18/01/2019 - 16:16

Cuộc đua phát triển ứng dụng chống trầm cảm dành cho thanh thiếu niên 

Trong bối cảnh tỷ lệ trầm cảm và tự sát ở thanh thiếu niên Mỹ tăng cao, các nhà nghiên cứu đã nảy ra ý tưởng sử dụng chính những chiếc điện thoại thông minh vốn bị cho là “thủ phạm” khiến giới trẻ suy sụp tinh thần để phát hiện dấu hiệu bệnh.

 Laurel Foster, 15 tuổi, một trong những người tham gia nghiên cứu của Đại học Stanford. Ảnh: AP

 

Tại xứ cờ hoa, hiện có khoảng 3 triệu thiếu niên bị trầm cảm. Năm ngoái, 13% số em trong độ tuổi 12-17 mắc bệnh này, tăng 5% so với năm 2010. Trong khi đó, tự tử cũng trở thành nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở đối tượng từ 10-34 tuổi. Nhiều nghiên cứu chứng minh nghiện điện thoại gây xói mòn sức khỏe tâm thần của các cô cậu thiếu niên. Tuy nhiên, khi lướt các ứng dụng Instagram, Snapchat, gõ chữ hoặc xem các video trên YouTube, các em cũng để lại những dấu vết kỹ thuật số và đây có thể là manh mối để đánh giá tình trạng sức khỏe tâm lý. Theo Tiến sĩ Thomas Insel - lãnh đạo phong trào tâm thần học điện thoại thông minh (còn gọi là tâm lý học trẻ em 2.0), có đến 1.000 chỉ dấu sinh học trên điện thoại có thể giúp phát hiện trầm cảm. Do vậy, nhiều nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các ứng dụng sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để dự đoán những giai đoạn trầm cảm hoặc nguy cơ tự hủy hoại thân thể.

Facebook đang theo đuổi cái gọi là “phát hiện chủ động”. Năm ngoái, sau vụ tự sát được phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội này, tập đoàn đã “dạy” các hệ thống AI đánh dấu những từ hoặc cụm từ xuất hiện trong những bài viết được đăng lên mạng, qua đó có thể nhận biết nạn nhân sắp ngược đãi bản thân. Những bình luận của bạn bè bày tỏ lo ngại về sức khỏe người dùng cũng là một phần trong phương pháp dự báo nguy cơ. Facebook tuyên bố họ đã giúp nhân viên sơ cấp cứu tiếp cận khoảng 3.500 trường hợp cần được hỗ trợ trên toàn cầu trong năm 2018.

Trong khi đó, Đại học Stanford đang thực hiện một nghiên cứu liên quan đến khoảng 200 thiếu niên, bao gồm những em có nguy cơ mắc trầm cảm do bị bắt nạt, hoàn cảnh gia đình hoặc căng thẳng trong cuộc sống. Cụ thể, các em được cho sử dụng một ứng dụng thử nghiệm trên điện thoại có chức năng khảo sát cảm xúc 3 lần/ngày trong 2 tuần. Sau đó, nhóm nghiên cứu kết hợp những câu trả lời với dữ liệu trên điện thoại, bao gồm mức độ vận động/tĩnh tại của các em, để xác định những thay đổi có thể liên quan đến nguy cơ trầm cảm trong tương lai.

Với nỗ lực đẩy lùi bệnh trầm cảm nơi học đường được phát động từ năm 2017, nhóm nghiên cứu tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA) không chỉ hỗ trợ tư vấn trực tuyến mà còn cung cấp một ứng dụng thử nghiệm cho các sinh viên có biểu hiện trầm cảm nhẹ. Khoảng 250 sinh viên năm nhất đã cài đặt ứng dụng này. Theo đó, dữ liệu cá nhân mà ứng dụng thu thập được sẽ được phân tích để xem liệu pháp Internet cải thiện hoặc làm trầm trọng các triệu chứng trầm cảm như thế nào.

Còn tại Đại học Illinois ở Chicago, các nhà nghiên cứu về trầm cảm đang sử dụng công nghệ thu thập dữ liệu từ đám đông (crowdsourcing) để kiểm tra ứng dụng thử nghiệm của họ. Với gần 2.000 người từ 18 tuổi trở lên tải phần mềm miễn phí này, các nhà nghiên cứu có thể theo dõi liên tục các dấu vết kỹ thuật số, chẳng hạn như tốc độ gõ chữ, số lần bấm tổ hợp phím và sử dụng tính năng kiểm tra chính tả, từ đó nhận diện những thay đổi trong việc sử dụng điện thoại vốn có thể báo hiệu sự hình thành cảm xúc tiêu cực. Nếu thành công, phương pháp này cũng có thể  áp dụng với đối tượng nhỏ tuổi hơn.

Cuộc đua phát triển các ứng dụng chống trầm cảm càng gay cấn bởi sự góp mặt của một số công ty công nghệ y học. Đơn cử như Verily, một nhánh của Alphabet (công ty mẹ của Google), đang phát triển một ứng dụng giúp dự báo sức khỏe tâm thần và triệu chứng của người sử dụng cũng như phát hiện những dạng bệnh mới, qua đó gợi ý hướng điều trị thích hợp.

Nhưng trong khi chờ các ứng dụng nói trên phát huy tác dụng, các chuyên gia cho biết thanh thiếu niên có thể phòng tránh trầm cảm hiệu quả bằng cách nhớ lại những chuyện vui trước đây. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) phát hiện điều này sau khi phân tích suy nghĩ tích cực/tiêu cực và hoóc-môn stress của 427 em, trung bình 14 tuổi và có nguy cơ trầm cảm. Kết quả cho thấy sau một năm tham gia nghiên cứu, những người nhớ càng nhiều ký ức đẹp thì càng ít suy nghĩ tiêu cực về bản thân và nồng độ hoóc-môn stress cortisol cũng thấp hơn. Theo giải thích của trưởng nhóm nghiên cứu Adrian Dahl Askelund, nhớ lại kỷ niệm đẹp có thể đã giúp những em có nguy cơ trầm cảm gia tăng đáng kể khả năng chịu đựng sức ép tâm lý.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết