04/01/2009 - 20:29

Khu Chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ

Công nhân lao đao vì thất nghiệp

Theo báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ, hiện có 70% công nhân lao động (CNLĐ) ở các doanh nghiệp (DN) trong tình trạng làm việc cầm chừng, số còn lại đang chờ việc, các DN đều ngưng thu lao động. Trước tình hình này nhiều DN và các cơ quan, đoàn thể xã hội đã cùng chung tay giúp công nhân (CN) vượt khó.

Nỗi buồn mất việc

Dẫn chúng tôi đi gặp một số CN thất nghiệp đang nằm nhà chờ việc, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, chủ nhà trọ số 124/4 khu vực 4, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, kể: “Tôi cho CN ở trọ 5 năm nay, nhưng chưa lúc nào thấy họ khốn đốn như bây giờ. Mất việc, tiền bạc không có, ở lại không xong, về quê cũng khổ. Mỗi năm chỉ trông chờ vào dịp Tết kiếm chút đỉnh tiền, đâu ngờ năm nay tay trắng. Có đứa mỗi ngày chỉ ăn mì gói cầm chừng, rồi ngủ vùi trong phòng, tiền trọ ai cũng thiếu”. Mới tuần rồi, một cặp vợ chồng quê ở Bạc Liêu thất nghiệp, đang ở trọ nhà chị Tuyền đã trốn đi, còn thiếu chị hai tháng nhà trọ và mấy trăm ngàn đồng tiền gạo, đồ ăn. Mấy nhà trọ trong khu vực 4 cũng đã từng xảy ra tình trạng công nhân mất việc, khốn khổ quá lặng lẽ đi giữa đêm khuya, quỵt nợ chủ nhà.

Cẩm Quyên (bên phải) chuẩn bị quần áo về quê sau 3 tháng thất nghiệp. Mỹ Ý cũng mất việc,
đang sống nhờ vào chu cấp của chồng.  

Mấy tháng gần đây, ở khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc, CN bị chủ sa thải ngày một tăng, phải ra ngoài làm thuê như phụ hồ, nấu cơm, giúp việc nhà, may hàng gia công, giữ con nít... để kiếm sống. Số CN được hưởng trợ cấp thất nghiệp không nhiều. Một số CN do công việc không ổn định, mỗi chỗ làm vài tháng rồi nghỉ nên ngoài lương, họ không có chế độ nào khác. Không ít CN cầm xe, vàng, đồ dùng trong phòng chỉ để lấy tiền trả tiền nhà trọ và sống qua ngày, chờ tìm việc khác.

Tội nghiệp nhất là tình cảnh vợ chồng anh Huỳnh Thanh Long, 29 tuổi, quê Cà Mau. Trước đây, anh chị cùng làm ở một công ty chế biến hải sản ở KCN Trà Nóc, lương không đủ sống nên anh chị gởi đứa con lớn về quê với ông bà nội. Tháng 8 vừa rồi, hai vợ chồng bị giảm biên chế cùng lúc. Lây lất cả tháng không xin được việc mới nên vợ chồng và đứa con trai nhỏ về nương tựa người thân. Ở quê không có việc làm nên tháng rồi gia đình dắt díu nhau lên Cần Thơ. Anh Long đi sơn nhà, vợ anh nấu cơm thuê cho một căn tin. Không có tiền gởi con bên ngoài, cha ruột anh gần 70 tuổi phải lên trông cháu. 12 giờ trưa anh Long mới về tới nhà, ăn qua quýt bữa cơm đạm bạc với vài con cá biển nhỏ xíu, một nhúm giá xào. Nghe hỏi chuyện công việc, anh chép miệng thở dài: “Tôi ráng lây lất làm hồ, sang năm coi có công ty nào lương khá thì nộp đơn xin làm. Nghỉ ngày nào là đói ngày đó, có bữa tôi đạp xe ra đầu đường ngồi cả buổi mà chẳng thấy ai kêu, thu nhập hiện giờ không bằng phân nửa hồi đó. Năm nay chắc hết ăn Tết”.

Đi dọc các khu nhà trọ trong khu vực 3 và 4, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, chúng tôi thấy không ít những căn phòng trọ có người ở nhà nhưng cửa đóng im ỉm. Chị Trần Thị Mỹ Ý, quê ở Kiên Giang, làm việc ở công ty chế biến cá hộp, đang ở phòng trọ số 5, khu vực 4, phường Trà Nóc, hai tháng nay cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. Ý năm nay 24 tuổi, đến Cần Thơ được 2 năm, làm việc ở nhiều công ty nhưng chưa nơi nào cô trụ quá 5 tháng. Sau khi sinh con, cháu mới 6 tháng, Ý nhờ mẹ ở quê lên coi sóc cho mình đi làm với mức lương 900.000 đồng/tháng, không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tại. Ý nghỉ việc, ở nhà chăm con, sống dựa vào nghề sửa điện tử cũng rất bấp bênh của chồng. Mấy tháng nay, khi Ý định đem con gởi về quê, đi làm trở lại thì công ty cho nghỉ. Chị họ của Ý là Trần Thị Cẩm Quyên cũng mất việc vì công ty không xuất hàng được. Quyên để dành tiền làm 8 bộ hồ sơ đi nộp nhưng chưa nơi nào kêu đi làm. Hôm lại thăm, chúng tôi thấy Quyên buồn bã xếp mấy bộ quần áo cũ vào ba lô để về quê. Còn Mỹ Ý cứ ôm con thở dài, nỗi lo đong đầy lên mắt. Từ tháng 8 đến nay, Quyên đã về quê 3 lần để chở gạo và xin thêm tiền, chờ cơ hội xin việc nhưng đạp xe rã giò chẳng nơi nào nhận. Cái phòng trọ nhỏ xíu giá 400.000 đồng/tháng, chị em Ý chia tiền với 2 người bạn nữa. Hai người bạn này cũng đang làm việc cầm chừng ở một công ty chế biến cá mòi, lương chỉ 400.000 đồng/tháng nhưng bệnh cũng không dám nghỉ, sợ có người thay thế. Ai cũng nuôi hy vọng qua Tết xin đi làm trở lại nhưng với tình hình này, chưa chắc các công ty sẽ tuyển người.

Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Ông Phan Thông Huấn, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Chính sách Kinh tế xã hội - Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ, cho biết: “CN thất nghiệp đa phần là nữ, làm trong các ngành thủy hải sản do thị trường bị thu hẹp, xuất khẩu chậm. Ban Thường vụ Liên đoàn đã chủ động thăm, tặng quà cho CN có hoàn cảnh khó khăn, động viên DN hỗ trợ cho CN như lo xe đưa rước CN về quê, cho ăn cơm trưa, hỗ trợ tiền trọ. Chúng tôi đang đề nghị trích kinh phí trong quỹ vận động quỹ Vì người nghèo của thành phố hỗ trợ CN, vì họ đang rất cần được giúp đỡ”.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ, một số DN đang có hàng tồn kho hàng trăm tấn, chưa xuất khẩu được nên mức lương, thưởng cho CN đều chậm và giảm so với các năm trước. Có DN trả lương cho CN từ ngày 5-10 hàng tháng, nhưng cũng có nơi đến ngày 20 CN mới lãnh lương. Lương bình quân của CNLĐ ở thời điểm này chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tháng. Trước tình cảnh CN bị mất việc hàng loạt, ông Hiếu nói: “Người lao động muốn có việc làm ổn định cuộc sống, nhưng DN cũng đang gặp khó, tốt nhất cùng nhau chia sẻ. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp cho DN như để CN nghỉ xoay vòng, hai bên thương lượng giảm định mức sản phẩm để cùng nhau vượt khó. Nếu CN thấy hợp lý thì tiếp tục làm, không vừa ý thì tự nguyện nghỉ. Công đoàn các KCN cũng kêu gọi DN làm ăn khá đóng góp giúp CN ổn định cuộc sống. Hiện tại, CN mất việc đang được hưởng 70% lương. Chúng tôi tạo mọi điều kiện để DN và CN thương lượng hợp đồng, tìm tiếng nói chung, bảo vệ quyền lợi CN thông qua luật lao động”.

Ở KCN Trà Nóc, một số DN đã có chính sách hỗ trợ tốt cho CN khi mất việc như Công ty TNHH Thủy sản Phương Đông. Công ty có 680 CN nhưng hiện có tới 200 CN đang tạm nghỉ việc. Đại diện công ty cho biết công ty hỗ trợ trung bình 600.000 đồng/người/tháng, tùy theo bộ phận có thể được hưởng mức trợ cấp cao hơn. Công đoàn công ty liên lạc thường xuyên, động viên tinh thần để giữ chân anh em, có việc là kêu vào làm ngay. Trong buổi làm việc mới đây giữa Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ, Ban quản lý KCN với 18 DN xuất khẩu ở KCN Trà Nóc, đa số DN đều yêu cầu Nhà nước hỗ trợ thuận lợi cho DN xuất khẩu, hạ lãi suất ngân hàng và cho vay tăng vốn lưu động. Đồng thời, đề nghị Ban quản lý và Công ty phát triển hạ tầng KCN Cần Thơ thu giá thuê đất cho trả chậm để DN có điều kiện mở rộng sản xuất, chăm lo cho đời sống CN được tốt hơn. Về phía CN, họ yêu cầu DN có thêm nhiều chính sách về mặt kinh tế để CN có thể gắn bó lâu dài với công ty. Ngành bảo hiểm xã hội cần xúc tiến nhanh trợ cấp khi CN thôi việc để họ có điều kiện xoay xở trong thời gian chờ cơ hội mới.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết