10/07/2010 - 21:33

Công nghệ phản hồi xúc giác

Trong số các cảm giác, sự đụng chạm có đôi phần bị phớt lờ khi nghĩ đến cách tương tác giữa người và máy. Công nghệ Haptics (rung phản hồi) cho phép người dùng tương tác với vật thể ảo sử dụng cảm giác của sự sờ mó, hy vọng sẽ thay đổi điều này.

Người cổ súy cho công nghệ Haptics là Tiến sĩ Ivan Poupyrev, hiện là nhà nghiên cứu cao cấp của Phòng thí nghiệm nghiên cứu Disney ở Pittsburgh (Mỹ). Ông khẳng định tiềm năng của lĩnh vực này sẽ rất lớn, đặc biệt cho thiết bị cầm tay. Mục đích cơ bản của công nghệ được phát triển tại Disney là tạo ra sự cảm nhận vải, cho phép người dùng cảm giác vật thể trên màn hình bằng cách chỉ tay vào chúng. Disney thực hiện điều đó bằng cách đưa một điện thế cao vào một điện cực trong suốt trên bản thủy tinh, trong trường hợp này người dùng sẽ cảm nhận vải trên thủy tinh. Bằng cách biến đổi tần số và biên độ của tín hiệu sẽ tạo ra nhiều cảm giác khác nhau.

Kết quả có thể tạo ra cảm giác như sờ giấy hay vải, mô phỏng sự trơn phẳng của kính và thậm chí là sự xù xì của giấy nhám. Công trình này tiếp bước nghiên cứu trước đây của Tiến sĩ Poupyrev tại phòng thí nghiệm Sony ở Tokyo (Nhật Bản). Nhà khoa học này cùng các đồng nghiệp đã nảy ra ý tưởng về mẫu màn hình cảm ứng cho điện thoại di động, được tăng cường cảm giác sờ mó dưới dạng phản hồi xúc giác. Mang tên “TouchEngine”, phản hồi xúc giác đã thành công bằng cách sử dụng các dải tinh thể có thể uốn cong nhỏ, được gọi là bộ dẫn động, đặt bên dưới màn hình LCD nhỏ sẽ rung động nhẹ khi người dùng chạm màn hình. Nó cuối cùng dẫn đến một bảng cảm ứng tạo ra phản hồi xúc giác và cũng nhận biết mức độ áp lực đè lên bảng. Chẳng hạn, nếu người dùng nhấn càng mạnh lên màn hình hiển thị biểu tượng, tốc độ chuyển đổi biểu tượng sẽ càng nhanh.

Tuy nhiên, có thể cảm giác phản hồi qua ngón tay từ màn hình cầm chỉ mới là sự khởi đầu. Ông Poupyrev đang hợp tác với các nhà thiết kế Carsten Schwesig và Eijiro Mori để phát triển một thiết bị cỡ thẻ tín dụng có thể uốn cong mang tên “Gummi”. Chiếc thẻ này được kích hoạt bằng hành động bẻ cong. “Gummi” sử dụng công nghệ màn hình OLED dẻo. Theo Tiến sĩ Poupyrev, kết hợp công nghệ Haptics với màn hình dẻo có thể mở đường cho một thế hệ thiết bị dẻo hoàn toàn mới, cho phép điều khiển thiết bị tùy theo cách bẻ cong.

Đã có một số thiết bị phản hồi xúc giác trên thị trường, trong đó có điện thoại Haptic của Samsung với màn hình rung, sẽ rung động nhẹ khi người dùng chạm vào màn hình, để cho biết thiết bị đã hiểu lệnh của người dùng. Toshiba mới đây cũng trình diễn giải pháp giao diện người dùng cảm xúc mới “New Sensation UI Solution”, sử dụng công nghệ cảm xúc điện tử E-Sense của hãng Senseg. E-Sense có thể tạo ra phản hồi xúc giác khu biệt bằng cách điều khiển điện tích trên phim gắn vào bảng cảm ứng. Nó cho phép người dùng có những cảm giác khác nhau như sờ gỗ, kim loại hay vật liệu mềm.

Theo Tiến sĩ Poupyrev, những công nghệ như thế có thể đưa công nghệ màn hình cảm ứng, như được dùng trong máy tính bảng iPad của Apple, lên tầm cao mới. iPad cho phép người dùng chạm vào vật thể ảo với cảm giác như thật. Màn hình dẻo sẽ có thể tiến xa hơn nữa khi cho phép người dùng cảm giác nó, kéo căng, bẻ cong và phản ứng với những tác động này.

Lê Phi (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết