05/04/2020 - 11:07

Con gái của lính 

Truyện ngắn: Nguyễn Thị Bích Nhàn

Với tôi, chị Phiến là một người đặc biệt. Tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm ngày đến trường mẫu giáo trong tình trạng mang một cái "kiềng đất" trên cổ và chị khi ấy là cô giáo phụ trách lớp đã chà sạch cho tôi mới dẫn vô học. Cô giáo đầu tiên ấy sau này là thủ trưởng, là bạn vong niên của tôi. Vì chồng tôi có họ hàng gần với cô nên cô kêu tôi gọi “chị” cho thân mật.

Ngày trước mỗi lần đến nhà chị chơi, nhìn ngôi nhà những năm 1940 được giữ gìn, cùng hai cây mai chiếu thủy được tạo dáng thành chiếc hư hương khổng lồ trước sân, tôi đã mặc định chị được sinh ra quyền quý. Lại thêm dáng vóc mình hạc xương mai và cốt cách tiểu thư, nên tôi chưa bao giờ hình dung tuổi thơ chị có ngày buồn khổ. Nhưng trong một buổi chị em trà nước tầm phào, tình cờ thấy một cụ già đeo những chiếc huy chương trước ngực đi về phía hội trường huyện, bất chợt chị rơi nước mắt, tôi mới biết được tuổi thơ thời đạn bom của chị.

Chị sinh năm 1945. Lớn lên không thấy ba, mẹ; chỉ biết có ngoại. Mẹ chị mất khi sau khi sinh chị. Chị hỏi ngoại về ba. Ngoại chị, bằng vẻ mặt rất trìu mến, đưa tay chỉ về hướng núi, nói rằng ba chị đang đi đánh giặc. Năm chị mười ba tuổi thì ngoại mất. Chị chỉ còn một người thân duy nhất là ba đang ở tiền tuyến.

Ba chị tên Trần Trung Nghĩa. Ba mẹ chị là người cùng thôn, lớn lên bên nhau ở thôn nhỏ có ruộng đồng bao bọc, thương nhau rồi cùng xây dựng gia đình. Lấy nhau chưa tròn năm thì ba chị đã tình nguyện ra trận. Không bao lâu thì mẹ chị phát hiện có mang. Ngày chị ra đời, xóm làng bị trận càn, bốn bề đạn pháo ầm ào rực sáng. Mẹ chị mất máu nhiều và ra đi ngay sau cuộc nói chuyện yếu ớt với bà ngoại.

Câu chuyện ấy sau này bà ngoại đem kể hết cho cháu gái rồi nhắm mắt.

Chị Phiến được anh họ, con nhà bác Tư, cưu mang. Anh muốn đùm bọc mà chị dâu không muốn, nhưng cũng khó lòng từ chối, nên từ ngày đem cô em họ côi cút về ở chung, chị dâu luôn trong trạng thái bằng mặt nhưng lòng không ưng. Những đứa trẻ bất hạnh thường nhạy cảm. Cách đối xử lạnh lùng đến khó chịu của người chị dâu càng làm tăng nỗi tủi hờn trong lòng cô bé mồ côi. Không đánh mắng, nhưng nhiều phiền nhiễu nhỏ nhặt. Chịu không nổi, chị rời đi để nương nhờ cô Năm, em ruột của ba, dù hoàn cảnh của cô cũng khó khăn vô vàn. Chồng cô Năm mất sớm, cô còn phải nuôi tới mười đứa con. Nhưng cô bảo cứ ở với cô, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối. Chị còn mong muốn gì hơn thế. Có một người như mẹ làm chỗ dựa là mừng rồi. Nên dù chỉ được hai bộ đồ, rách đâu vá đấy, chị cũng nhẹ nhõm mà vượt qua. Những khi rời nhà đi làm mướn thì chị mặc bộ ít rách hơn. Đi xa nhà cả tuần, mặc đúng một bộ đồ, tắm giặt phơi cũng ở nguyên trên người vậy. “Nhưng chị hạnh phúc, đó là khoảng thời gian cơ cực nhưng đã rất hạnh phúc”, chị nói.

Rồi một ngày năm 1962, có giấy báo tử từ chiến trường. Mười bảy tuổi, chị trở thành con liệt sĩ.

Ở với cô Năm, chị được đến trường, rồi chị được địa phương tạo điều kiện cho đi học một lớp đánh máy ngắn hạn, rồi nhận về làm ở văn phòng xã. Sau đó, chị lại được đi học tiếp lớp trung cấp sư phạm. Cuộc đời đã sang trang, cô bé côi cút ngày xưa trở thành cô giáo mầm non. Chị Phiến lập gia đình với một giáo viên trường làng. Ngày bom đổ xuống ngôi trường nhỏ bé đầu thôn, chồng chị bị thương nặng qua đời. Một mình, chị lo cho các con học hành đến nơi đến chốn - đó là một quãng thời gian đầy khó khăn nhưng giờ cơn bĩ cực đã qua.

*
*   *

Ngoại chị từng kể về chú Sử, một chiến sĩ từng được ngoại cưu mang trong hầm ở sau vườn nhà những ngày bom đạn. Ngoại và mẹ chị lúc đó có hỏi thông tin về ba chị và chú Sử hứa sẽ tìm cách liên lạc. Rồi chị Phiến được bà ngoại dặn mai mốt tìm ba cứ tìm chú Sử ở Thọ Lâm - người đã hứa sẽ làm cha đỡ đầu cho chị. Manh mối chỉ có nhiêu đó và chị quyết tâm đi tìm ba với một bức ảnh nhòe, một địa chỉ của người cha đỡ đầu khi chị mới là bào thai. Chị tìm đến nhà chú Sử, đến nơi, hàng xóm nói đã chuyển về quê vợ. Lang thang giữa miền Trung rồi ngược lên Tây nguyên thì hay chú đã mất. Người con trưởng của chú chỉ đến một địa chỉ quen, là đồng đội thân tình. Cơ duyên đưa đẩy, chú ấy dẫn chị đến một địa chỉ đáng tin hơn - bạn của ba chị. Nhưng người bạn ấy của ba chị cũng không có manh mối bởi ba chị hy sinh khi họ ở khác đơn vị.

Không nản chí, chị cứ bám theo những đơn vị chuyên tìm hài cốt liệt sĩ và tình cờ biết chị Trực, từng là y tá chiến trường. Chị Trực cũng đang tìm hài cốt của chồng. May thay, sau khi trình bày ngọn nguồn và đưa tấm ảnh mờ nhoẹt kia, chị Trực đã nhận ra người lính mình chăm sóc năm nào. Rồi chị kể trong trận càn năm 1962, đại đội chủ công ở Đắk Lắk đưa quân về Dinh Điền để bảo vệ đồng bào ăn Tết. Chiều 30 Tết, địch điều ba tiểu đoàn, chia làm hai cánh bao vây, đổ bộ lên Dinh Điền. Lực lượng ta tuy mỏng hơn nhưng đã chống trả quyết liệt. Cuối cùng, hai cánh quân được trang bị vũ khí hiện đại kia đã không chiếm được Dinh Điền. Dù không chiến thắng giòn giã, dù hy sinh nhưng những người lính đã giữ được xóm làng, bảo vệ đồng bào ăn Tết. Ngày tỉnh dậy ở trạm y tế dã chiến, người lính tên Trần Trung Nghĩa rân rấn nước mắt nhớ những đồng đội đã hy sinh. Nhưng người lính ấy cũng không vượt qua được vết thương của mảnh đạn ghim sát tim...

Chị Phiến của tôi - người con gái sớm mồ côi - đã hoàn thành tâm nguyện lớn nhất cuộc đời chị là đưa ba về nằm kề bên mẹ chị, nơi làng quê có cánh đồng bao bọc...

Chia sẻ bài viết