09/05/2008 - 10:48

Công bố “Báo cáo kinh tế Việt Nam 2007”

(ĐCSVN) - Sáng ngày 8-5 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo công bố “Báo cáo kinh tế Việt Nam 2007”.

Theo Báo cáo, năm 2007 đã để lại cho Việt Nam những dấu ấn rất đáng ghi nhớ, cả trên bình diện các con số thống kê, lẫn bình diện nhận diện lại chính mình. Điều này được thể hiện ở mối quan hệ tương tác giữa cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế với tiến trình hội nhập, gia nhập WTO đã trở nên chặt chẽ hơn; vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam năm 2007 được nâng cao đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt 8,5%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1997 đến nay. Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, đây không phải là một con số ấn tượng vì tỷ lệ đầu tư so với GDP năm 2007 quá cao, tới 44%. Bên cạnh đó, sự sôi động của thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản ít chuyển sang nền kinh tế thực và khu vực này mới chỉ chiếm chưa tới 2% GDP năm 2007.

Báo cáo cũng nêu rõ, việc Việt Nam gia nhập WTO càng làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập của nền kinh tế Việt Nam, nhất là đối với việc đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững. Sự thiếu hụt về kỹ năng nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng yếu kém; lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2007 lên tới 12,6% là mức cao nhất kể từ năm 1997.

Báo cáo cũng đã tiến hành dự báo một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản của Việt Nam trong năm 2008 trên cơ sở triển vọng kinh tế thế giới và những tác động tới nền kinh tế Việt Nam cũng như những diễn biến nội tại nền kinh tế Việt Nam. Kết quả dự báo cho thấy có 3 phương án: đối với phương án “cơ bản”, GDP năm 2008 tăng 7,2%, phương án “bi quan” thì tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 6,6%, đối với phương án lạc quan là 7,6%; mức lạm phát trung bình là 19,4%, mức lạm phát tốt là 16,7% và mức lạm phát bi quan 22,3%; cán cân thương mại thâm hụt năm 2008 vẫn ở mức cao tương đương 17,3% GDP.

Theo báo cáo, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2008, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu (khu vực DNNN, phát triển khu vực tư nhân); thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế trong đó có các cam kết WTO cũng như “giải tỏa” các nút thắt cổ chai về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực...

Chia sẻ bài viết