05/01/2017 - 19:54

Cuba rộng cửa đón doanh nghiệp Việt

Cuba là quốc gia có môi trường sạch, nguyên sơ, nên tiêu chí sạch, an toàn và thân thiện với môi trường được đặt lên hàng đầu khi mời gọi doanh nghiệp (DN) đến đầu tư. Đây là khẳng định của Tổng Lãnh sự quán Cuba tại TP Hồ Chí Minh Berabé Garía Valido trong hội thảo giới thiệu về cơ hội xúc tiến thương mại- đầu tư vào thị trường Cuba.

Nhiều cơ hội đầu tư

Tại hội thảo xúc tiến thương mại- đầu tư vào thị trường Cuba tổ chức ở TP Cần Thơ mới đây, Tổng Lãnh sự Cuba Berabé Garía Valido, cho biết: "DN Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư vào Cuba. Với mối quan hệ lâu bền giữa hai quốc gia, Cuba sẽ ưu tiên cho DN Việt đầu tư vào các lĩnh vực nông lâm sản và lương thực, mía đường, công nghiệp, du lịch, năng lượng, khai thác mỏ, thương mại, xây dựng, dược phẩm và công nghệ sinh học, giao thông vận tải… Cuba xem đầu tư nước ngoài là một nguồn lực của sự phát triển kinh tế đất nước trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Cuba mong muốn hướng phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đến với các lĩnh vực xuất khẩu. DN Việt Nam sẽ được tạo điều kiện tốt nhất khi đầu tư vào Cuba". Cuba được xác định là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của DN Việt Nam khi quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Cuba đã và đang có những bước tiến mới. Trong chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài, Cuba đặt ra nguyên tắc không kêu gọi ồ ạt, mà chỉ tập trung vào những sản phẩm tạo ra sự phát triển bền vững cho đất nước và thân thiện với môi trường. Và không kêu gọi đầu tư vào một lĩnh vực với nhiều nhà đầu tư khác nhau, vì không muốn tạo ra sự cạnh tranh.

 Tổng Lãnh sự quán Cuba tại TP Hồ Chí Minh - Berabé Garía Valido (đứng) phát biểu tại Hội thảo xúc tiến thương mại - đầu tư vào thị trường Cuba. Ảnh: CTV    

Theo Luật số 118 quy định các loại hình có thể áp dụng với những ngành nghề kinh doanh với đầu tư nước ngoài tại Cuba gồm: công ty liên doanh, hợp đồng hiệp hội kinh tế quốc tế, công ty có vốn 100% nước ngoài. Luật số 118 có 22 nguyên tắc cơ bản quy định chính sách chung cho đầu tư nước ngoài. Tổng Lãnh sự Cuba Berabé Garía Valido cũng lý giải thêm về nguyên tắc không chuyển nhượng tài sản Nhà nước, trừ trường hợp đặc biệt để phát triển đất nước. Nguyên nhân do Cuba đang thực thi rất tốt chính sách phát triển giáo dục, y tế và Cuba đã tập trung nguồn lực rất lớn cho lĩnh vực này, nên sẽ không trao quyền chuyển nhượng nếu đầu tư nước ngoài ảnh hưởng đến chính sách này của Cuba. Cùng đó, nguyên tắc không trao quyền được độc quyền trên thị trường Cuba vì Cuba mong muốn bình đẳng các hoạt động kinh doanh, cung cấp, nhưng DN Việt Nam sẽ được ưu tiên một số đặc quyền nhất định. Nhà đầu tư nước ngoài không được miễn phí ký kết tuyển dụng lao động; Cuba không cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, cũng không chấp nhận các bảo đảm bên ngoài từ cam kết duy trì dòng tiền Cuba trong các ngân hàng nước ngoài… để tạo ra quyền kinh doanh bình đẳng và không làm xáo trộn sự phát triển.

Hiện Cuba đang có Văn phòng đại diện của Tập đoàn Almacenes Universales (AUSA) tại Việt Nam (thành lập tháng 11-2007) với mục đích thương lượng và ký kết hợp đồng trực tiếp với các công ty Việt Nam về các nhu cầu của khách hàng Cuba. Hiện AUSA có liên kết hợp đồng với 104 công ty Việt Nam ở các lĩnh vực gồm: quần áo, vải các loại, giày dép, túi xách, nước hoa, trang thiết bị và vật liệu xây dựng, thực phẩm, điện tử, gia dụng, hóa mỹ phẩm, linh kiện cho xe hơi và xe máy… Mỗi năm văn phòng đều tăng lượng hợp đồng ký kết hàng hóa với DN Việt Nam, đỉnh điểm là năm 2015, tổng giá trị hợp đồng đạt 85 triệu USD. Ông Raul Jimenez Farinas, Trưởng đại diện của AUSA tại Việt Nam, cho biết: "Năm 2017, AUSA sẽ tiếp tục duy trì các hợp đồng ký kết với các nhà cung cấp của Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với các nhà cung cấp và các DN Việt Nam để tăng số lượng danh sách các nhà cung cấp của AUSA và dạng hóa sản phẩm cung ứng cho thị trường Cuba". Theo ông Raul Jimenez Farinas, AUSA là đối tác cung ứng hàng Việt Nam theo nhu cầu của Tập đoàn Quản lý các DN Cuba (GAE). GAE hiện quản lý và điều hành 28 công ty trực thuộc sẽ là đối tác lớn cho DN Việt Nam hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại- đầu tư.

Chia sẻ để kết nối

Chia sẻ với Tổng Lãnh sự Cuba tại TP Hồ Chí Minh và đoàn DN Cuba, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, khẳng định: "Cần Thơ hiện chưa có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Cuba. TP Cần Thơ hiện có 1 dự án của Cuba là Công ty TNHH Labiofam Việt Nam, tổng vốn đầu tư trên 5,6 triệu USD, sản xuất sản phẩm Biorat (thuốc diệt chuột sinh học) tại Khu công nghiệp Trà Nóc 1. Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL, có nhiều tiềm năng và cơ hội thúc đẩy giao thương, hợp tác quốc tế. Thành phố sẽ cố gắng để tạo điều kiện kết nối thương mại- đầu tư với DN Cuba". Tại hội thảo, đại diện Văn phòng Tập đoàn AUSA của Cuba tại Việt Nam và DN, Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA)… đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo, trái cây tươi, trái cây đóng hộp, hợp tác giới thiệu sản phẩm, chính sách đầu tư nhà máy sản xuất tại Cuba…

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực CBA, nói: "Sản phẩm Biorat đã có mặt từ lâu ở Cần Thơ và rất phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của các địa phương vùng ĐBSCL, nhưng lại không có thông tin rộng rãi cho các địa phương. Công ty có thể liên hệ với CBA để kết nối, giới thiệu sản phẩm. CBA có mối quan hệ với 19 hiệp hội DN các tỉnh, thành cả nước và cũng thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư. AUSA có thể gửi thông tin đến CBA về nhu cầu nhập khẩu, mua bán hàng hóa, CBA sẽ nỗ lực kết nối giao thương, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các DN thành viên của CBA với AUSA. Chúng tôi cũng hoan nghênh nếu Công ty TNHH Labiofam Việt Nam là thành viên của CBA. Đây là kết nối kinh doanh hiệu quả nhất". Còn đại diện Công ty cổ phần Gentraco, TP Cần Thơ cũng khẳng định rất muốn tìm hiểu chính sách nhập khẩu gạo của Cuba và sẽ tìm hiểu sản phẩm Biorat của Công ty TNHH Labiofam Việt Nam để có thể diệt chuột trên những cánh đồng lúa mà Gentraco đang đầu tư.

Cùng với việc giới thiệu chính sách đầu tư, tiềm năng hợp tác tại thị trường Cuba, Đoàn Tổng Lãnh sự quán Cuba tại TP Hồ Chí Minh cũng khái quát về Đặc khu phát triển kinh tế Mariel (thuộc GAE). Tổng Lãnh sự Cuba Berabé Garía Valido khẳng định: "Mariel là dự án cho tương lai của việc phát triển kinh tế lớn mạnh và nguồn thu nhập của đất nước trong 20 năm tới". Mariel thu hút các ngành công nghiệp trụ cột như: dịch vụ logistics, công nghệ sinh học và công nghiệp dược, sản xuất tiên tiến (thực phẩm, đóng gói và bao bì, vật liệu và công nghệ xây dựng, chế biến thép và hàng tiêu dùng). Mariel có vị trí đắc địa tại các giao lộ của các trục giao thông hàng hải quốc tế, cùng với sự mở rộng của Kênh đào Panama là lợi thế lớn để hút nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Mariel có 4 DN 100% vốn Cuba, 9 công ty 100% vốn nước ngoài, 3 công ty liên doanh, 1 hiệp hội kinh tế quốc tế đã được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đầu tư 919,8 triệu USD, giải quyết việc làm cho 2.783 lao động. Trưởng đại diện của AUSA tại Việt Nam Raul Jimenez Farinas kêu gọi các DN Cần Thơ và ĐBSCL có thể đầu tư nhà máy chế biến trái cây đóng hộp tại Mariel. 

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết