07/05/2022 - 23:08

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung sẽ đi tới đâu? 

TRÍ VĂN

Nằm trong chiến lược kiềm hãm sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, chính quyền Mỹ trong những năm qua áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Huawei đã phải hứng chịu các đòn trừng phạt của Mỹ trong hơn một thập niên. Ảnh: TTXVN

 

Theo một nghiên cứu của Viện Phát triển Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng 1-2017 đến tháng 6-2021, quốc hội, chính phủ cũng như nhiều tổ chức tư vấn Mỹ đã công bố 209 dự luật, chính sách và báo cáo liên quan đến chính sách khoa học và công nghệ của xứ cờ hoa đối với Trung Quốc. Trong đó gồm các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ cao của Trung Quốc, các quy định đối với các công nghệ tiên tiến chủ chốt cũng như các hạn chế đối với việc đào tạo nhân tài về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Huawei "lãnh đủ"

Là một trong những nhà sản xuất thiết bị thông tin liên lạc nổi bật nhất của Trung Quốc, "gã khổng lồ" công nghệ Huawei đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại. Ðây là một trong những mục tiêu lớn nhất của các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm tác động đến cuộc cạnh tranh công nghệ giữa 2 nước thông qua chính sách thương mại.

Theo tờ The Diplomat, Mỹ đã thẳng tay "vùi dập" Huawei trong hơn một thập niên kể từ khi Ủy ban Ðầu tư nước ngoài hồi năm 2008 ngăn Huawei mua lại cổ phần Công ty điện tử 3Com vì lý do an ninh quốc gia. Kể từ đó, các hợp đồng mua bán thiết bị cũng như quan hệ nghiên cứu và phát triển của Huawei với một số công ty của Mỹ, gồm AT&T và Google, đã bị chấm dứt. Bắt đầu từ năm 2018, cuộc trấn áp của Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với Huawei đột ngột leo thang. Ngoài việc đưa ra nhiều chính sách hạn chế đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, Mỹ còn kêu gọi Úc, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu loại bỏ Huawei khỏi các dự án xây dựng mạng 5G và ngừng mua thiết bị của họ.

Ðáng chú ý, Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5-2019 quyết định đưa Huawei vào "Danh sách thực thể" để kiểm soát xuất khẩu. Cơ quan này vào tháng 5-2020 còn mở rộng phạm vi hạn chế xuất khẩu đối với Huawei, yêu cầu các nhà sản xuất chip bán dẫn nước ngoài phụ thuộc vào thiết bị và phần mềm Mỹ phải có sự chấp thuận của Washington trước khi bán chip cho Huawei. 3 tháng sau, Bộ Thương mại Mỹ đã "nâng cấp" lệnh cấm đối với Huawei, cấm các sản phẩm của Huawei được sản xuất bằng công nghệ và phần mềm Mỹ, đồng thời đưa 38 công ty con của Huawei tại 21 quốc gia vào "Danh sách thực thể". Ngày 15-9-2020, lệnh cấm đối với Huawei được leo thang khi Mỹ cấm bất kỳ tổ chức nào cung cấp chip được sản xuất bằng công nghệ Mỹ cho Huawei.

Không những vậy, trong bối cảnh xung đột chính trị ngày càng tăng, Huawei cùng với tất cả các công ty đa quốc gia rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Giới phân tích cho rằng nếu như Huawei không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga giữa lúc nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ rất có thể sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Huawei. Phó Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ Matthew Borman cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc không áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Mát-xcơ-va có thể chịu số phận tương tự như ZTE, công ty Trung Quốc bị cấm mua linh kiện và công nghệ do Mỹ sản xuất.

Chưa thấy điểm dừng

Bộ Thương mại Mỹ còn cấm xuất khẩu các chất bán dẫn tiên tiến trong khi "đưa ra các đánh giá riêng lẻ" đối với các sản phẩm không hỗ trợ 5G. Song, do các chính sách kiểm soát xuất khẩu gây ra thiệt hại to lớn đối với lợi ích các nhà cung cấp, họ cùng các hiệp hội ngành nghề đã vận động để ngăn chính phủ thực thi đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu nhằm hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ, đồng thời thúc đẩy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với "công nghệ mới nổi" và "công nghệ cơ bản" của Trung Quốc, bởi động thái này sẽ giúp ích các nhà cung cấp Mỹ đồng thời tạo ra nhiều việc làm hơn.

Do đó, Bộ Thương mại Mỹ đã gia hạn Giấy phép chung tạm thời dành cho Huawei vốn được tạo ra kể từ khi Washington thông báo đưa Huawei vào "Danh sách thực thể" nhằm cho phép các tổ chức và cá nhân Mỹ tham gia vào các giao dịch nhất định với Huawei và các công ty con của Huawei. Và để đảm bảo tốt hơn lợi ích của các công ty xứ cờ hoa, Chính phủ Mỹ cũng đã cung cấp một lượng lớn giấy phép xuất khẩu cho các nhà cung cấp nước ngoài được phép làm ăn với Huawei.

Dẫu vậy, Mỹ không ngừng cạnh tranh về công nghệ với Trung Quốc trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đặc biệt coi trọng sự phát triển của khoa học và công nghệ. The Diplomat cho hay, hầu hết thành viên Hội đồng cố vấn về khoa học và công nghệ của Tổng thống Biden là giám đốc điều hành các công ty công nghệ cao ở Thung lũng Silicon. Trong khi đó, Ðạo luật cạnh tranh Mỹ năm 2022 được thông qua hồi tháng 2 phân bổ 300 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển khoa học. 52 tỉ USD trong số đó được dành để tài trợ và trợ cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn. Chính quyền ông Biden còn nỗ lực hợp nhất các công ty công nghệ Mỹ để có thể cạnh tranh với các công ty Trung Quốc.

Nhà Trắng còn hy vọng sẽ cùng các đồng minh thực thi các biện pháp nhằm vào Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ đã khiến các nước trong liên minh tình báo "Ngũ nhãn" (Five Eyes, gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand) và các nước châu Âu đứng về nước này chống lại Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ðặc biệt, Nhóm Chiến lược Trung Quốc (CSG) hồi tháng 2 năm ngoái đã đưa ra đề xuất "Cạnh tranh bất đối xứng: Chiến lược cho Trung Quốc và Công nghệ", khuyên chính quyền Tổng thống Biden tránh tình huống thua Trung Quốc trên Internet. CSG khuyến nghị thành lập diễn đàn "T-12", gồm Mỹ, Nhật Bản, Ðức, Pháp, Anh, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Phần Lan, Thụy Ðiển, Ấn Ðộ, Israel và Úc để thúc đẩy các quy tắc và giá trị trong phát triển công nghệ.

 James A. Lewis, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng khoa học và công nghệ sẽ là “chiến trường” chính trong sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời chính quyền ông Biden. Ông Lewis nhận định, trọng tâm của sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh sẽ chuyển từ các vấn đề thương mại sang các vấn đề công nghệ và thương chiến Mỹ - Trung sẽ là trở thành cuộc đàn áp của Washington đối với các công ty công nghệ của Bắc Kinh.  

Chia sẻ bài viết