05/06/2009 - 21:34

Đạt danh hiệu xã phường văn hóa: Khó hay dễ?

TP Cần Thơ vừa hoàn thành đợt khảo sát đánh giá chất lượng các xã phường văn hóa. Sau 12 năm xây dựng và tổ chức, đến nay Cần Thơ đã có 30 xã phường được công nhận danh hiệu này. Trên bình diện của TP Cần Thơ, chỉ có 30 đạt chuẩn trên tổng số hơn 85 xã phường là khá khiêm tốn. Tuy nhiên, cũng không dễ đạt danh hiệu này...

Nhiều chỉ tiêu “khó nuốt”

NVH Tân Lộc là một trong số hiếm NVH được xây dựng khá khang trang và hoạt động hiệu quả. Ảnh: T. VI 

Để được công nhận danh hiệu văn hóa, các xã phường phải đạt hàng trăm chỉ tiêu xoay quanh 4 điểm chính: xây dựng hệ thống chính trị, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội - an ninh quốc phòng và giao thông, cảnh quan môi trường. Có những chỉ tiêu mà hầu hết xã phường văn hóa hiện nay đã đạt được khá dễ dàng và giữ vững suốt nhiều năm liền, như xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đời sống kinh tế ổn định, an ninh quốc phòng và giao thông. Tuy nhiên, cũng có những chỉ tiêu như về an ninh trật tự, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa và giữ gìn cảnh quan môi trường mà nhiều xã phường phấn đấu trầy trật mãi mà không đạt được. Nếu có may mắn đạt thì cũng chỉ giữ được trong vài năm ngắn ngủi ở thời điểm phấn đấu được công nhận danh hiệu văn hóa, bởi các tiêu chí này khó mà giữ được lâu do tác động xã hội và nhiều nguyên nhân khách quan.

Có một chỉ tiêu thoạt nhìn thì không khó, nhưng lại là “cục xương khó nuốt” của nhiều xã phường. Đó là Nhà văn hóa (NVH) và Nhà thông tin (NTT). Ngay cả trong số 30 xã phường văn hóa vừa qua, TP Cần Thơ có đến 15 xã phường không có NVH hoặc NVH không hoạt động, hệ thống NTT tạm bợ, xuống cấp, không được nâng chất. Nhìn lại hệ thống NVH ở những địa phương đã nỗ lực xây dựng thiết chế này trong thời gian qua, thì chỉ có vài xã phường xây dựng thiết chế này đúng nghĩa như Tân Lộc của Thốt Nốt, Giai Xuân của Phong Điền, An Hội của Ninh Kiều, Định Môn của Cờ Đỏ... Hầu hết các NVH còn lại đều được tận dụng từ phòng bỏ trống của UBND xã phường, hoặc được xây dựng trong khuôn viên của UBND. Điển hình như Thới Thuận của Thốt Nốt đã hoàn tất hầu hết các chỉ tiêu phường văn hóa, nhưng vì chờ có đất xây dựng thiết chế này mà lễ công nhận danh hiệu phải dời lại gần hai năm. Cuối cùng, địa phương đành trưng dụng vài phòng của UBND phường để “hợp thức hóa” khâu cuối cùng. NVH An Bình của Ninh Kiều (được công nhận cách đây 12 năm) cũng là sản phẩm được làm để đối phó. Nhiều năm qua phải bó hẹp trong căn phòng chật chội của trụ sở UBND phường thì hoạt động thế nào đây? Phường An Bình rất mong có được NVH để tổ chức các sinh hoạt văn hóa văn nghệ rất phong phú của địa phương, thậm chí Đảng ủy, chính quyền và các cấp địa phương đã vận động được mạnh thường quân góp vốn, nhưng không thể nào có một mảnh đất xây dựng. Tình trạng như vậy đủ giải thích cho sự xuống cấp của hệ thống NTT ấp khu vực hiện nay cũng do một thời “chạy chỉ tiêu”. Hậu quả tất yếu là thiết chế này không có sự ổn định, thì làm sao đòi hỏi hoạt động thực chất?

Chỉ tiêu về an ninh trật tự và vệ sinh môi trường cũng là vấn đề với hầu hết các xã phường phấn đấu cho danh hiệu văn hóa. Ngay tại những địa phương vốn giữ phong trào vững mạnh nhiều năm liền cũng rất ngán ngại chỉ tiêu này. Lấy một dẫn chứng, Tân Lộc của Thốt Nốt mất vị trí dẫn đầu về phong trào an ninh trật tự từ năm 1998 đến nay vì một vụ rượt đuổi chém người trên sông ngang qua địa bàn phường của những đối tượng từ các địa phương khác. Một trường hợp “oan” khác là trong vụ hành hung xảy ra tại công viên Lưu Hữu Phước, dù không phải do người địa phương gây ra, nhưng phường An Phú quận Ninh Kiều phải “lãnh” vụ này do Công viên Lưu Hữu Phước nằm trên địa bàn hai phường, phường bạn đang “lo” nhận danh hiệu văn hóa trong năm nay. Con số 50% xã phường văn hóa xảy ra trọng án hoặc không được công nhận “Ba không” (không tội phạm, ma túy, mại dâm) phần nhiều do yếu tố khách quan, chứ không phải do sự yếu kém của địa phương.

Nhiều xã phường văn hóa hiện đang lâm vào tình cảnh vệ sinh cảnh quan môi trường nhếch nhác do các quy hoạch, dự án “treo”, quá trình đô thị hóa chưa hoàn thiện và những ảnh hưởng từ phát triển kinh tế không đi đôi với bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như phường văn hóa Hưng Thạnh quận Cái Răng nằm ngay sát trung tâm TP Cần Thơ nhưng không có đường xe bốn bánh đến trung tâm, nhiều tuyến đường sạt lở, nhiều bãi đất trống um tùm cỏ dại, bụi mù bởi cát đá... vì vướng nhiều quy hoạch đang treo. Ngay tại các xã văn hóa của miệt vườn Phong Điền như Giai Xuân, Tân Thới, Trường Long, Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước do chăn nuôi, hay các xã phường văn hóa ở Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt đang hứng chịu chất thải từ các khu công nghiệp xung quanh...

Cùng ở quận Thốt Nốt, nhưng NVH Trung An phải “ở nhờ” đình thần Trung An và luôn đóng cửa. 

Việc cụ thể hóa phong trào với những chỉ tiêu có vẻ rõ ràng, minh bạch, thế nhưng, các chỉ tiêu này dường như buộc các xã phường văn hóa “vắt chân lên cổ” chạy theo thành tích. Nhiều địa phương còn khó khăn về nhiều mặt, nhưng do áp lực phải đạt danh hiệu nên vận động nhân dân làm hàng rào, cột cờ, gấp rút xây dựng các thiết chế như NVH, NTT, tổ chức các CLB văn hóa văn nghệ thể thao, chỉnh trang vội vã hệ thống giao thông, tổ chức liên tục các chiến dịch đẩy đuổi các đối tượng tệ nạn xã hội và tội phạm ra khỏi địa bàn... nhưng lại dồn cho các phường, xã khác. Cách làm này không đi vào thực chất, bởi những nét cơ bản nhất của một xã phường văn hóa là sự đoàn kết trong các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự sung túc khá giả trong đời sống của nhân dân; nét đẹp trong văn hóa ứng xử và văn minh công cộng trong cộng đồng dân cư; môi trường sống trong lành, an toàn lành mạnh... không phải là những việc có thể hoàn tất trong thời gian ngắn mà được.

Khảo sát, đánh giá chất lượng xã phường văn hóa - “dễ ợt!”

