Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH
Tốt nghiệp đại học, từng xuất khẩu lao động, Nguyễn Thị Cẩm Tiên vẫn luôn nuôi ước mơ khởi nghiệp, có cuộc sống tốt hơn. Cơm cháy là món ăn Tiên lựa chọn.
Cẩm Tiên (bên trái) khởi nghiệp với món cơm cháy.
Khoảng 1 tháng qua, tiệm cơm cháy ở đoạn cuối đường Trần Hoàng Na, quận Ninh Kiều (gần công trình cầu Trần Hoàng Na đang thi công) thu hút rất đông khách hàng. Không chỉ người trẻ mà người lớn tuổi, khách hàng gia đình cũng tìm đến đây để ăn cơm cháy. Tiệm cơm cháy được thiết kế nhỏ gọn, xinh xắn với một thực đơn khiến thực khách “choáng ngợp”. Thông thường, nhắc đến cơm cháy, nhiều người nghĩ đơn giản chỉ kết hợp với kho quẹt, rau luộc. Nhưng ở quán của Tiên, cơm cháy được “nâng tầm” thấy rõ: cơm cháy kẹp xúc xích trứng, cơm cháy lạp xưởng tươi, cơm cháy kẹp nem nướng, cơm cháy kẹp gà sốt cay, cơm cháy kẹp thịt xông khói, cơm cháy kẹp bò áp chảo... Những sự kết hợp mà nhiều người nói vui khi ăn là “nhà nghèo chơi thân với nhà giàu”, qua việc kết hợp hài hòa giữa độ giòn, dẻo của cơm cháy, các hương vị từ “nhân” được chế biến vừa miệng.
Chị Trần Thị Yến Nhi, khách hàng đến từ Hậu Giang, cho biết: Do thấy các nền tảng mạng xã hội chia sẻ nhiều về tiệm cơm cháy này nên chị ghé ăn thử. Dù đã xem review trên mạng nhưng chị Nhi rất ấn tượng trước sự phong phú của các món ăn thú vị này. Còn chị Bùi Hằng Nga, một thực khách trẻ, thì chia sẻ: “Tôi không ngờ, cơm cháy lại có thể biến tấu thành nhiều món đến vậy. Món nào cũng ngon”. Cùng cảm nhận này, anh Võ Văn Thái Mỹ, một thực khách trẻ khác, tâm tình rằng, nhìn miếng cơm cháy, anh nhớ đến nồi cơm củi hồi xưa mẹ nấu, mẹ luôn ăn cơm cháy đầu tiên, dành cho cả nhà những chén cơm tẻ ngon nhất. Sau này lớn lên, anh thường cùng bạn bè đi ăn món cơm cháy kho quẹt bán nhiều ở các hàng quán, nhưng với một thực đơn phong phú như vầy thì đây là lần đầu. “Đúng là chỉ cần có sự sáng tạo, món quê trở nên sang trọng, hấp dẫn”, anh Mỹ tâm đắc.
* * *
Tiên, chủ quán cơm cháy này, tên thật là Nguyễn Thị Cẩm Tiên, một cô gái sinh năm 1996, quê ở Hậu Giang. Kể lại câu chuyện ra đời của quán ăn này, Tiên vừa bồi hồi vừa vui mừng, lắm lúc rơi nước mắt.
Tiên tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, từng xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Qua bên đó chưa được mấy tháng thì dịch COVID-19 ập đến. Xứ lạ quê người, dịch bệnh bủa vây, Tiên vẫn quyết tâm làm việc, kiếm tiền về quê hương lập nghiệp. Trong một lần đi ăn, Tiên được ăn món cơm cháy kẹp này. Nghĩ lại nồi cơm củi mẹ nấu, nhớ đến miếng cơm cháy trong căn bếp nghèo của gia đình, tự dưng Tiên khóc. Lúc ấy, Tiên lại nghĩ đến việc đem món ăn vặt này về quê khởi nghiệp. Cô lân la đến tiệm ăn thường xuyên, tìm hiểu công nghệ, công thức chế biến. Về Việt Nam tháng 7-2022, Tiên nhanh chóng mở một quán nhỏ quê nhà, sau thấy tiềm năng phát triển ở Cần Thơ nên cô khăn gói khởi nghiệp. Đi làm thuê, về làm chủ!
Cẩm Tiên nhớ lại: Lúc nghe Tiên muốn khởi nghiệp từ nghề bán... cơm cháy, gia đình có vẻ lo âu, nghi ngại nhưng cũng ủng hộ quyết định đó. Hàng xóm, người ngoài không hiểu, lời ra tiếng vào, nói rằng cô được học hành đàng hoàng, đi làm nước ngoài, nay lại về làm chuyện “lụm bạc cắc”. Bỏ qua tất cả, Tiên vẫn chọn cơm cháy khởi nghiệp.
Theo Tiên, cơm cháy không được làm theo kiểu cơm mang ép, chiên khô thành cơm cháy mà được làm trực tiếp bằng gạo và nếp. Hai nguyên liệu này sẽ được trộn với tỷ lệ phù hợp, đem ngâm qua đêm với những nguyên liệu bí quyết, sau đó cho vào khuôn để nấu, cán thành cơm cháy. Nhờ vậy, cơm cháy vừa có độ giòn rụm, lại vừa có độ dẻo, mềm, không khô cứng. Mỗi miếng cơm cháy có hình chữ nhật được kẹp nhân chính giữa, rất đẹp, giống như hamburger hay sandwich. Dù học công thức làm từ nước ngoài nhưng phần nhân được Tiên nghiên cứu, biến tấu cho phù hợp với khẩu vị của người miền Tây.
Câu chuyện khởi nghiệp của Cẩm Tiên cho thấy tài nguyên văn hóa nói chung, ẩm thực nói riêng, còn rất nhiều dư địa để người trẻ khai thác kinh doanh, làm giàu.