20/11/2009 - 08:17

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII:

Dân chủ, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm

* THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG: Chính phủ luôn có thái độ nghiêm túc trong xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực

Sáng 19-11, sau khi giải trình làm rõ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời thỏa đáng những ý kiến chất vấn của các vị đại biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội xung quanh các vấn đề tham nhũng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng vùng kinh tế trọng điểm, cải cách hành chính, chất lượng các trường đại học, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, hỗ trợ nông dân mua máy móc...

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống tham nhũng

Liên quan tới câu hỏi của đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác xây dựng thể chế để ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng cũng tiếp tục được quan tâm, triển khai theo chương trình, kế hoạch đề ra gắn với làm tốt công tác kiểm tra giám sát có những chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện xử lý, kiểm tra, đôn đốc, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương, góp phần răn đe, phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh trật tự và ổn định chính trị đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: NGUYỄN DÂN (TTXVN) 

Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cộng với công tác giám sát, đôn đốc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trong việc phát hiện và xử lý đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng cũng như phối hợp xây dựng thể chế trong phòng chống tham nhũng, đồng thời cùng với Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng tại các địa phương vẫn tiếp tục hoàn thiện cơ chế và bộ máy hoạt động để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng của mình trong công tác này.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những thủ đoạn tinh vi, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao, tính minh bạch tại một số lĩnh vực như thuế, đầu tư, đất đai, chi tiêu công vẫn chưa cao...Do vậy cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp trong hoạt động phòng chống tham nhũng, trên cơ sở đúng pháp luật, đúng quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Lê Văn Cuông tiếp tục đặt vấn đề, những hạn chế trong phòng chống tham nhũng thời gian qua có phải liên quan đến hệ thống tổ chức Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh. Chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng có phải là vừa đá bóng vừa thổi còi. Ông Cuông cũng “tiết lộ” vị chủ tịch 5 lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng là Chủ tịch tỉnh Hà Giang.

“Quy định Chủ tịch tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng có nhiều ý kiến khác nhau, cần có thời gian đánh giá chưa nên kết luận vội vã. Như thế nào là đá bóng như thế nào là thổi còi có lẽ cần trao đổi thêm. Thông tin mà đại biểu nêu về Chủ tịch tỉnh Hà Giang chúng tôi sẽ xem xét”, Thủ tướng đáp.

Liên quan tới vụ công ty tư vấn xây dựng quốc tế Thái Bình Dương (PCI- Nhật Bản), Thủ tướng cho biết: vừa qua cơ quan Nhật Bản xét xử quan chức PCI đưa hối lộ trong dự án đại lộ Đông Tây (TP Hồ Chí Minh), liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Ngay sau khi có thông tin, Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp tìm hiểu với phía bạn. Những gì phía Việt Nam phát hiện, có chứng cứ, đã khởi tố, truy tố. Đó là xét xử theo pháp luật Việt Nam với chứng cứ chúng ta có được.

Theo Thủ tướng, phía bạn trả lời là sẽ điều tra, sau khi có kết quả sẽ thông báo. Thái độ của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương là nghiêm túc nhưng phải khách quan theo đúng pháp luật, bằng chứng cứ, không để lọt tội nhưng cũng không để ai bị oan.

Đối với các vụ việc khiếu kiện kéo dài, Thủ tướng cũng cho biết, 80% các vụ khiếu kiện liên quan tới đất đai mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách đất đai chưa hợp lý và chưa theo kịp thực tiễn của cuộc sống. Về vấn đề này, Chính phủ đã phân tích, kiểm điểm chỉ đạo xử lý theo đúng pháp luật và ban hành Nghị định phù hợp với quá trình phát triển của đất nước.

Tập trung đầu tư phát triển bền vững

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về chương trình giảm nghèo, Thủ tướng cho biết: Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo đã có, trong đó tập trung triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo ở 62 huyện. Đây là một Chương trình tổng thể mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thực hiện trong thời gian 12 năm. Mục tiêu của Chương trình là giúp giảm nghèo nhanh và bền vững cho khoảng 2,5 triệu người, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; về đào tạo cán bộ; về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội... Cùng với 62 huyện này, các tỉnh, thành chọn thêm một số huyện nghèo khác trên địa bàn, nhất là các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung để huy động mọi nguồn lực của địa phương đầu tư hỗ trợ các huyện này giảm nghèo nhanh và bền vững.

Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách và chương trình, dự án đã ban hành, phải khẩn trương sửa đổi bổ sung và nghiên cứu ban hành mới các cơ chế chính sách giảm nghèo bền vững. Năm 2010, nhiều chính sách và chương trình, dự án giảm nghèo sẽ hết thời hạn (Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình 134...), cần làm tốt công tác tổng kết, trên cơ sở đó ban hành các chính sách và chương trình, dự án phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Liên quan tới công tác bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, nhất là về các biện pháp tăng cường bảo vệ môi trường, ngăn chặn tình trạng phá rừng, việc phát triển thủy điện phải đi liền với quản lý vận hành hồ chứa để góp phần kiểm soát lũ lụt giảm nhẹ thiệt hại thiên tai...Thủ tướng nhấn mạnh, một vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay là tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, tuy có giảm nhưng phá rừng vẫn còn nghiêm trọng. Cùng với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, phải làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ rừng. Chính phủ chủ trương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng hiện có, đồng thời sẽ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện Đề án quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, trong đó tập trung vào các trọng tâm như: xác định rõ chủ rừng, cơ chế quản lý, bảo vệ và chính sách hưởng lợi cụ thể đối với từng loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất), gắn với việc thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ để người làm nghề rừng có cuộc sống ổn định và từng bước được cải thiện...

Về việc phát triển thủy điện, Thủ tướng nêu rõ, việc đầu tư phát triển thủy điện là cần thiết, đây là tiềm năng lớn của đất nước cần phát huy để đáp ứng yêu cầu điện cho đất nước nhưng phải đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất, đồng thời tham gia cắt lũ cho vùng hạ lưu và góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn. Qua thực tiễn thì hiệu quả của thủy điện đã mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp trên 30% sản lượng điện toàn quốc, nhưng trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số tồn tại mà Chính phủ đã chỉ đạo rà soát lại qui hoạch trên các hệ sông, trong đó căn cứ vào diễn biến mới nhất của biến đổi khí hậu để điều chỉnh bổ sung nhằm đáp ứng tốt 4 yêu cầu trên.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) liên quan đến việc triển khai Quyết định 479, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ kích thích kinh tế đạt mục tiêu tổng hợp là ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, tạo nguồn lực tổng hợp thực hiện có kết quả mục tiêu đã đề ra trong năm 2009. Trong những chính sách đó, có một nội dung tổ chức thực hiện chưa tốt chưa phù hợp. Chính phủ đã nhìn nhận vấn đề này và tiếp tục hoàn thiện, đánh giá.

Về việc xây dựng quyết định 497 hỗ trợ nông dân mua máy móc sản xuất nông nghiệp mua vật liệu xây dựng, nhà ở, Thủ tướng cho biết: ngay từ đầu năm, Chính phủ chưa tính đến Quyết định này. Khi ban hành Quyết định hỗ trợ 131, 443, Chính phủ thấy rằng trong kích thích phát triển kinh tế nên có hỗ trợ về máy móc nông nghiệp. Sau chuyến đi làm việc tại một số địa phương miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đã nêu ý kiến thảo luận và xây dựng chính sách này. Cuối tháng 4, Quyết định 497 được ban hành, đòi hỏi hướng dẫn cụ thể của các Bộ về tỷ lệ nội địa hóa, thủ tục triển khai... Tháng 8-2009, Bộ Công Thương mới có hướng dẫn, đây là hạn chế trong cụ thể hóa chủ trương. Đến tháng 9, Quyết định mới triển khai, do vậy chính sách nay đi vào cuộc sống chưa được bao lâu, có quy định chưa phù hợp, gây khó khăn trong thực hiện, Thủ tướng đã yêu cầu đánh giá thực tiễn và sửa đổi bổ sung việc hỗ trợ cho nông dân mua sắm máy móc nông nghiệp để cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thất thoát sau thu hoạch. Giảm thất thoát sau thu hoạch là mục tiêu, Chính phủ đã có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Bên cạnh việc sửa đổi bổ sung những điều cụ thể trong quyết định, Chính phủ giao cho Thống đốc Ngân hàng xây dựng Nghị định chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn..

Dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục thu được sự quan tâm của cử tri và dư luận xã hội, có sức cuốn hút, hấp dẫn, thể hiện ở sự có mặt của hơn 95% tổng số đại biểu Quốc hội, sự tham gia các Bộ trưởng, Trưởng ngành thành viên Chính phủ , đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng không phải là đại biểu Quốc hội, nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ, khách quốc tế, sự quan tâm của báo chí, theo dõi chứng kiến của cử tri cả nước qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với hàng nghìn ý kiến của tri gửi đến Quốc hội, 260 chất vấn bằng văn bản của 114 đại biểu 44 đoàn gửi đến các Bộ trưởng, trưởng ngành, hai ngày qua đã có 122 lượt đại biểu đăng ký chất vấn và trao đổi trực tiếp tại hội trường. Tất cả điều đó đã nói lên sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và quy mô của phiên chất vấn.

Nội dung chất vấn tiếp tục đề cập vấn đề thời sự bức xúc, nóng hổi của cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, vừa cụ thể, vừa bao quát mang tầm vóc quốc gia, có ý nghĩa sự chỉ đạo thiết thực. Đó là những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Các đại biểu Quốc hội với tâm huyết và bằng trình độ, trách nhiệm, kinh nghiệm của mình đã cảm nhận, nắm bắt được và phản ánh thành những chất vấn đối thoại tại hội trường. Đây không phải là ý kiến của đại biểu Quốc hội mà chính là những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Việc chất vấn theo nhóm vấn đề cho phép tập trung hơn, mạch lạc hơn, giảm bớt dàn trải, tản mạn và hạn chế đề cập đến những vấn đề, vụ việc quá cụ thể tại địa phương mà nhiều kỳ họp mắc phải.

Không khí chất vấn tại Quốc hội đã thực sự dân chủ, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm, đi tận cùng vấn đề, thẳng thắn mà không đao to búa lớn gay gắt, tranh luận mà rất chân tình không né tránh, nhân nhượng. Đây là điều cần thiết trong văn hóa tranh luận, văn hóa nghị trường của Quốc hội. Việc hỏi và trả lời nhìn chung đã đi vào trọng tâm nhóm vấn đề, có trao đổi, tranh luận, đối thoại làm rõ hơn những nội dung mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Việc giảm bớt một số lượng Bộ trưởng trả lời chất vấn tại Quốc hội tạo điều kiện và thời gian đối thoại nhiều hơn, với tham gia của nhiều Bộ trưởng hơn. Nhiều bộ trưởng chuẩn bị nghiêm túc công phu báo cáo kết quả thực hiện lời hứa lần trước, trả lời chất vấn cho từng đại biểu và theo nhóm vấn đề tại kỳ họp. Nhiều đại biểu Quốc hội đã nắm bắt đúng thực tiễn, lắng nghe ý kiến cử tri, nghiên cứu khá sâu để câu hỏi sắc sảo, trao đổi đến tận cùng. Việc Thủ tướng tham dự đầy đủ phiên chất vấn, có báo cáo tại Quốc hội làm rõ nhiều vấn đề, tạo điểm nhấn trong phiên chất vấn quan trọng tại Quốc hội. Các Bộ trưởng tham gia trao đổi đã góp phần tăng thêm không khí sôi động trong hội trường, tạo điều kiện để làm rõ hơn vấn đề các Bộ trưởng được chất vấn chưa có điều kiện trả lời. Sự tham gia của báo chí, đặc biệt là phát thanh, truyền hình trực tiếp có vai trò quan trọng tạo sự hấp dẫn của phiên chất vấn. Đây là kênh thông tin quan trọng, cầu nối Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri cả nước theo hai chiều, đảm bảo ngày càng công khai minh bạch tất cả các việc làm của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nêu hạn chế qua phiên chất vấn: vẫn còn nhiều vấn đề phân tích, mổ xẻ vấn đề chưa sâu, chưa đi tận gốc vấn đề để thấy rõ nguyên nhân, phân tích tìm ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới; còn nhiều câu hỏi dài, trả lời như giải trình, thuyết trình, chưa phải là đối thoại, tranh luận, nhiều trường hợp làm đại biểu Quốc hội không hài lòng. Tính tổng hợp khái quát trong trả lời cũng còn hạn chế; sự sắp xếp thứ tự phát biểu của các vị đại biểu cũng cần phải nghiên cứu rút kinh nghiệm.

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Chiều 19-11, đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ý kiến đại biểu tập trung vào các nội dung: Sự cần thiết ban hành Luật; phạm vi điều chỉnh của luật; trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; công tác quản lý nhà nước đối với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa); Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và nhiều đại biểu khác bày tỏ đồng tình về sự cần thiết phải ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bởi sau 6 năm thi hành Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 3-9-2003 của Chính phủ về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng cũng đã bộc lộ không ít bất cập. Đó là hiệu lực pháp lý của văn bản chưa cao; các biện pháp đề ra chủ yếu mang tính khuyến khích, chưa có chế tài đủ mạnh; các thể chế tài chính chưa được hình thành để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương còn bất hợp lý, thiếu đồng bộ...

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng các quy định, chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nguồn năng lượng không chỉ có điện, than, mà còn năng lượng của mặt trời, gió, thủy điện, thủy triều... và cần đưa vào phạm vi điều chỉnh. Theo Tổng Bí thư, an ninh năng lượng không chỉ là vấn đề lớn của nước ta, mà còn là vấn đề lớn của các nước trên thế giới. Nhiều nước đã có chương trình tổng thể tiết kiệm năng lượng, nước ta cũng cần có chương trình quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tổng Bí thư đề nghị trước mắt cần tổ chức cuộc vận động hoặc phong trào toàn dân sử dụng tiết kiệm điện, thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện. Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý việc sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện phải đi đôi với việc đảm bảo chất lượng đường dây, đảm bảo độ bền cho bóng đèn và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện.

Nhiều đại biểu đề nghị Luật điều chỉnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ quá trình bắt đầu từ khai thác, sản xuất ra các nguồn năng lượng cho đến khâu sử dụng năng lượng cuối cùng. Luật cần quy định các đơn vị kinh doanh, sản xuất buộc phải sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện tiết kiệm năng lượng. Một số đại biểu cho rằng không nên đưa Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào Luật. Chương trình này nên được thực hiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết