13/07/2017 - 15:58

CHƯƠNG TRÌNH DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

Đã có những em bé mạnh khỏe sinh ra từ mẹ nhiễm HIV

TTH.VN - Từ khi chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (gọi tắt là chương trình Phòng lây truyền mẹ con -PLTMC) triển khai thì tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm HIV giảm đáng kể.

“Từ khi chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (gọi tắt là chương trình Phòng lây truyền mẹ con -PLTMC) triển khai thì tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm HIV giảm đáng kể. Trước đây, cứ 10 trẻ sinh ra từ cha mẹ nhiễm HIV được chuyển đến phòng khám thì có khoảng 3 trẻ nhiễm HIV nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1 trẻ. Đây là điều rất đáng mừng, chứng tỏ hiệu quả và tính nhân văn của chương trình” - Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, phụ trách Phòng khám Ngoại trú nhi, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết:

Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng kể: “Khi chúng tôi lấy máu của trẻ để xét nghiệm. Các bậc cha mẹ chờ kết quả trong hồi hộp, lo âu. Khi nhận thông báo đứa trẻ không nhiễm HIV từ tay cán bộ y tế, nhiều cha mẹ mừng đến trào nước mắt. Rời phòng khám, ra sân bệnh viện, họ ôm nhau, cười đùa như những đứa trẻ”. Nhưng cũng không ít bậc cha mẹ tuy nghe thông báo đứa trẻ không nhiễm HIV nhưng chỉ cười, lẳng lặng ra về. Họ không dám biểu lộ niềm vui vì sợ mọi người xung quanh biết mình nhiễm HIV. Chị L, một đồng đẳng viên đang hỗ trợ trẻ phơi nhiễm HIV điều trị bệnh, hiểu rất rõ niềm hạnh phúc của cha mẹ bị nhiễm HIV sinh ra một đứa trẻ không nhiễm HIV. Khi lập gia đình, có con, chị L và chồng cũng không hề hay biết mình bị nhiễm HIV. Đến năm con được hơn 2 tuổi, khi cháu mắc bệnh, vào bệnh viện khám, xét nghiệm mới hay cháu đã bị nhiễm. Anh, chị đi xét nghiệm thì cả hai cùng bị nhiễm.

 

 Chị Huỳnh Thị Hồng, Kỹ thuật viên xét nghiệm, khoa Kiểm soát dịch bệnh - HIV/AIDS - Trung tâm Y tế dự phòng quận Cái Răng đang xét nghiệm HIV nhanh bằng que thử. Ảnh: M.T

Từ ngày phát hiện con bị nhiễm HIV, cháu bệnh liên miên rồi anh chị cũng sa sút sức khỏe, phải uống thuốc ARV. Nhờ gia đình động viên rồi cán bộ y tế tư vấn, chị L mới vượt qua cú sốc này. Những năm ấy ở TP Cần Thơ cũng chưa triển khai chương trình điều trị ARV cho người nhiễm nên gia đình chị phải đi lên TP Hồ Chí Minh. Chị L nói: “Phần đông những bậc cha mẹ khi biết mình bị nhiễm đều không muốn sinh con vì sinh ra rồi, lỡ đứa trẻ bị nhiễm HIV thì sao? Nếu không nhiễm, chẳng may mình chết thì ai nuôi con. Phần lớn họ không biết mình bị nhiễm HIV, đến khi khám thai, đi sanh thì họ mới biết, lúc đó thai đã quá lớn. Chỉ một số ít, họ là con một trong gia đình thì vì thương cha mẹ nên đành liều để sanh con. Từ năm 2008 đến nay, TP Cần Thơ triển khai chương trình PLTMC, đã có rất nhiều bậc cha mẹ bị nhiễm nhưng sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu lúc tôi mang thai được xét nghiệm rồi tham gia chương trình PLTMC thì biết đâu con mình đã không bị nhiễm”.

Chương trình PLTMC triển khai đầu tiên ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ vào tháng 8-2008. Chị Huỳnh Thị Hồng, Kỹ thuật viên xét nghiệm Khoa Kiểm soát dịch bệnh-HIV/AIDS-Trung tâm Y tế dự phòng quận Cái Răng, cho biết: “Khi sản phụ đến khám thai tại các Trạm Y tế, bệnh viện, sẽ được cán bộ y tế tư vấn và xét nghiệm tự nguyện. Mỗi tháng, các Trạm Y tế gửi lên 55-65 mẫu máu. Thời gian xét nghiệm chỉ từ 5-20 phút, cho độ chính xác trên 90%. Sau khi tư vấn và lấy mẫu máu xét nghiệm, các chị em được hẹn 1 tuần sau quay lại nhận kết quả. Nếu có kết quả dương tính, mẫu máu này tiếp tục được chuyển lên Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ để tiếp tục xét nghiệm khẳng định. Nếu dương tính, bà mẹ sẽ được uống thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tuần thứ 28. Nếu khi người mẹ sắp sanh (sắp chuyển dạ), mới phát hiện bị nhiễm HIV thì người mẹ sẽ được uống 1 liều thuốc kháng virut, em bé cũng được uống sirô AZT (phòng lây truyền từ mẹ sang con) trong vòng 24 giờ sau sanh. Sau đó, mẫu máu của mẹ tiếp tục được xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính (+), cán bộ y tế tiếp tục theo dõi bà mẹ, 3 tháng sau sẽ xét nghiệm lại. Nếu kết quả tiếp tục dương tính thì mẹ được chuyển về Phòng khám Ngoại trú người lớn, em bé được chuyển sang Phòng khám Ngoại trú nhi tiếp tục theo dõi điều trị. Em bé ngưng không bú mẹ mà dùng sữa ăn thay thế (do chương trình cấp miễn phí). Hiện nay, chương trình cung cấp miễn phí xét nghiệm HIV, sữa ăn thay thế cho trẻ và thuốc điều trị”. Bác sĩ Võ Thị Năm, Trưởng khoa Truyền thông, can thiệp và Huy động cộng đồng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: “Nếu người mẹ phát hiện nhiễm HIV trong giai đoạn mang thai và điều trị dự phòng ngay từ tuần thứ 28 thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm từ 35% xuống còn 5-10%”.

Đầu năm 2009, quận Ô Môn và Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tiếp tục triển khai chương trình PLTMC với sự hỗ trợ của dự án Quỹ toàn cầu HIV/AIDS và Life-gap. Khi triển khai thêm ở hai điểm này, chương trình PLTMC bao phủ khoảng 60% toàn TP Cần Thơ. Điểm đặt tại BVĐK Cái Răng chịu trách nhiệm thực hiện ở quận Cái Răng và huyện Phong Điền; BVĐK TP Cần Thơ chịu trách nhiệm ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy...; BVĐK Ô Môn chịu trách nhiệm các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ.

Theo kết quả xét nghiệm PCR, Viện Pasteur TPHCM cho trẻ phơi nhiễm HIV được điều trị tại Phòng khám Ngoại trú Nhi, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, tính đến tháng 4-2010, số trẻ sinh ra từ mẹ dương tính với HIV được dự phòng lây truyền từ mẹ sang con là 29 trẻ. Qua điều trị dự phòng, xét nghiệm có 3 trẻ dương tính với HIV. Trong khi đó, trong tổng số 4 trẻ sinh ra không được điều trị theo chương trình PLTMC thì có 1 trẻ dương tính với HIV. Rõ ràng, nếu trong giai đoạn mang thai và chuyển dạ, người mẹ được điều trị dự phòng thì xác suất đứa trẻ sinh ra nhiễm HIV sẽ thấp hơn những trẻ không được điều trị. Tuy nhiên, điều đáng nói là đa số phụ nữ mang thai chưa có ý thức xét nghiệm tự nguyện HIV và điều trị dự phòng. Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hoa, Trưởng phòng Hành chính-tổ chức, Trung tâm Y tế dự phòng quận Ô Môn cho biết: “Sản phụ đến khám thai ở các Trạm Y tế và Bệnh viện Đa khoa Ô Môn được tư vấn và lấy máu xét nghiệm HIV, nhưng khi kết quả dương tính, các chị thường không đăng ký điều trị, thậm chí bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Vì thế, cả 6 ca điều trị theo chương trình PLTMC chúng tôi đang quản lý đều phát hiện nhiễm HIV trong lúc chuyển dạ sanh. Mặc dù các bác sĩ đã tư vấn, động viên nhưng lần sau vẫn không thấy họ quay trở lại. Nếu sản phụ phát hiện nhiễm HIV sớm và được điều trị dự phòng từ tuần thứ 28 thì hiệu quả dự phòng cho con sẽ cao hơn đến lúc sắp sanh mới phát hiện”.

TÚ LY

Chia sẻ bài viết