28/10/2014 - 21:57

SỬ DỤNG THAN CHO NHU CẦU SẢN XUẤT ĐIỆN

Còn nhiều thách thức

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ĐBSCL và cả nước là rất lớn. Tuy nhiên, thủy điện lớn sẽ khai thác hết trong thập kỷ này; nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) còn tiềm năng nhưng thiếu công nghệ và vốn để đầu tư khai thác. ĐBSCL và cả nước phải dựa vào nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí..) để phát triển điện năng. Nhưng, trữ lượng nguồn năng lượng hóa thạch trong nước có giới hạn và phải nhập khẩu than cho phát điện; sử dụng quá nhiều nguồn năng lượng hóa thạch để lại hậu quả ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Đó là những thách thức lớn đối với ĐBSCL và cả nước trong đảm bảo nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phải nhập khẩu than

Quang cảnh lễ khởi công dự án Trung tâm điện lực Sông Hậu.  

Theo Trung tâm Phát triển Năng lượng xanh (GreenID), hiện cả nước có 14 nhà máy điện than đang vận hành; tổng cộng có 57 dự án nhiệt điện than. Riêng ĐBSCL, có 7 trung tâm điện lực: Trung tâm điện lực Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (3 dự án); Trung tâm điện lực Sông Hậu, Hậu Giang (3 dự án); Trung tâm điện lực An Giang (1 dự án); Trung tâm điện lực Long Phú, tỉnh Sóc Trăng (3 dự án); Trung tâm điện lực Kiên Lương, huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (3 dự án) và Trung tâm điện lực Bạc Liêu; Trung tâm điện lực Tiền Giang. Để đảm bảo cho các dự án nhà máy nhiệt điện nêu trên, nhu cầu than nhập khẩu dự kiến năm 2017 là 4.241 triệu tấn và sẽ tăng lên 39.815 triệu tấn vào năm 2030. Ông Nguyễn Tiến Long, Chuyên gia năng lượng độc lập, cho biết: Thủy điện lớn sẽ khai thác hết trong thập kỷ này. Nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí…) có trữ lượng giới hạn; muốn đầu tư phải tốn nhiều chi phí. Vì vậy, sẽ phải nhập than cho phát điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Viện Năng lượng, từ năm 2006 đến năm 2013, than tiêu thụ nội địa tăng 1,7 lần, tăng bình quân 7,5%/năm; trong đó, than phục vụ cho điện tăng 2,5 lần về khối lượng và tỷ trọng từ 32% tăng lên 51%. Ông Nguyễn Tiến Chỉnh, chuyên gia năng lượng độc lập, cho biết: “Nhu cầu than trong nước tăng cao chủ yếu cho điện. Dù tiềm năng tài nguyên than của Việt Nam 47,8 tỉ tấn nhưng trữ lượng có thể khai thác chỉ đạt 2,8 tỉ tấn (6%). Nguồn than đảm bảo cho nhu cầu sản xuất điện hiện nay chủ yếu tập trung ở bể than Đông Bắc (trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh) và một số mỏ than ở các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nông Sơn. Ngoài ra, còn một trữ lượng lớn ở bể than Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư khai thác nguồn than này để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện đến năm 2030 khoảng 50-80 tỉ USD. Đây là khó khăn lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam với quy mô nguồn vốn còn rất nhỏ và nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Như vậy, than sản xuất trong nước thời gian tới sẽ không đủ cung ứng, phải cân đối bằng than nhập khẩu với khối lượng ngày một tăng”.

Nhiều thách thức

Ngày 21-7-2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VII). Theo đó, đến 2020, công suất điện than là 36.000MW, điện lượng 154 tỉ kWh (47%). Đến 2030, công suất điện than là 75.700MW, điện lượng 392 tỉ kWh (56%). Miền Bắc sử dụng than trong nước. Miền Trung và miền Nam sử dụng than nhập. Nhưng, vấn đề nhập khẩu than phục vụ sản xuất điện trong tương lai không dễ.

Qua phân tích nguồn cung than trên thế giới và khu vực, ông Nguyễn Tiến Chỉnh, chuyên gia năng lượng độc lập, cho biết: Australia, Indonesia là thị trường lớn có khả năng cấp than nhiệt cho Việt Nam. Nhưng nhập khẩu than từ Indonesia là rất khó. Bởi lẽ, nhu cầu than trong nước của Indonesia - loại than Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu, tăng rất cao. Nhiều nước trong khu vực, kể cả các nước trong khối ASEAN cũng có nhu cầu nhập khẩu than rất lớn từ Indonesia. Đặc biệt, Chính phủ Indonesia mới ban hành chính sách phát triển khoáng sản mới, quy định chặt chẽ vấn đề cấp phép, khai thác và chế biến, công nghệ… trong đó có mỏ than. Australia và Indonesia là 2 nước xuất khẩu than năng lượng lớn. Nhưng thị trường đã phân chia thị phần do các nước Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… là chủ yếu. Do vậy, không chỉ lệ thuộc vào giá cả thế giới, nhập khẩu than còn gặp trở ngại do cơ sở hạ tầng (hệ thống kho cảng nhập, cảng nước sâu, tàu biển…) chưa đáp ứng. Không chỉ vậy, năng lực tài chính cho nhập khẩu than trong nước còn hạn chế; cơ chế, chính sách… cho nhập khẩu than theo các chuyên gia vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ.

Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc GreenID, cho rằng: Theo Quy hoạch điện IV, điện than chiếm 56% vào năm 2030, tỷ lệ này quá lớn, nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Đặc biệt, phát triển điện than trên thế giới đã để lại nhiều bài học sâu sắc. Đó chính là: phát thải khí nhà kính lớn, là ô nhiễm môi trường (không khí, nước, đất)… Ngoài ra, theo ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, sử dụng năng lượng hóa thạch, trong đó có than sẽ làm tăng lượng CO2 trong khí quyển – nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, cần tính toán cẩn thận để trả lời câu hỏi: ĐBSCL có cần giảm phát thải hay không? Điều này đồng nghĩa việc sử dụng than để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện ở ĐBSCL và cả nước thời gian tới như thế nào cho phù hợp?

Giải pháp nào?

Quyết định 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 19-7-2012 về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020 xác định: ĐBSCL là trung tâm năng lượng lớn của quốc gia và các tỉnh phía Nam. Ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Trước yêu cầu đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, giảm thiểu nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực… đòi hỏi vùng ĐBSCL cũng như cả nước ứng dụng khoa học công nghệ nhằm chuyển đổi sử dụng năng lượng hiệu quả, các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững. Muốn vậy, phải xây dựng các khung chính sách, khuôn khổ pháp lý nhằm định hướng đầu tư, phát triển nguồn năng lượng bền vững cho ĐBSCL và cả nước.

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh, chuyên gia năng lượng độc lập, đề xuất: ĐBSCL cũng như cả nước tiếp tục tăng cường áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Giảm áp lực dựa vào nhiên liệu hóa thạch và than, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo. Chuyển đổi sử dụng dạng năng lượng khác để giảm nhập than và ưu tiên than cho điện, cụ thể: hạn chế sử dụng vật liệu nung, khuyến khích sử dụng vật liệu không nung; khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng khác làm chất đốt sinh hoạt, sấy nông sản thực phẩm… Ngoài ra, việc quy hoạch các tổ hợp nhiệt điện dùng than nhập phía Nam phải hoạch định với khả năng nhập hoặc chủ đầu tư phải chủ động nguồn.

Để phát triển năng lượng bền vững tại ĐBSCL, các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng cao được cân nhắc. Đối với điện gió, vùng ĐBSCL đã có nhà máy điện gió Bạc Liêu và nhiều dự án điện gió khác đang triển khai ở nhiều mức độ khác nhau tại một số tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… Ông Lý Ngọc Thắng, Chuyên gia năng lượng tái tạo Việt Nam, Viện Năng lượng, cho rằng: Khu vực ĐBSCL có tiềm năng khá lớn về năng lượng mặt trời so với cả nước. Không chỉ vậy, là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước, ĐBSCL có nhiều lợi thế trong khai thác nguồn sinh khối (trấu, rơm rạ, bã mía…) cho sản xuất điện. “Tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo để tiến tới thị trường hóa giá năng lượng và cơ chế hỗ trợ năng lượng tái tạo. Tận dụng lợi thế về năng lượng mặt trời và gió, năng lượng sinh khối ở vùng ĐBSCL… Đây sẽ là nhựng giải pháp hữu hiệu, giảm áp lực dựa vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá cho vùng ĐBSCL và cả nước trong sản xuất điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới” – ông Nguyễn Tiến Chỉnh khẳng định.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết