12/01/2011 - 10:53

Nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch

Còn nhiều khó khăn

Năm 2010, theo kế hoạch, TP Cần Thơ phấn đấu đạt tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 81% và tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 70%. Tuy nhiên, kết quả điều tra Bộ chỉ số đánh giá nước sạch (theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế), đến cuối năm 2010, TP Cần Thơ chỉ đạt 37,4%, tương ứng với 66.697 hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch. Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn thành phố sử dụng nước sạch sinh hoạt.

* NHU CẦU CAO

 Hệ thống cấp nước khu dân cư vượt lũ Trường Thuận, xã Trường Long, huyện Phong Điền,
TP Cần Thơ.

Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, TP Cần Thơ có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, ngày càng nhiều hộ dân nông thôn có nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Anh Bùi Văn Bay, nhân viên quản lý trạm cấp nước Khu dân cư vượt lũ ấp Trường Thuận, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: Trước đây, trạm chỉ có công suất từ 4-6m3/giờ, nay đã được Trung tâm NS&VSMTNT đầu tư nâng cấp lên trạm 12-15m3/giờ, phục vụ cung cấp nước sạch theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế cho 180 hộ; đồng thời, tiếp nước thêm cho khoảng 300 hộ dân ở 2 trạm cấp nước thuộc ấp Trường Thọ A và ấp Trường Thuận.

Chị Bùi Thị Thanh Đào, ở Khu dân cư vượt lũ Trường Thuận, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: Hằng tháng, gia đình tôi sử dụng 4-5m3 nước, giá 3.000 đồng/m3, chất lượng ổn định, hợp vệ sinh... nên số tiền bỏ ra cũng chấp nhận được. Ông Nguyễn Hoàng Diêu, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: Năm 2010, có gần 200 hộ dân sử dụng nước sạch (toàn xã có 20 ấp khoảng 21.000 dân) nâng tổng số hộ sử dụng nước sạch của Trường Long lên gần 2.420 hộ. Ngoài ra, xã hiện có 1.139 giếng nước bơm tay, góp phần rất lớn trong việc cung cấp nước sạch đến với người dân nông thôn. Theo ông Diêu: Thời gian qua, địa phương và Trung tâm NS&VSMTNT có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, tạo mọi thuận lợi để người dân được sử dụng nước sạch. Ngoài ra, địa phương cũng thực hiện tốt công tác vận động, hướng dẫn bà con tham gia sử dụng nước sạch. Qua điều tra sơ bộ, hiện có hơn 600 hộ dân ở 3 ấp Trường Phú 1B, Trường Phú B và Trường Phú thuộc xã Trường Long có nhu cầu sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt đồng hồ để sử dụng nước của Trung tâm NS&VSMTNT còn cao so với thu nhập của người dân, từ 400.000-600.000 đồng/hộ. “Đây là một áp lực lớn cho địa phương. Vì thế, thời gian tới, các cấp ngành chức năng huyện, thành phố tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc đưa nước sạch về vùng nông thôn”- ông Diêu nói.

Theo Trung tâm NS&VSMTNT TP Cần Thơ, địa bàn nông thôn thành phố có gần 180.000 hộ, nhưng chỉ có khoảng 37,4%, tức khoảng 66.697 hộ được sử dụng nước sạch. Hiện nay, do nguồn nước mặt bị ô nhiễm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... nên nước sạch cho khoảng 113.303 hộ nông thôn còn lại là nhu cầu bức thiết.

* CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Chị Hứa Thị Kim Ly ở khu dân cư vượt lũ Trường Thuận, xã Trường Long, huyện Phong Điền sử dụng nước sạch. 

Ông Từ Văn Lợi, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT TP Cần Thơ, cho biết: Trung tâm tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn như: vốn đầu tư từ ngân sách, vốn ODA (nguồn vốn tài trợ chính thức từ bên ngoài), Ngân hàng Thế giới... để nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch. Đặc biệt, từ nguồn vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian tới, nhiều trạm cấp nước trên địa bàn thành phố sẽ được sửa chữa, nâng công suất, mở rộng hệ thống mạng (từ đường ống hiện hữu mở rộng ra)... Trong năm 2010, Công ty Đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Trà Nóc đã hỗ trợ 1 tỉ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà máy nước trong khu vực bị ô nhiễm; quận Ô Môn hỗ trợ 250 triệu và ngân sách thành phố hỗ trợ 1 tỉ đồng (tổng kinh phí là 2,25 tỉ đồng, xây dựng trạm cấp nước ở khu vực Chùm Hồi - Trà Nóc thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn, công suất 20m3/giờ)...

Tuy nhiên, theo ông Từ Văn Lợi, việc mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa của TP Cần Thơ gặp nhiều khó khăn. Các hộ dân nằm rải rác, phân tán nên đầu tư cung cấp nước rất tốn kém. Phần lớn dân nông thôn còn nghèo, chưa có điều kiện tham gia đấu nối đồng hồ nước. Ngoài ra, do ở địa bàn nông thôn chưa có quy hoạch bố trí cơ sở hạ tầng nên mạng cung cấp nước nằm cặp các đường lộ giao thông nông thôn khi có xây dựng công trình phải di dời và cần có chi phí di dời đường ống... Những điều này khó thu hút được nguồn vốn đầu tư xã hội hóa lĩnh vực cấp nước nông thôn từ phía doanh nghiệp. Không chỉ vậy, nguồn vốn kế hoạch bố trí đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 thành phố giao cho Trung tâm khoảng 9,3 tỉ đồng (trong đó, trả nợ các công trình chuyển tiếp đã hết 9,2 tỉ đồng). Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện lập thủ tục đầu tư dự án hợp phần nước sạch từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, vốn Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng 20 danh mục công trình cấp nước mới với tổng số vốn đăng ký đến 130 tỉ đồng...

Để nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, ông Bùi Văn Đằng, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, kiến nghị: Nhà nước nên có chủ trương, chính sách hỗ trợ nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp để ngày càng nhiều người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận và sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Bài, ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Chia sẻ bài viết