Nằm cách đảo Lớn chừng 3 hải lý về phía Tây Bắc, đảo Bé (hay còn gọi là xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) vẫn còn nguyên nét hoang sơ mà tạo hóa ban tặng. Đời sống của người dân từ chỗ chỉ dựa vào nghề trồng hành, tỏi và đi biển, đã khá dần lên vì biết khai thác loại hình du lịch lưu trú homestay.
Biển Lý Sơn nhìn từ trên núi Thới Lới sang phía đảo bé An Bình. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Cập cảng đảo Bé, du khách chỉ cần đi bộ vài chục mét là có thể dễ dàng tìm cho mình một homestay có mặt hướng ra biển với view tuyệt đẹp để nghỉ ngơi hoặc ở qua đêm với giá cả khá rẻ, từ 50 - 100 ngàn đồng/người/ngày đêm.
Độc, lạ nhất phải kể đến Athena Camping and homestay của bà Nguyễn Thị Tám. Cách bài trí khá đơn giản nhưng không kém phần hiện đại. Trong nhà, bà vẫn giữ nguyên mọi thứ như cách mà gia đình bà sống ở đây mấy chục năm qua. Ngoài sân, bà trải vài thảm cỏ nhân tạo xanh mướt, đặt hai bộ bàn bằng gỗ để du khách có không gian ngồi uống nước. Còn khoảnh đất nhô ra biển đối diện nhà, bà Tám dựng một chòi nhỏ có đầy đủ bàn ghế, trang trí thêm đèn dầu cổ, chong chóng gió, võng để du khách đung đưa thả hồn với sóng vỗ.
Cạnh đó, bà Tám tận dụng những bụi cây dại cao gấp hai lần người lớn, tán sum suê sà ra 4 hướng và những cây dừa mọc thẳng đứng tạo thành chiếc lầu lơ lửng trên không trung bằng vật liệu gỗ, ván, tre và dây thừng; bố trí vài nệm cát, thả vài cái rèm trắng mỏng mảnh như cảnh người ta thường thấy trong các bộ phim... lãng mạn. Du khách có thể leo lên, nằm đọc sách, trò chuyện giữa những đợt gió thổi vào mát rượi và cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên.
Em Lâm Tiểu Giao, du khách đến từ thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết em đã đến đảo Bé rất nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên em ở homestay. Phong cách homestay ở đây có chút gì đó hoài niệm xưa nên em rất thích. Đến đây, em có thể chụp nhiều ảnh đẹp và có không gian để đọc sách, thư giãn.
Chị Huỳnh Thị Diễm Châu, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Cách bài trí ở đây bắt mắt, đẹp, gần gũi với thiên nhiên. Người dân cũng khá thân thiện.
Đến đảo Bé, du khách có thể thuê xe tuk tuk di chuyển chừng vài km, đến vị trí điểm tham quan hòn Đụn để lưu trú, nghỉ dưỡng. Tại đây, một homestay Ly Son Bungalow được thiết kế xây dựng khá bề thế, thuộc loại nhất nhì của xứ đảo mang trầm tích núi lửa này. Nó được dựng lên bằng gỗ, tường ngoài sơn đủ loại màu sắc, bên trong nhà thiết kế hai tầng, mỗi tầng có khoảng 4 giường ngủ; có những ô cửa nhỏ để khách có thể ngắm nhìn ra biển. Đặc biệt hơn, chỉ đi bộ một chút là du khách đã đứng đối diện với biển cả mênh mông, vui đùa với làn nước trong mát xanh màu ngọc bích.
Du khách cũng có thể lên cây cầu gỗ bắc ra chỏm đá giữa biển để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời, hoặc dạo quanh bờ đê chắn sóng dài hun hút.
“Tôi chọn xây homestay bằng gỗ vì nó tạo không gian hài hòa, gần gũi với du khách và không bị thô cứng, phá vỡ cảnh quan như xây bằng chất liệu bê tông. So với nghề biển tôi thấy loại hình du lịch homestay đem lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Vào mùa cao điểm (dịp hè) mỗi ngày có đến hơn chục khách đăng ký lưu trú, ăn uống tại đây, tôi thu được vài triệu đồng/ngày mà công việc nhẹ nhàng nữa”- anh Đặng Văn Sâm, chủ homestay này cho biết.
Ông Huỳnh Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã đảo An Bình thông tin, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, những hộ kinh doanh dịch vụ homestay trên đảo được đi tập huấn, tham quan mô hình này ở Hội An và các tỉnh phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm từ tỉnh bạn, về áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chính quyền xã luôn hướng dẫn người dân phải làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường, phải tạo được đặc trưng riêng của xã đảo để thu hút khách du lịch.
Hiện tại, đảo Bé có khoảng 7 hộ triển khai dịch vụ lưu trú homestay và đa số đều có mức sống cao từ nó. Thời gian tới, loại hình dịch vụ này sẽ được nhân rộng ra nhiều hộ hơn và sẽ là nghề phụ cho thu nhập chính.
Theo TTXVN