27/04/2018 - 21:36

Cội nguồn chiếc bánh quê hương 

“Cội nguồn chiếc bánh quê hương” không chỉ là chủ đề của Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2018 mà còn là giá trị nhân văn đằng sau những chiếc bánh. Ở đó, giới trẻ hiểu hơn về truyền thống, trân quý hạt gạo, hạt nếp và sự tài hoa, cần mẫn của người nhà quê.

Nhiều loại bánh gần như thất truyền góp mặt tại lễ hội. Trong ảnh: Nghệ nhân giới thiệu bánh khoai môn với Ban Giám khảo Hội thi Bánh dân gian Nam bộ. Ảnh: DUY KHÔI
Nhiều loại bánh gần như thất truyền góp mặt tại lễ hội. Trong ảnh: Nghệ nhân giới thiệu bánh khoai môn với Ban Giám khảo Hội thi Bánh dân gian Nam bộ. Ảnh: DUY KHÔI

Một trong những điểm mới của lễ hội năm nay là không gian “Học sinh TP Cần Thơ trải nghiệm làm bánh cùng nghệ nhân”. Các em học sinh tiểu học xúng xính áo bà ba, đội khăn rằn chăm chút làm bánh, đổ rau câu và bán hàng cho khách. Sự ngây thơ, lạ lẫm của các em khiến khách tham quan thích thú. Em Phan Vũ Minh Tuệ, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều), hào hứng: “Đây là lần đầu tiên con được làm bánh. Con thích lắm luôn”. Quả nhiên, những em bé học lớp 2, lớp 3 tưởng rằng “ăn còn phải đút” vậy mà khi được giao việc, các em lại rất khéo léo. Nhìn con gái học lớp 3 của mình - em Khưu Thanh Phượng - vừa khuấy vừa cho đường vào nồi rau câu trên bếp lửa, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh không khỏi xúc động. Chị nói hoạt động trải nghiệm này rất hay, giúp các con có kỹ năng sống, hiểu hơn về nỗi vất vả của các bà, các mẹ khi làm ra chiếc bánh, bữa cơm ngon.

Lễ hội năm nay quy tụ hơn 100 loại bánh dân gian Nam bộ được ví như “bảo tàng sống” để khách tham quan chiêm ngưỡng. Đặc biệt, Ban Tổ chức bố trí không gian để nghệ nhân trình diễn và kể chuyện làm ra chiếc bánh. Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan, đến từ Sóc Trăng, khéo léo làm ra xửng bánh bầu và kể rằng: trái bầu, bột gạo, tép trấu… ngày xưa đều là những thứ rẻ tiền. Các bà, các mẹ đã tận dụng làm cho con cháu ăn và thế là bánh bầu ra đời. Chị Lan nối nghiệp gia đình và giờ đã mở ra một tiệm bánh riêng. Câu chuyện chị kể khiến người nghe bỗng chạnh lòng nhớ về chuyện xưa, ngày cũ với chái bếp quê mình.

Có thể nói, việc hàng trăm ngàn bạn trẻ đến với lễ hội là tín hiệu vui về lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống thông qua ẩm thực dân gian. Nhiều bạn trẻ không chỉ thưởng thức mà còn chăm chú học cách làm bánh, nghe kể xuất xứ của những chiếc bánh. Hồ Minh Phi, một bạn trẻ đến từ tỉnh Bạc Liêu, miệt mài chụp ảnh từng loại bánh tại lễ hội. Phi kể rằng, em muốn lưu giữ hình ảnh để khi cần mở ra xem, vừa “đỡ thèm”, vừa hiểu hơn về sự phong phú của sản vật Nam bộ. Còn với nhóm bạn Nguyễn Lê Minh Vy, đến từ tỉnh Cà Mau, họ thấy trân trọng hơn khi chứng kiến cảnh nghệ nhân làm bánh. “Mỗi chiếc bánh chỉ khoảng 4.000 - 5.000 đồng mà cực quá, làm đổ mồ hôi”.

Tham gia quảng bá lễ hội, nghệ sĩ Việt Hương không thôi trầm trồ về tài hoa và sự khéo léo của các nghệ nhân. Lời chị nhắn nhủ với người hâm mộ tại Lễ hội thật ý nghĩa: “Giá trị chiếc bánh không chỉ ở hương vị ngọt ngào mà còn là công sức của nghệ nhân và cội nguồn của chiếc bánh quê hương”.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết