01/09/2008 - 08:41

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

(Cổng TTĐT Chính phủ)– Ngày 31-8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với UBND TP Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị phát triển nguồn nhân lực lao động qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gồm có 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh với 13.700.000 người. Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng đã chia sẻ và bày tỏ những bất cập, khó khăn về áp lực của nhu cầu nhân lực vừa thiếu, vừa yếu như hiện nay, rất cần một bước đột phá để từ nay đến năm 2015 cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như của các DN. Theo số liệu của Cục việc làm - Bộ LĐ-TB&XH, tỷ trọng cơ cấu lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của vùng kinh tế này đang đứng đầu cả nước, lao động đã qua đào tạo chiếm 39,18%. Lao động đang làm trong các lĩnh vực kinh tế theo số liệu năm 2007 là 7.667.121 người. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng có hệ thống mạng lưới các cơ sở dạy nghề mạnh và phát triển tương đối đồng đều, ổn định hơn so với các vùng kinh tế khác của cả nước. Dự báo nhu cầu nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010 sẽ là: 8.284.873 người. Tuy nhiên, thực tế việc đào tạo nghề hiện nay vẫn chưa gắn với thực tế sử dụng, đa số những người đi học nghề sau khi ra trường đến làm việc tại DN đều phải đào tạo lại.

Sắp tới, Tổng cục dạy nghề sẽ chú trọng việc đào tạo nghề cho các DN theo mô hình “cắt may” sao cho vừa đúng, vừa trúng nhu cầu của DN. Phải xây dựng danh mục những nghề trọng điểm để được đầu tư nhanh chóng tiếp cận trình độ thế giới và khu vực. Hình thành trung tâm thông tin thị trường lao động của vùng kinh tế trọng điểm để tổ chức thu thập thông tin chi tiết nhu cầu nhân lực của các DN, nhất là những DN có vốn nước ngoài. Cơ cấu nguồn kinh phí đầu tư cho dạy nghề đến năm 2015 của vùng là: 50% nguồn ngân sách Nhà nước, 20% nguồn vốn ODA và 30% là nguồn xã hội hóa. Khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề và bảo đảm quyền sở hữu theo pháp luật và các quyền lợi đầu tư. Mục tiêu của Tổng cục dạy nghề là đến năm 2015 tất cả các cơ sở dạy nghề vùng đều đào tạo theo đơn đặt hàng của DN, người được tuyển dụng vào học nghề sẽ biết rõ khi ra trường sẽ làm việc ở đâu, và mức lương là bao nhiêu.

Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến phát biểu xoay quanh vấn đề làm sao để gắn kết, xác định ngành nghề đào tạo với các nhu cầu đào tạo của DN, các nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu kết luận tại Hội nghị. Theo đó, những cơ hội đào tạo cho DN trước hết là phải phù hợp với nhu cầu của DN. Đây là việc làm ngắn hạn để đạt được mục tiêu dài hạn, vì vậy rất cần công tác dự báo nhu cầu đào tạo này. Cần phải nhanh chóng đổi mới, tìm những giải pháp, những chương trình khung để làm mới quá trình đào tạo cho người học, qua đó việc đào tạo sẽ hiệu quả hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nét mới trong đào tạo nghề là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và DN. Phó Thủ tướng hoan nghênh và yêu cầu các địa phương, các cơ sở đào tạo tiếp tục chủ động trong lĩnh vực đặt hàng đào tạo nghề, cần nhanh chóng thiết lập các trung tâm giao dịch để nắm bắt nhu cầu nhân lực của DN, qua đó định hướng đào tạo sát hợp với nhu cầu DN. Đồng thời, ngày một hoàn thiện nội dung giáo trình, tăng thực hành, giảm lý thuyết.

TỪ LƯƠNG

Chia sẻ bài viết