Có thể nói, từ năm 2005 đến nay, công tác kiểm tra nâng chất các xã phường văn hóa được cố gắng duy trì. Trong đợt khảo sát chất lượng các xã phường văn hóa đầu năm 2009 vừa qua, thành phần của các đoàn kiểm tra “hao hụt” nhiều. Chỉ có Trưởng, Phó 6 sở, ban ngành tham dự. 20 đơn vị trong cơ cấu vắng mặt. Đoàn xuống cơ sở, nhiều quận huyện không cử người cùng làm việc, các xã phường chủ yếu báo cáo bằng văn bản, nghe đoàn góp ý rồi... hứa. Theo Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (BCĐ PTTDĐKXDĐSVH) một phường văn hóa của quận Cái Răng, vấn đề trên nảy sinh vì: “Rất nhiều vấn đề mà địa phương đề xuất hoặc ngoài tầm tay không còn được giải quyết nhanh chóng và đến nơi đến chốn như trong những lần khảo sát trước đây”.

Quả thật, với lực lượng mỏng như thế, thì đoàn kiểm tra chỉ có thể đánh giá chất lượng phong trào thông qua báo cáo và số liệu thống kê của cơ sở, còn việc đi thực tế chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” đến vài NTT ấp, khu vực tiếp tục nghe... báo cáo.

Nhiều xã phường văn hóa cho biết trong những năm 2001 đến 2004 việc khảo sát, đánh giá chất lượng mô hình văn hóa rất bài bản và nghiêm túc. Chủ trì mỗi đoàn khảo sát là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cùng đi là đại diện HĐND, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng Phó của hầu hết các sở, ban, ngành, đoàn hội trong toàn tỉnh. Lãnh đạo mỗi đơn vị lại có các chuyên viên theo giúp việc. Lãnh đạo các huyện thị thành cũng theo sát đoàn kiểm tra. Đoàn đi giáp hầu hết các tuyến đường chính ở địa phương, đến tận nhà dân hỏi han về các mặt của phong trào, từ việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, việc chăm lo đời sống tinh thần, đời sống vật chất, tình hình an ninh trật tự, việc phát triển giao thông, giữ gìn môi trường, quan sát và ghi nhận thực tế từ những việc “mắt thấy tai nghe”... Chính vì vậy, các xã phường thời điểm đó vừa rất lo lắng khi có kiểm tra, nhưng cũng rất mong đoàn kiểm tra đến để giúp địa phương xở gỡ nhiều khó khăn, bởi đoàn có những đồng chí lãnh đạo có thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay các xã phường rất mong công tác xây dựng mô hình văn hóa không chỉ căn cứ vào các con số, mà dựa trên tình hình thực tế ở địa phương để giúp các đơn vị tập trung phát huy những thế mạnh riêng biệt, chứ không chăm chăm chạy theo những mục tiêu tổng hợp chung, gây lãng phí nhân lực lẫn vật lực. Ví dụ như ở các xã phường vùng đô thị, không cần phải bàn về những vấn đề như phát triển đời sống kinh tế hay hưởng thụ văn hóa, mà nên tập trung vào các tiêu chí về xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự đô thị, xây dựng các tuyến đường, con hẻm đẹp. Ở các vùng nông thôn, nên tập trung hỗ trợ địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan môi trường lý tưởng để vừa đáp ứng nhu cầu về văn hóa - vừa phục vụ du lịch sinh thái, phát triển kinh tế...

Công tác khảo sát, đánh giá chất lượng các xã phường văn hóa phải được tiến hành song hành cùng việc giúp địa phương củng cố nâng chất các mô hình đã được công nhận. Vấn đề đặt ra là có nên đưa chỉ tiêu mỗi năm thành phố phải có thêm 4 xã phường văn hóa mới không, trong khi các xã phường đạt danh hiệu này hiện nay đang chật vật với yêu cầu nâng cao chất lượng? Có ý kiến cho rằng cần trở lại phương pháp đầu tư xây dựng các mô hình điểm để tạo sức bật cho phong trào chung. Thí dụ như hồi năm 2004, Cần Thơ từng xây dựng kế hoạch đầu tư tạo các mô hình văn hóa điểm ở xã phường, ấp khu vực. Địa phương nào xây dựng phong trào tốt thì sẽ được thành phố đầu tư nâng cao thành mô hình kiểu mẫu về mọi mặt để tạo tinh thần thi đua chung cho các mô hình văn hóa cơ sở.

TƯỜNG VI

Chia sẻ bài viết