04/02/2016 - 12:53

ĐẢNG BỘ THỊ TRẤN THỚI LAI

Cuộc bứt phá ngoạn mục

Trong nhiều đảng bộ xã, phường, thị trấn có thành tích nổi bật trong lãnh đạo triển khai, đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, Đảng bộ thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai là một điểm sáng với 10 năm liền đạt danh hiệu đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Với việc lãnh đạo, đề ra chủ trương sát, đúng và cách làm hợp lòng dân, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của mỗi người dân, tạo nên cú bứt phá ngoạn mục, làm cho diện mạo thị trấn vùng ven thành phố sáng lên từng ngày.

Có dịp đến thị trấn Thới Lai trong thời gian gần đây, nhiều người dễ dàng nhận thấy thị trấn chuyển mình nhanh chóng với diện mạo mới, sầm uất và hiện đại hơn trước rất nhiều. Dọc các tuyến đường nội thị, hoạt động của hàng trăm cơ sở kinh doanh tạp hóa, vàng bạc, điện thoại di động, hàng điện tử, xe máy, trang trí nội thất, xăng dầu, dịch vụ ăn uống, giải khát…diễn ra nhộn nhịp. Tại các doanh nghiệp chế biến gạo, trên bến, dưới thuyền tấp nập công nhân làm việc, vận chuyển gạo xuất khẩu ra thị trường các nước…

Thị trấn Thới Lai hôm nay đã sầm uất, nhộn nhịp hơn.

Kể về sự phát triển của thị trấn trong 5 năm trở lại đây, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nguyễn Hữu Phúc cho biết: "Tại Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ đánh giá dù nằm ở vị trí trung tâm huyện nhưng kinh tế thị trấn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Với quyết tâm đưa kinh tế của thị trấn bứt phá đi lên, Đảng bộ đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tận dụng và khai thác tốt tiềm năng và lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Từ định hướng đó, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền thị trấn đã tranh thủ sự đầu tư của huyện để nâng cấp hệ thống giao thông, nâng cấp chợ; chỉ đạo các ngành, đoàn thể hỗ trợ nhân dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tuyển dụng lao động… Không những thế, Đảng ủy thị trấn còn chỉ đạo các lực lượng bảo đảm tốt an ninh trật tự, cũng như chủ động nắm tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các hộ tiểu thương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng cấp trên kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, kém chất lượng để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh… Nhờ đó, các doanh nghiệp và hộ tiểu thương không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Ghé thăm Công ty TNHH trang trí nội thất, đồ gỗ và xây dựng Ngọc Ánh, một doanh nghiệp đang trên đà ăn nên làm ra, Giám đốc Nguyễn Văn Dày hồ hởi nói: "Tôi kinh doanh mặt hàng trang trí nội thất và làm xây dựng dân dụng nhiều năm nay. Năm 2012, tôi đã thành lập công ty, mở rộng xưởng sản xuất đồ gỗ và cửa hàng trưng bày bán sản phẩm đồ gỗ. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 54 lao động, với mức lương bình quân hơn 5 triệu đồng/ tháng. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, nên việc sản xuất, kinh doanh của tôi rất thuận lợi". Thăm cơ sở vật tư nông nghiệp Tiến Vinh, chúng tôi cũng nhận thấy sự phấn khởi của chủ cơ sở khi việc kinh doanh ngày một khấm khá. Từ sáng sớm, cơ sở đã nườm nượp khách ra vào mua hàng. Anh Lê Trọng Tiến, chủ cơ sở, cho biết: "Được thị trấn và các ngành chức năng huyện hỗ trợ về thủ tục hành chính, năm 2013 tôi đã mở cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu. Cũng nhờ địa phương quản lý chặt thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả nên lượng khách hàng tin tưởng và tìm đến với cơ sở của tôi ngày càng nhiều". Theo Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hữu Phúc, đến năm 2015, thị trấn có 682 cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ, thu hút 1.913 lao động (tăng hơn 152 cơ sở so với năm 2010). Nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu trên địa bàn an tâm đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng và mua sắm trang thiết bị dây chuyền hiện đại, tạo được sức cạnh tranh. Từ đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 301 tỉ đồng, tăng 196 tỉ đồng so với năm 2010; thương mại - dịch vụ đạt 589 tỉ đồng, tăng 269 tỉ đồng so với năm 2010.

Tham quan một số mô hình kinh tế nông nghiệp ở các ấp, đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy phấn chấn trước những vườn cây ăn trái sum suê. Đồng chí Nguyễn Văn Đen, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, người có nhiều năm làm cán bộ khuyến nông thị trấn, kể: Trước đây, do chưa khai thác hết tiềm năng về đất đai nên đời sống của nông dân chỉ đủ ăn, một bộ phận rơi vào cảnh nghèo khó. Để đánh thức tiềm năng đất đai còn bỏ ngỏ, đưa nông nghiệp phát triển, nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ thị trấn xác định phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Từ chủ trương đó, sau đại hội, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi được tổ chức tại thị trấn, quy tụ nhiều người dân tham gia. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, các đoàn thể đứng ra tín chấp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất. Nhờ vậy, đến nay thị trấn đã hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, với thu nhập từ vài chục triệu lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ghé tìm hiểu mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Lê Văn Cường, ở ấp Thới Thuận A, ông Cường kể: " Được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và được hỗ trợ vay vốn, năm 2010 tôi đã cải tạo 5 công vườn tạp trồng măng cụt, chuối, bông thiên lý. Tôi còn tận dụng các bờ mương để nuôi cá và ứng dụng kỹ thuật nuôi heo bằng nệm sinh học. 5 năm nay, mỗi năm trừ chi phí tôi còn lời gần 200 triệu đồng. Năm 2014, tôi đầu tư thêm mô hình nuôi rắn ráo trâu, nếu thuận lợi, lứa đầu tiên thu lời cũng trên 100 triệu đồng". Chúng tôi cũng đã gặp anh Ngô Văn Quang, ở ấp Thới Hiệp A, nhờ địa phương hỗ trợ cải tạo 2 công vườn trồng ổi và tre lấy măng mà kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định với thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/ tháng. Thực tế, với sự hỗ trợ về nhiều mặt của địa phương và với khát vọng làm giàu chính đáng, nhiều nông dân ở thị trấn đang làm giàu trên mảnh đất của mình. Theo đồng chí Nguyễn Văn Đen, đến nay, nông dân thị trấn đã cải tạo được hơn 38 ha vườn tạp trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; chuyển đổi được 212 ha ruộng từ làm 3 vụ lúa sang làm 2 vụ lúa 1 vụ màu, 2 vụ lúa 1 vụ cá và vùng chuyên canh dưa hấu, hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi so với làm lúa. Đặc biệt, bước đầu xã đã xây dựng được 32 mô hình kinh tế tổng hợp ruộng - rẫy - vườn - ao - chuồng, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm.

Bây giờ về thị trấn Thới Lai, các tuyến đường từ trung tâm thị trấn về các ấp đều đã được bê tông hóa sạch đẹp và có đèn điện thắp sáng. Hai bên đường, nhiều nhà tường khang trang mọc lên. Khi kinh tế khấm khá hơn, nhân dân càng tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Trong 5 năm qua, nhân dân thị trấn đã đóng góp hơn 10.000 ngày công, gần 2 tỉ đồng cùng Nhà nước đổ bê tông gần 9.000 mét đường, bắc mới 15 cầu bê tông và đóng góp hàng trăm triệu đồng cùng Nhà nước xây dựng 54 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Không thỏa mãn với những kết quả trên, ngay sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, hệ thống chính trị thị trấn Thới Lai đã và đang triển khai hàng loạt các chương trình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ngay trong năm đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ. Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Nguyễn Hữu Phúc, trước mắt, thị trấn đang vận động nhân dân bàn giao mặt bằng để huyện nâng cấp mở Tỉnh lộ 922 đoạn qua trung tâm thị trấn; tranh thủ kiến nghị đầu tư của nhà nước xây dựng khu dân cư thương mại trong năm 2016; tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và giống cây trồng giúp nông dân cải tạo 22 ha vườn kém hiệu quả; vận động bà con chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang chuyên canh màu…

Tin rằng, với truyền thống Đảng bộ 10 năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu, đảng bộ thị trấn Thới Lai sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân tạo thêm nhiều bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết