08/10/2017 - 08:33

Cù lao Ông Hổ 

“Ông Hổ”, “Ông Cọp” hay “Ông Ba Mươi” là những danh xưng kính trọng, nể sợ đối với loài cọp của lưu dân trong quá trình khẩn hoang miền Nam. Đến nay, vẫn còn khá nhiều đình, am, miếu… ở ĐBSCL có tranh, tượng, phù điêu, thờ cúng Ông Hổ. Đặc biệt, xã Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên, An Giang, quê hương của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng- còn được gọi là cù lao Ông Hổ.

Một góc cù lao Ông Hổ hôm nay. Ảnh: DUY KHÔI

Sơ lược về lịch sử

Theo các cụ cao niên ở cù lao Ông Hổ, tổ tiên trước kia ở Tiền Giang về khai hoang và sinh sống ở cù lao Ông Hổ đến các cụ đã được bốn đời. Hiện nay, các cụ đã có cháu nội, cháu chắt gọi là cụ cố, nên đã tròm trèm 300 năm. Chiếu theo sử sách, nếu kể từ khi cụ Nguyễn Hữu Cảnh (1650- 1700) dẹp giặc trở về đóng quân ở cồn Cây Sao năm 1700 (tức là cù lao Ông Chưởng), đất cù lao Ông Hổ có người Việt sinh sống tính đến nay gần 300 năm. Hai  cách tiếp cận khác nhau, cho thấy lịch sử lâu đời của cù lao Ông Hổ.

Cù lao Ông Hổ không lớn, chiều dài 8km, chiều ngang nơi rộng nhất 5km, nằm chếch về hướng Tây Bắc thành phố Long Xuyên khoảng 4km. Cù lao Ông Hổ nối tiếp với cồn Bà Hòa ở thượng lưu và cù lao Phó Ba, cồn Phó Huế ở hạ lưu, chia sông Hậu thành hai luồng nước, rộng phía tả ngạn, hẹp phía hữu ngạn. Cù lao Ông Hổ nằm song song với cù lao Ông Chưởng- cù lao lớn nhất An Giang.

Thời trước, cù lao Ông Hổ thuộc làng Bình Đức, tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tây Biên, tỉnh An Giang. Dưới thời Pháp thuộc, một phần cù lao, quê hương Chủ Tịch Tôn Đức Thắng là làng An Hòa, tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Mãi đến năm 1919, 3 làng Mỹ Hội Tiểu, An Hòa và Hưng Châu nhập thành làng Mỹ Hòa Hưng. Nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành Phố Long Xuyên, An Giang.

Cuộc sống sông nước

Đất trên cù lao Ông Hổ được phù sa bồi hằng năm, có màu nâu sẫm, mịn, tơi xốp. “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, dòng nước sông Hậu tràn vào, đưa đến cù lao những hạt phù sa mới. Nước ngập kéo dài 6 tháng kéo theo tôm, cá, rùa, rắn, lươn… Nông dân sau khi sạ cấy, lại chuẩn bị câu, lưới, lờ, lọp, trúm… đánh bắt cá tôm. Nhà nào cũng có một chiếc xuồng, một ít dụng cụ câu, đánh bắt cá. Ít nhất cũng đủ cá tôm ăn ngày hai bữa. Cuối mùa nước (khoảng tháng Mười, Mười Một âm lịch), tôm cá trên đồng lại gom về sông rạch. Mùa đánh bắt lại tập trung, thu hoạch cao hơn, tôm cá đầy ắp các chợ.

Từ xưa, người dân cù lao khai khẩn đất từ trong ra ngoài. Họ đi lần theo các con rạch tự nhiên, dừng lại trên bờ rạch, cất chòi để ở, dần dần đắp nền, phát hoang cấy lúa, trồng khoai, tỉa bắp, tỉa đậu… Mỗi người khai phá một lõm, lâu ngày đất nọ giáp ranh đất kia, rồi liên kết với nhau chống thú rừng, chim, chuột phá hoại mùa màng. Khi nước giựt, lúa trổ, người ta cất chòi xua đuổi những đàn chim manh manh, dòng dọc(1). Mùa đậu, bắp, phải canh giữ ngày đêm, chống đàn khỉ hàng ngàn con quấy phá. Nước càng cạn thì trên bờ từng đàn muỗi, dưới nước vô vàn các loại đỉa chực hút máu người. Thiên nhiên trù phú nhưng kèm theo những thử thách khắc nghiệt khiến con người chịu thương, chịu khó. Những người đến khai hoang đất mới lẽ tự nhiên phải liên kết, giúp đỡ nhau, ăn ở có nghĩa tình.

Sông Hậu ngày ngày chảy qua cù lao Ông Hổ. Nước ròng chảy xuống, nước lớn chảy ngược lên. Vào lúc nước rong(2) buổi sáng nước đầy ắp sông, dòng nước trong xanh, tắm sông vào những ngày đó là thú vui của người cù lao. Trẻ con nô đùa trên cồn cát trải dài ở đuôi cồn, vừa tha hồ bắt cá. Mùa nước, dòng nước sông Hậu quay lại một chiều đổ ra biển. Dòng nước trở nên hung hãn vì những cuộn xoáy ngầm, đục ngầu phù sa. Trẻ con bị cấm không được ra sông nữa. Nước từ từ, tràn ngập cả cù lao. Mọi hoạt động thu gọn lại trên nếp nhà sàn và những chiếc xuồng nhỏ. Mùa mưa cũng bắt đầu. Mới đầu là sáng nắng chiều mưa, cho đến tháng tám, tháng chín thì có khi cả chục ngày mưa rào rào rồi rỉ rả suốt ngày đêm. Ngồi trên nhà sàn thả câu cũng đủ cá ăn. Những con cá đầu mùa còn non, xương mềm, kho lên ăn luôn cả xương, hàng xóm láng giềng, hôm nhà này đổ bánh xèo, ngày mai nhà khác làm bánh tằm tôm, bữa kia nhà nọ đổ bánh khọt… Người cù lao quây quần, bàn luận chuyện mùa màng, chuyện thời sự…

Truyền thuyết về cù lao Ông Hổ

Thời trước, xung quanh cù lao là bãi bùn, có nơi cồn cát nổi lên. Cây bần mọc lên từng nhóm dựa theo mé nước, xung quanh đâm tua tủa những rễ khí sinh to bằng cổ tay, cao năm ba tấc, nhọn như mũi dùi. Những cây bần đi tiên phong trong việc giữ đất, làm cho cù lao này càng bồi tụ dài, rộng thêm mỗi năm một ít. Trên cù lao, cây gáo, cây tràm mọc lên thành từng nhóm, đều là những cây chịu nước. Xen lẫn trong các chòm tràm, gáo là bạt ngàn lau sậy, đế và các loại cây lao chằng chịt như choại, giác, bìm bìm, hắc sửu… Thời trước, rừng rậm, đất hoang, người thưa nên chim muông, thú rừng, cá đồng, cá sông, ong mật… còn nhiều vô kể.

Tên cù lao có một truyền thuyết kể rằng: Có vợ chồng nông dân cất nhà dựa mé rạch, mùa nước nổi, nước sông Hậu ngập đất cù lao, vợ chồng chống xuồng lên đồng lấy củi trở về, thấy trên dề lục bình trôi có một con vật giống như mèo mướp, bị ướt, run cầm cập. Ông bà vớt lên nhìn kỹ thì ra đó là cọp con lạc mẹ, đang vừa đói vừa lạnh. Ông bà lau khô, ủ ấm rồi lấy cơm nguội cho ăn, nuôi để giữ nhà. Cọp mỗi ngày một lớn, quen ở với người nên hiền lành, dễ thương. Vài năm sau, ông bà sinh được một cô con gái. Cô gái lớn lên gọi cọp là anh hai. Khi cô con gái đi lấy chồng, ông bà chỉ có cọp làm bạn. Khi ông bà mất, cọp cũng bỏ vào rừng kiếm ăn. Hằng năm cứ đến lễ giỗ, cọp tha về một con heo rừng rồi quy phục trước mộ, sau đó bỏ đi, không quấy phá ai hết. Từ đó dân làng mến con cọp có tình có nghĩa với người nên đặt tên cù lao là “Cù Lao Ông Hổ”.

LÊ QUANG TRẠNG 

-----------------------

(1) Chim manh manh, dòng dọc: Một giống chim nhỏ, giống như chim sẻ, sống từng đàn hàng vạn con. Mùa lúa sớm (khoảng tháng tám dương lịch) thường bị những đàn chim này phá hại.

(2) Nước rong hay nước kém: Từ địa phương chỉ triều nhược hay triều cường. Mỗi tháng hai lần nước rong vào những ngày rằm và ba mươi âm lịch, hai lần nước kém vào ngày mười và hai mươi âm lịch.

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cù lao Ông Hổ