06/12/2012 - 21:57

Cuối năm lên chơi Phố núi

Pleiku (tỉnh Gia Lai) được nhiều người gọi là Phố núi. Mùa này Pleiku đẹp lắm và cái lành lạnh của tiết trời đang dần chuyển sang đông lôi cuốn du khách. Đặc biệt lên Pleiku thời gian này, du khách được hòa mình trong không khí lễ hội cuối năm…

Cưỡi voi ngắm thác là dịch vụ du lịch thú vị ở Pleiku. 

Nằm ở độ cao 800 mét so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ, thành phố Pleiku chứa đựng nhiều điều thú vị, làm du khách luôn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi có dịp qua đây. Thông thường Pleiku hội tụ đủ 4 mùa trong một ngày: trời mát mẻ của mùa xuân vào sớm mai, sẽ có mùa hè vào ban trưa, mùa thu đến với du khách vào chiều tà và ban đêm thì quấn chăn ấm với mùa đông. Nhưng thời gian này, gần như cả ngày Pleiku đều là mùa đông và ban đêm rét nhẹ, rất thú vị đối với du khách, nhất là đối với người miền Tây vốn quanh năm chỉ có 2 mùa nắng mưa.

Cảm nhận của những người lần đầu đặt chân đến phố núi Pleiku là ấn tượng về bầu không khí trong lành, mát mẻ và không gian yên bình. Bối cảnh đó rất phù hợp để nghỉ ngơi sau guồng quay công việc nhiều áp lực. Đến với Phố núi, du khách còn cảm nhận trong gió thoang thoảng mùi hương của lan rừng và hoa cà phê…

Cuối năm, Pleiku còn có nhiều lễ hội. Đầu tiên là sự kiện khánh thành tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên sau 2 năm xây dựng - sẽ diễn ra vào ngày 9-12-2012. Ngoài phần lễ, còn có phần hội được sân khấu hóa do nhạc sĩ Nguyễn Cường, người gắn bó với văn hóa và âm nhạc Tây Nguyên, chỉ đạo nội dung với chủ đề "Đón Bác Hồ về với Tây Nguyên" gồm 4 chương: Mặt trời trên đỉnh H’drông; Công ơn trời biển; Cây Kơ-nia chỉ uống một suối nguồn; Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. Du khách sẽ được thưởng thức những điệu múa truyền thống Tây Nguyên và tiếng cồng chiêng rộn ràng đặc thù được cả thế giới biết đến. Lễ hội sẽ kéo dài suốt một tuần với nhiều hoạt động văn hóa. Mỗi đêm đều có những chương trình múa hát và biểu diễn cồng chiêng. Khách còn được xem đàn voi diễu hành qua các con phố. Song song đó, còn hàng loạt lễ hội mừng vụ cà phê vừa thu hoạch xong và những vụ hoa màu tươi tốt.

Pleiku còn nhiều danh thắng, di tích văn hóa lịch sử đang chờ đón du khách. Lãng mạn hơn, khách dậy sớm lang thang trên những con phố đầy sương để cảm nhận vẻ đẹp huyền ảo của Phố núi vốn là đề tài của nhiều thơ ca. Không bằng thành phố du lịch Đà Lạt về hạ tầng, nhưng cảnh quan thiên nhiên ở Pleiku, đặc biệt là những lớp sương mờ ở đây, lại có sự cuốn hút riêng. Thời gian này cũng là mùa hoa dại nhiều sắc màu nở đầy những lối đi. Dĩ nhiên, hoa dã quỳ luôn ngự trị khắp vùng đồi và bất cứ nơi nào chúng có thể mọc được.

Cách trung tâm thành phố khoảng 6 cây số là Biển Hồ - vốn là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động hàng trăm triệu năm, nay là một hồ nước ngọt với diện tích 230ha. Hồ nước nằm giữa vùng đồi cỏ bát ngát. Nhiều người ví Biển Hồ như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, là "đôi mắt" của phố núi Pleiku. Phong cảnh xung quanh hồ thật ngoạn mục: cây cối và các loài hoa khoe sắc ven hồ, ong bướm dập dìu tiếng hót của các loài chim lảnh lót mỗi buổi sớm mai. Kế đó là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi chập chùng...với những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt nước.

Cách thành phố chừng 20 cây số là thác Chín Tầng hùng vĩ nằm ở xã Ia Sao, huyện Iagrai. Thác nước cao hùng vĩ từ trên cao đổ xuống va vào vách đá, tạo âm thanh sinh động đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên đầy sức sống. Trong thành phố, du khách phải mất nhiều thời gian để khám phá: làng du lịch Plei Ốp, Bảo tàng tổng hợp, nhà thờ Thăng Thiên xây dựng kiểu nhà rông, chùa cổ Bửu Minh với tượng Thánh Mẫu Chămpa đầu tiên được phát hiện tại Pleiku… Khám phá Pleiku, du khách không ngại lạc đường. Mà lạc đường thì đã sao? Lạc đường giúp khách được rong ruổi, đi trên những con đường lên xuống thơ mộng, để hồn thơ bay lên...

Rất nhiều thứ ở Pleiku để khách khám phá. Cứ hỏi chuyện người dân bản địa ở quán cà phê hay bất chợt gặp trên đường, du khách sẽ được giới thiệu tận tình. Con người phố núi là thế, xa lạ mà thân quen. Đó là lý do tại sao khi rời Pleiku, người ta muốn quay trở lại…

Bài, ảnh: Liên Ngọc

Để đến với phố núi Pleiku, du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc đường hàng không:
- Đường bộ: từ TP.HCM lên Pleiku bằng xe gắn máy sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, tuy nhiên việc di chuyển 532km liên tục sẽ làm các bạn mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến chuyến đi. Thông thường nếu đi bằng xe gắn máy, du khách sẽ kết hợp tham quan Buôn Ma Thuột và Pleiku (lưu trú tại Buôn Ma Thuột trước, sau đó đi Pleiku). Xe khách là phương tiện phổ biến nhất để  lên Pleiku, hiện xe khách chạy tuyến TP.HCM  - Pleiku và ngược lại tương đối phong phú về số lượng và chất lượng: xe ghế ngồi, xe ghế nằm, xe giường nằm. Giá vé dao động từ 200.000 – 300.000 đống/lượt/người. Mua vé và xuất bến tại bến xe Miền Đông. Bạn sẽ khởi hành lúc 19 giờ và đến nơi khoảng 6 giờ sáng hôm sau. Tùy thuộc nhu cầu, kinh phí các bạn có thể chọn cho mình loại xe thích hợp.
- Đường hàng không: Vietnam Airlines và Air Mekong là hai hãng hàng không đang khai thác các chuyến bay đến và đi Pleiku.

Chia sẻ bài viết