30/05/2009 - 06:17

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII:

Còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công

* Đã có mẫu mới của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”

Sáng 29-5, các đại biểu Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (gọi tắt là luật sửa đổi). 6 luật phải sửa đổi, bổ sung là: Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai và Luật nhà ở. Tổng cộng phải sửa 94 điều, trong đó có 54 điều là sửa nội dung, còn lại là bỏ các từ ngữ, thuật ngữ.

Góp ý về dự án Luật sửa đổi, các đại biểu nhất trí với quy định mới: chỉ cấp một giấy chứng nhận thống nhất trên cả nước thay cho hai loại “sổ đỏ”, “sổ hồng” hiện nay. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã đưa ra tổ đại biểu thành phố Hà Nội xem mẫu giấy mới đã được Bộ soạn thảo để lấy ý kiến nhân dân trên mạng của Bộ Tài nguyên Môi trường (www.monre.gov.vn.com). Mẫu giấy mới có kích thước khoảng 18 x 24 , nhỏ hơn “sổ đỏ” hiện hành. Bìa trước có hình quốc huy, phía dưới ghi dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền hữu tài sản gắn liền với đất”. Sổ này có 12 trang cả bìa, gồm các mục: 1- Chứng nhận quyền sử dụng đất; 2- Chứng nhận quyền sở hữu nhà; 3- Chứng nhận quyền sở hữu công trình khác; 4- Chứng nhận quyền sở hữu rừng cây và vườn cây lâu năm; 5- Thông tin bổ sung về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.v.v...

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Nếu Quốc hội thông qua, Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-8-2009. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định: Mẫu sổ mới được Chính phủ phê duyệt khi Luật sửa đổi có hiệu lực, có thể cuối năm nay “Giấy chứng nhận mới” sẽ được cấp cho người dân. Bộ trưởng cho biết, người dân nộp các loại giấy tờ theo quy định để xin cấp giấy chứng nhận tại UBND xã, phường, cấp xã có trách nhiệm tiến hành các bước tiếp theo; khi giấy được cấp thì thông báo cho người dân đến UBND cấp xã nhận giấy. Luật sửa đổi cũng quy định hai loại giấy chứng nhận cũ vẫn có hiệu lực pháp lý, chỉ khi người dân muốn đổi giấy mới thì làm thủ tục xin đổi.

Đối với luật đấu thầu, các đại biểu nhất trí cấm sử dụng lao động nước ngoài đối với những trường hợp lao động trong nước có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thi công của gói thầu. Việc chỉ định thầu được mở rộng đối với những công trình bí mật quốc gia hoặc trong trường hợp cấp bách vì lợi ích quốc gia và cộng đồng dân cư...

* Chiều 29-5, Quốc hội (QH) họp toàn thể tại hội trường cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quản lý nợ công.

Đa số các đại biểu QH tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật quản lý nợ công đồng thời đề nghị xem xét kỹ thêm quy định tại một số điều khoản cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của QH, Chính phủ (CP), Thủ tướng và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chức năng quản lý về nợ công; cơ quan nhà nước làm đầu mối, cơ quan nhà nước phối hợp tham gia vào việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan này; phạm vi, tiêu chí, điều kiện để được vay, cho vay lại và những điều kiện được cấp bảo lãnh vay của CP sao cho chặt chẽ, rõ ràng, thiết thực và bám sát yêu cầu...

Theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng thực hiện chức năng quản lý nợ công. Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định của Dự thảo luật mới chỉ pháp điển hóa các quy định hiện hành bằng một đạo luật mà chưa có sự đổi mới căn bản trong phân công thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công. Luật phải được xây dựng mang tính ổn định, đảm bảo tính dài hơi hơn, không nên có bước quá độ, giao nhiều cơ quan tham gia quản lý nợ công. Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) khẳng định quy định như dự thảo làm hoạt động quản lý nợ công bị phân tán, không đảm bảo được 3 yêu cầu trong công tác quản lý nợ công là chưa tích hợp quản lý nợ nước ngoài và nợ trong nước; chưa tích hợp quản lý tiền mặt và quản lý nợ công; chưa tách bạch được chức năng quản lý nợ với chức năng điều hành chính sách tài khóa tiền tệ. Do vậy, sẽ dẫn đến sự thiếu nhất quán trong cơ cấu nợ và nguy cơ rủi ro lãng phí trong hoạt động quản lý vay và sử dụng vốn vay. Đại biểu đề nghị nhất thiết phải thành lập cơ quan quản lý nợ công độc lập trực thuộc Bộ Tài chính; chuyển chức năng chủ trì xây dựng và điều hành hạn mức vay thương mại nước ngoài về cho Bộ Tài chính; chuyển nhiệm vụ vận động, chủ trì đàm phán, ký kết Điều ước quốc tế về ODA từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư sang Bộ Tài chính.

HỒNG QUÂN-THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết