm tìm hiểu, đầu tư và ngược lại. Điển hình, nếu như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ vào Ấn Độ năm 2014 là 1,4 triệu USD thì đến năm 2015, con số ấy đã tăng đến 5,3 triệu USD. Thông tin từ Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư Ấn Độ đã tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại Cần Thơ, điểm nhấn là Tập đoàn Arnold tìm hiểu đầu tư dự án nhà máy điện (than hoặc khí đốt), đầu tư tổ hợp Bệnh viện- Trường Đại học ngành y, dược với quy mô 700 giường… Một số Tập đoàn lớn ở Ấn Độ như TATA, Adytia Birla… cũng đang tìm hiểu, kết nối đầu tư tại Cần Thơ ở lĩnh vực máy nông nghiệp, quản lý đô thị… Tin rằng, khi những dự án này khởi động, tình hữu nghị giữa Việt Nam- Ấn Độ nói chung, Cần Thơ và các đối tác Ấn Độ nói riêng, sẽ càng thêm sâu sắc.

DUY LỮ

Chia sẻ bài viết