26/11/2010 - 21:14

Đánh thức hồn di sản phi vật thể

Từ năm 1998, công việc nghiên cứu và bảo tồn văn hóa phi vật thể của Bảo tàng Cần Thơ đã đạt được một số thành quả nhất định. Đến nay đã có 11 đề tài được điều nghiên, hệ thống và lưu trữ với sự cộng tác, cố vấn của các nhà nghiên cứu danh tiếng. Điều đặc biệt là Bảo tàng Cần Thơ đã đưa các di sản này đến với công chúng.

Những đề tài nghiên cứu văn hóa phi vật thể tại Bảo tàng Cần Thơ rất khoa học, nghiêm túc, khái quát được nét đẹp văn hóa truyền thống. Các di sản văn hóa tinh thần được nghiên cứu và bảo tồn thuộc ba nhóm chính là lễ hội, kỹ thuật nghề truyền thống và các loại hình văn nghệ dân gian. Đã có những đề tài có giá trị sâu rộng với nhân dân địa phương như: “Hò Cần Thơ” (1998), “Hát ru” (1999), “Lễ Kỳ yên thượng điền đình Bình Thủy” (2000), “Kỹ thuật đóng ghe xuồng” (2001), “Chợ nổi” (2002), “Đờn ca tài tử ở Cần Thơ” và “Nghi thức làm phước trong lễ dâng y tại chùa Pôthi Sômron (2003), “Múa bóng rỗi” (2004), “Nghề dệt chiếu”, (2005), “Nghề đan lọp” và “Lễ viếng Quan thánh đế ở Chùa Ông, Bến Ninh Kiều” (2006). Từ năm 2007-2009, Bảo tàng Cần Thơ thực hiện tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể theo phương pháp nghiên cứu xã hội học.

Thuyết minh viên Võ Thị Cẩm Hiền đang kiểm tra các hiện vật nghề đan đát để giới thiệu tại Trường Trung học cơ sở An Thới. 

Có thể thấy rằng, hầu hết các đề tài được nghiên cứu, bảo tồn kể trên đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thậm chí có cái đã mất hẳn trong đời sống. Khi tiến hành đề tài “Hò Cần Thơ” cách đây 12 năm, Bảo tàng Cần Thơ đã phải tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu, gặp gỡ nhiều người để phục dựng hoạt động này. Đây là một việc làm khó khăn vì những nghệ nhân biết về “Hò Cần Thơ” - từng được nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Lê Giang tiếp xúc trong công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc - hầu hết đã không còn sống. Những người nghiên cứu phải phục dựng nhờ sự giám sát chặt chẽ của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Lê Giang. May mắn hơn, những đề tài khác đều còn tư liệu thật trong đời sống. Sau khi làm đề cương, lên kế hoạch cho mỗi đề tài, các cán bộ nghiên cứu đi điều nghiên, điền dã kỹ càng và chọn lọc những gì tinh túy, độc đáo để ghi âm, ghi hình và viết tư liệu.

Giờ đây, tất cả các công trình nghiên cứu văn hóa phi vật thể mà Bảo tàng Cần Thơ thực hiện đã được lưu giữ cẩn thận dưới dạng phim, hình ảnh và văn bản đồng thời đưa về Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, lưu giữ trong ngân hàng tư liệu gồm hơn 1.000 công trình nghiên cứu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam do Viện quản lý.

Trong những năm đầu khởi động công việc nghiên cứu văn hóa phi vật thể, Bảo tàng Cần Thơ xác định yêu cầu giữ di sản truyền thống là chính. Trong giai đoạn đầu, bảo tàng chủ yếu đưa phim, hình ảnh, thuyết minh tham gia lễ hội, thí dụ như: “Ngày hội văn hóa đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ” tại Hà Nội năm 2003, “Lễ hội làng Sen” năm 2005 tại Nghệ An... Bên cạnh đó, các công trình được bảo tàng chiếu phim tư liệu trong các gian trưng bày tại chỗ.

Nhờ sự phát triển của công nghệ, cùng với “bề dày” trong các công trình nghiên cứu, về sau Bảo tàng Cần Thơ đã chủ động quảng bá, giới thiệu các di sản. Bảo tàng gởi danh mục phim tư liệu, các bài nghiên cứu về các di sản, sự kiện lịch sử, tiểu sử danh nhân Cần Thơ đến các trường học, cơ quan, viện nghiên cứu... và hợp tác khai thác nguồn tư liệu này khi được yêu cầu. Ba năm gần đây, Bảo tàng Cần Thơ đã tổ chức nhiều buổi giới thiệu di sản đến 26 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận Ninh Kiều vào giờ sinh hoạt dưới cờ của các trường.

*

* *

Nói về các công trình nghiên cứu di sản phi vật thể cụ thể đến với học sinh, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục di sản trong trường học, bà Đặng Kim Quy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Cần Thơ, cho biết: “Bảo tàng tin rằng việc đưa các đề tài vào trường học sẽ để lại ấn tượng sâu đậm với học sinh và những di sản văn hóa dân tộc đó sẽ trở thành một phần trong tâm hồn các em khi trưởng thành”.

Võ Thị Cẩm Hiền, một thuyết minh viên trẻ của Bảo tàng Cần Thơ, chọn và kiểm tra lại những hiện vật sẽ được mang đến tiết học giáo dục công dân có tên “Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ” của khối 7, Trường THCS An Thới, quận Bình Thủy vào ngày 27-11-2010. Đó là một chiếc lọp bắt tép, lờ bắt cá sặc, thúng và một vài sản phẩm thủ công mỹ nghệ được Bảo tàng Cần Thơ sưu tầm từ dân gian. Những hiện vật này cùng một đoạn phim tư liệu có hình ảnh một em nhỏ ở làng nghề đan lọp Thới Long, Ô Môn trích từ công trình nghiên cứu văn hóa phi vật thể “Nghề đan lọp” và một bài thuyết minh sẽ được giới thiệu với các học sinh và thầy cô giáo để tạo cảm giác gần gũi với các em học sinh, khơi dậy niềm hứng thú để các em hiểu các nghề truyền thống của dân tộc. Cô Võ Thị Cẩm Hiền cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ chương trình giáo dục công dân các khối cấp 2. Sau khi chọn tiết học và đề tài có mối liên hệ với nhau, tôi chuẩn bị bài viết, thông qua hội đồng khoa học của Bảo tàng, chọn phim tư liệu rồi đến trường học trình bày với Ban Giám hiệu, phối hợp tổ chức tiết học với giáo viên đứng lớp. Việc đưa di sản vào tiết học tin rằng sẽ tác động sâu sắc đến các em học sinh”.

Theo hướng trên, nhiều đề tài khác cũng đang được chọn lọc cẩn thận, để đảm bảo giữa di sản và chương trình học phổ thông có tác động hỗ trợ lẫn nhau.

Hiện nay, Bảo tàng Cần Thơ đang xây dựng nhiều dự án quảng bá di sản khá mới mẻ khác. Chẳng hạn như tổ chức một ghe giới thiệu các công trình nghiên cứu văn hóa phi vật thể trên chợ nổi Cái Răng. Cần Thơ là một trong 15 thành phố được Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật chọn đầu tư xây dựng Trạm vệ tinh của “Ngân hàng Dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam với một phòng chiếu phim khoảng 80 người, phòng truy cập khoảng 20 người. Bảo tàng Cần Thơ đang phấn đấu trở thành một trong những điểm mà người địa phương và khách tham quan có thể tìm hiểu về hơn 1.000 công trình nghiên cứu văn hóa phi vật thể trên cả nước.

Bài, ảnh: XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết