22/07/2024 - 18:59

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Ðảng 

Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, với tiêu đề: “Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Ðảng”.

Chiều 15-11-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thành phố Hải Phòng. Ảnh: TRÍ DŨNG/TTXVN

57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đồng chí để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần hoạch định chủ trương, đường lối ở tầm chiến lược; xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm lớn đối với công tác tư tưởng của Đảng. Trải qua các cương vị quan trọng: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII đến khóa XIII; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VIII đến khóa XIII; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước; Tổng Bí thư từ khóa XI đến khóa XIII, Đồng chí đã chứng tỏ là một nhà chính trị, nhà tư tưởng đặc biệt xuất sắc. Trong mọi hoàn cảnh, Đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản có tầm nhìn chiến lược; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, các nguyên tắc của Đảng; giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tiền phong, gương mẫu, khiêm tốn, bình dị, gần gũi nhân dân.

1. Trên cương vị là một nhà lý luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp, cống hiến đặc biệt, với nhiều công trình, tác phẩm, sách, bài viết mang tầm lý luận, có giá trị cao. Trong các công trình của mình, Đồng chí đã tổng kết sâu sắc thực tiễn, nâng lên thành lý luận đường lối đổi mới. Đồng thời, tuyên truyền Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội.

Trong bối cảnh mới của thời đại, khi mục tiêu, chủ thuyết, thực tiễn đặt ra nhiều thách thức đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, nhất là thách thức đấu tranh tư tưởng trong bối cảnh thăng trầm của chủ nghĩa xã hội hiện thực sau bài học xương máu về sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu trong công tác tổ chức xây dựng Đảng…, Đồng chí luôn trăn trở, đau đáu làm thế nào để Đảng ta hiện thực hóa thành công học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo Đồng chí, trước hết, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa yêu cầu của công tác lý luận trong thời kỳ mới, lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn, phải có tầm nhìn vượt trước và tạo đột phá về lý luận phát triển, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối đổi mới của Đảng.

Bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy lý luận sắc bén và tinh thần cách mạng tiến công, Đồng chí đã có nhiều công trình hết sức sâu sắc, có giá trị lý luận, thực tiễn và hành động cao về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã”; “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”; “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”; “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam”; “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”… Các tác phẩm của Đồng chí đã tác động lớn đến nhận thức chính trị tư tưởng trong Đảng và xã hội, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức đúng đắn lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam  trên cả phương diện khách quan và chủ quan, nhất là về xây dựng Đảng và triển khai tổ chức các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trên cơ sở đó, củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào đường lối, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, của dân tộc và Nhân dân ta vào con đường đã chọn, với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.

Dù ở vị trí, cương vị công tác nào, Đồng chí luôn dành thời gian tổng kết thực tiễn, nâng tầm thành lý luận trên các lĩnh vực, rồi vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác lãnh đạo của Đảng, đúc rút thành các bài học kinh nghiệm, các mối quan hệ lớn mang tính quy luật về xây dựng chủ nghĩa xã hội, phù hợp với thực tiễn đất nước, đóng góp vào sự phát triển tư duy lý luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo Đảng xuất sắc,  Đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh, quan điểm, lập trường kiên định, nhất quán, tinh thần chiến đấu cách mạng không ngừng nghỉ của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí có nhiều đóng góp lớn đối với công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong việc bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn, trên cơ sở đó, hình thành quan điểm, đường lối của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, ngày càng sáng tỏ hơn về mô hình, mục tiêu, bước đi của thời kỳ quá độ. “Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”[1]. Điều này góp phần làm cho hệ tư tưởng của Đảng ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội, nâng cao nhận thức, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội; giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tư duy lý luận sắc sảo của Đồng chí đã trở thành ngọn cờ lý luận, tiên phong, quy tụ, dẫn dắt, định hướng rõ nét công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của Đảng: (i) Hoạch định đường lối, tầm nhìn chiến lược của Đảng, của dân tộc và cách mạng Việt Nam; (ii) Coi trọng tổng kết thực tiễn, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; (iii) Chú trọng nguyên tắc sống còn, không cho phép “ngả nghiêng, dao động”: Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: TRÍ DŨNG – TTXVN

2. Trên lĩnh vực công tác tuyên truyền, cổ động, báo chí, truyền thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người làm báo thực thụ, rất sắc bén, trở thành cây đại thụ trong nền báo chí cách mạng Việt Nam [2]. Điểm đặc biệt nổi bật trong các bài viết của Đồng chí là mang tầm chiến lược, nhìn xa trông rộng, nhưng vô cùng gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, mang tính chiến đấu cao và có sức lan tỏa, tác động, cảm hóa sâu sắc. Nhiều câu thơ, ca dao, tục ngữ, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổng Bí thư vận dụng trong lối viết báo, vừa thể hiện tính sắc sảo, tầm vóc trí tuệ chứa đựng tư tưởng chỉ đạo lớn lao của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa thể hiện bút pháp phong phú, đa dạng của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Bởi vậy, nội dung thông điệp dù rất trừu tượng, từ học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đến lý luận xây dựng Đảng, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đường lối văn hóa, đường lối đối ngoại, quốc phòng - an ninh… đều được truyền tải hết sức dung dị, dễ hiểu, sinh động, hấp dẫn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trở thành "cẩm nang” sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Những bài viết, bài nói của Đồng chí góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; làm cho hệ tư tưởng của Đảng dần chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động hơn trong nhận diện, đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những bài viết, bài nói của Đồng chí góp phần định hướng dư luận tích cực, chủ động, kịp thời, dự báo đúng và trúng, nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, xử lý thông tin từ khi mới manh nha, không để tích tụ thành vấn đề lớn. Những bài viết, bài nói của Đồng chí góp phần vào việc tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhanh chóng đưa các quyết sách của Đảng vào cuộc sống, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trên tinh thần ý chí, quyết tâm, nỗ lực đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử với những dấu ấn nổi bật, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng cao, bền vững.

(Còn tiếp)

-------------------------

(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 103

(2) Số lượng công trình sách lý luận của Ðồng chí Tổng Bí thư hơn 40 cuốn, số lượng các bài viết bài phát biểu chỉ đạo, định hướng lên đến hàng nghìn văn bản.

Chia sẻ bài viết