07/07/2019 - 17:14

Dấu ấn ngày hội du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng 

Đã thành thông lệ, cứ đến tháng 7 hàng năm, sông nước Cái Răng vui như trẩy hội khi đón du khách gần xa về chợ nổi. Qua 4 lần tổ chức, Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng (Ngày hội) đã trở thành sự kiện điểm nhấn cho du lịch Cái Răng nói riêng và Cần Thơ nói chung với có sức lan tỏa cộng đồng mạnh mẽ. Sau hai ngày diễn ra, đã có hàng chục ngàn lượt du khách tham quan, hưởng ứng...

Ghe tàu tấp nập trong hoạt động diễu hành trên chợ nổi Cái Răng.

Ngày hội thu hút sự quan tâm của du khách trong nước lẫn quốc tế. Những hoạt động này đều gắn liền với thực tiễn đời sống, phản ánh nếp sinh hoạt văn hóa của người dân vùng sông nước, nhất là những cư dân sinh sống trên chợ nổi. Gần 20 hoạt động diễn ra trong 3 ngày, chợ nổi Cái Răng tụ hội không ít du khách thập phương. Anh Nguyễn Hoàng Lê Phương (Hà Nội), nói: “Đây là lần đầu tôi thấy ấn tượng với chợ nổi đến thế. Ghe tàu diễu hành nườm nượp, không khí náo nhiệt, làm tôi cũng hào hứng theo”. Trong khi đó, anh Trần Minh Tân (TP Hồ Chí Minh), hồ hởi chia sẻ: “Hòa mình trong không khí lễ hội thế này rất vui. Ghe tàu cứ ngược xuôi, qua lại như mắc cửi cho tôi cảm giác chợ rất náo nhiệt, đáng để khám phá. Tôi cũng hy vọng chợ nổi sẽ vẫn luôn có không khí náo nhiệt như thế để du khách có thể trải nghiệm”.

Dưới sông là hàng trăm lượt ghe tàu qua lại, trên bờ hàng ngàn du khách  nô nức tham quan các gian hàng. Với hơn 100 gian hàng, du khách thỏa sức mua sắm. Một trong những hoạt động nhận được nhiều sự hiếu kỳ, thích thú của du khách chính là các sản phẩm từ hội thi tạo hình, trang trí từ các nông sản, ẩm thực, sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương. Du khách Nguyễn Thị Hồng Loan (Hải Phòng), nói: “Các sản phẩm này rất ấn tượng, trông đẹp mắt. Có mô hình chợ nổi thu nhỏ, có nhiều xuồng ghe thu nhỏ. Tôi thấy rất có ý nghĩa. Qua mấy mô hình này, du khách như chúng tôi có thể biết thêm chút gì đó về các sản vật, văn hóa của người miền Tây”. Hoạt động giới thiệu, quảng bá nông sản, đặc biệt là trái cây sạch cũng được nhiều du khách quan tâm. Có hàng chục loại trái cây được trưng bày và bán tại gian hàng của Phòng Kinh tế quận Cái Răng, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản của địa phương: bưởi năm roi, ổi không hạt, cam xoàn, măng cụt, sầu riêng… Cô Lê Thị Hạnh (Hà Nội), cho biết: “Trái cây miền Tây rất ngon, cứ đi miền Tây là tôi  mua trái cây về làm quà. Nay đi chợ nổi, biết lễ hội ghé đây tham quan thấy có bán nhiều loại trái cây đặc sản, tôi cũng mua một ít. Tại đây, các loại đều được niêm yết giá, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mình mua về cũng yên tâm”. Ông Trần Văn Thậm, Trưởng Phòng Kinh tế quận Cái Răng, cho biết: “Chúng tôi lựa chọn rất kỹ các loại trái cây đặc trưng của địa phương để mang đến Ngày hội. Đây đều là những loại trái cây có xuất xứ rõ ràng từ các nhà vườn trên địa bàn Cái Răng, trồng theo quy chuẩn an toàn, sạch. Thông qua Ngày hội như thế này, chúng tôi cũng mong muốn là cầu nối cho nhà vườn và du khách, từng bước hình thành điểm tiêu thụ nông sản sạch”. 

Du khách tham quan và chụp ảnh ở các mô hình từ sản phẩm nông sản, ẩm thực địa phương.

Các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống  thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu. Du khách Ngô Hồng Anh (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Đây là lần đầu tôi hiểu về quy trình dệt chiếu và đan thúng. Nhìn sản phẩm đơn giản nhưng làm không dễ và kỳ công lắm. Làm ra một sản phẩm như vậy mất rất nhiều quy trình và thời gian, điều này càng làm mình trân trọng thêm nghề truyền thống”. Tại đây có khoảng 5-6 nghệ nhân, trình diễn các nghề nổi bật của địa phương như: dệt chiếu, đan giỏ, đan thúng… Bàn tay khéo léo của họ thu hút không ít người xem và tìm hiểu về nghề thủ công này. Nghệ nhân Nguyễn Thị Chậm (71 tuổi) có kinh nghiệm trên 50 năm ở làng nghề dệt chiếu Thường Thạnh, cho biết: “Tôi tham gia ngày hội này cũng 4 lần rồi. Mỗi lần đều vui và háo hức lắm, vì mình cũng muốn chia sẻ nghề truyền thống với nhiều người. Vậy chứ, nhờ ngày hội này mà người ta đến tham quan, mua chiếu ở chỗ cơ sở của chúng tôi nhiều lắm”. Cũng có chung niềm vui với nghệ nhân Nguyễn Thị Chậm, cô Dư Thị Hường- vợ nghệ nhân Hai Hiến, nổi tiếng ở xóm thúng Yên Hạ, chia sẻ: “Nghề đan thúng theo vợ chồng tôi cũng hơn 50 năm rồi. Mỗi lần lễ hội chúng tôi đều tham gia với niềm vui là muốn giới thiệu nghề truyền thống với nhiều người”. Đưa làng nghề đến với Ngày hội cũng là một hoạt động ý nghĩa khi nó góp phần gìn giữ và phát huy làng nghề mà nhiều năm qua Cái Răng vẫn thường xuyên làm.

Không khí náo nhiệt diễn ra ở khu vực bày bán ẩm thực. Tại đây nhiều gian hàng thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thưởng thức. Các quầy bánh dân gian: bánh chuối, bánh da lợn, bánh bò, bánh lá, bánh đúc… đều thu hút du khách. Chị Nguyễn Thị Lệ (Hà Nội), nói: “Tôi rất thích ẩm thực miền Tây, nhất là các loại bánh dân gian. Có nhiều loại bánh để chúng tôi thưởng thức. Tôi cho rằng đây là một hoạt động tốt để tạo điều cho người địa phương quảng bá được tay nghề. Với những du khách yêu thích ẩm thực như tôi, chắc chắn đây là trải nghiệm thú vị”. Anh Trần Hoàng Thông (TP Hồ Chí Minh), bày tỏ: “Ngày hội đã tạo không khí náo nhiệt cho chợ nổi. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy thiếu các hoạt động tương tác dành cho du khách trải nghiệm. Các hoạt động trên sông cũng rất ít. Tôi hy vọng địa phương sẽ quan tâm đến điều này hơn, cần có thêm nhiều hoạt động cho chợ nổi thêm hấp dẫn”.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhận xét: “Ngày hội đã tạo được sức lan tỏa cộng đồng, thu hút rất nhiều du khách gần xa đến với Cái Răng. Qua 4 lần tổ chức, chất lượng ngày hội ngày càng được nâng cao, các hoạt động  phong phú, phát huy được giá trị di sản và sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó tạo được hình ảnh sống động hơn, hiểu biết về chợ nổi sâu rộng hơn đến với du khách trong nước và quốc tế, góp phần cho việc quảng bá du lịch Cái Răng và Cần Thơ ngày càng hiệu quả”.

Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, cho biết: “Ngày hội là sự kiện quan trọng  góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng. Thông qua ngày hội này, chúng tôi mong muốn lắng nghe  nhận xét, đánh giá chân tình từ du khách gần xa, các đơn vị lữ hành… về hoạt động lễ hội, các sản phẩm du lịch, nông sản địa phương. Từ đó, chúng tôi sẽ có những thay đổi, từng bước nâng chất, để giới thiệu thật đầy đủ về hình ảnh, con người của vùng đất Cái Răng, Cần Thơ đến với đông đảo du khách; từng bước đưa chợ nổi Cái Răng trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn du khách”.

Bài, ảnh: Ái Lam

Chia sẻ bài viết