19/05/2011 - 21:54

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Có thể kiểm soát được dịch tôm chết

 

Người nuôi tôm ở ĐBSCL đang tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề vì tôm chết. Tỉnh có tôm sú chết nhiều nhất là Sóc Trăng (thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng), tiếp đó là Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh. Tôm thẻ chân trắng cũng bị chết rải rác ở Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre. Nhiều ngư dân không rõ nguyên nhân và cho đây là “đại dịch”. Chúng tôi đã phỏng vấn PGS.TS NGUYỄN THANH PHƯƠNG - Trưởng Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ - xoay quanh chuyện này…

* Thưa ông, có thể gọi tình hình tôm chết hiện nay là “đại dịch”?

- Vừa qua, tình hình tôm chết đã xảy ra ở nhiều vùng nuôi của ĐBSCL, nhiều nhất là ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Bến Tre. Theo báo cáo của Cục Thú y tại Hội thảo “Đánh giá về tình hình bệnh tôm và nghêu và tổ chức giám sát khôi phục sản xuất” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức ngày 11-5 thì đã có 25.338 ha tôm nuôi chết trong tổng số 486.989 ha tôm thả nuôi, tương đương 5,20% diện tích nuôi. Theo ước tính của địa phương thì có trên 16.000 ha tôm nuôi thâm canh (nuôi công nghiệp) bị thiệt hại mà nhiều nhất là ở Sóc Trăng khoảng 15.000 ha, các tỉnh còn lại như Bạc Liêu khoảng 800 ha, Cà Mau khoảng 700 ha, Bến Tre khoảng 670 ha. Tuy nhiên, theo trao đổi với các địa phương thì diện tích tôm nuôi bị thiệt hại có thể nhiều hơn do quá trình thống kê có thể chưa đầy đủ và tình hình tôm chết xảy ra liên tục. Trong số diện tích tôm nuôi bị chết chủ yếu là tôm sú; tôm thẻ chân trắng không nhiều do tỷ trọng về diện tích thả nuôi ở các tỉnh chưa lớn so với tôm sú.

Nếu nhìn nhận từ số liệu diện tích tôm nuôi bị thiệt hại và so với những năm qua thì tôi không nghĩ đây là đại dịch. Hơn nữa, qui mô tôm chết xảy ra khác nhau theo từng địa phương chứ không lan ra diện rộng và đồng loạt ở toàn vùng ĐBSCL. Tất nhiên, diện tích nuôi tôm chết năm 2011, nhất là diện tích nuôi tôm công nghiệp là khá lớn so với nhiều năm qua.

* Nguyên nhân chính của dịch bệnh này là gì? Có phải do biến đổi khí hậu gây nên không?

- Kết quả nghiên cứu bước đầu qua đợt khảo sát do Bộ NN & PTNT tổ chức vào cuối tháng 4-2011, thì có xu hướng nhận định là sự hoại tử gan do nhiễm khuẩn xuất hiện với tần suất rất cao trên các mẫu tôm bệnh và tôm bệnh chết và nhận định là không phải do bệnh đốm trắng, đầu vàng hay hội chứng taura. Mùa tôm năm 2010, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ đã thu mẫu phân tích thì thấy có dấu hiệu do nhiễm khuẩn gây ra nhưng khi gởi mẫu tham khảo ý kiến của chuyên gia bệnh tôm nước ngoài thì thấy chưa thể khẳng định như vậy. Vừa qua, Khoa Thủy sản đã phân tích một số mẫu tôm sú và tôm thẻ chân trắng thu ở các ao có tôm chết và tôm chưa chết ở Cà Mau và Kiên Giang thì thấy tất cả mẫu tôm thẻ có nhiễm vi-rút gây hội chứng taura và cả tôm sú và tôm thẻ đều nhiễm vi-rút gây bệnh hoại tử cơ (infectious myonecrosis virus - IMNV). Bệnh IMNV là bệnh mới gây thiệt hại lớn trên tôm ở các nước Nam Mỹ vừa qua. Tôi nghĩ cần tiếp tục nghiên cứu thêm ở diện rộng để có thể đưa ra nguyên nhân chính xác.

Tôm chết có phải do biến đổi khí hậu tác động không thì chưa có số liệu cụ thể để nói, nhưng qua quá trình khảo sát nghề nuôi tôm năm nay thì thấy thời tiết năm nay có nhiều thay đổi khác thường như nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, mưa lớn đột ngột... lại rơi vào tháng 3 là tháng thả giống chủ yếu của vụ tôm. Chúng tôi cũng có ghi nhận một số trường hợp thả tôm sớm hơn tháng 3 thì hiện nay tôm vẫn tốt. Điều này có thể suy nghĩ là những hộ thả giống sớm sang tháng 3 tôm lớn nên gặp thời tiết thay đổi khác thường thì có thể tôm vượt qua được, còn thả ngay tháng 3 thì tôm nhỏ không vượt qua và nhiễm bệnh. Hiện tượng này có thể nhận thấy bước đầu là có dấu hiệu của tác động về sự biến đổi khí hậu.

* Theo ông, tình hình này ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu chế biến tôm xuất khẩu ra sao?

- Diện tích tôm chết hiện nay xảy ra nhiều ở các mô hình nuôi tôm công nghiệp, khoảng 16.000 ha và đây là mô hình nuôi có năng suất cao. Với tình hình này, ít nhiều có ảnh hưởng đến sản lượng tôm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến nếu như vụ nuôi tôm này không thể khôi phục được hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những người nuôi tôm sẽ cải tạo lại ao nuôi và thả lại tôm trong vụ này và có thể với mật độ thưa hơn và như thế thì sản lượng tôm nuôi sẽ được khôi phục phần nào. Tôi hy vọng là sản lượng tôm nuôi năm nay sẽ không giảm đáng kể.

* Hội thảo mới nhất tại Bến Tre đã đưa ra những giải pháp cấp bách như thế nào?

- Hội thảo đề nghị các hộ hay trang trại nuôi tôm vẫn tiếp tục thả lại tôm nuôi, có thể là tôm sú hay tôm thẻ chân trắng. Hội thảo cũng khuyến cáo người nuôi nên chuẩn bị ao thật kỹ, dùng formol và vôi để xử lý ao, xét nghiệm giống cẩn thận và nên thả lại với mật độ thưa hơn.

Từ nay đến hết năm 2011 nên tập trung cho việc thả giống lại để tránh suy giảm sản lượng tôm nuôi ảnh hưởng đến chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu để có kết luận chính thức nguyên nhân gây bệnh tôm để có giải pháp phòng trị thỏa đáng, đồng thời thường xuyên khảo sát diễn biến của bệnh tôm và quan trắc môi trường để có cảnh báo sớm nhằm tránh nguy cơ tôm chết có thể xảy ra.

* Còn về lâu dài, cần có giải pháp gì?

- Tôi nghĩ nghề nuôi tôm của ĐBSCL, nhất là nuôi tôm thâm canh (công nghiệp) đã phát triển lâu rồi, chất lượng ao nuôi đã đến giai đoạn xấu hay còn gọi là suy thoái và môi trường vùng nuôi một số nơi cũng có vấn đề nên bệnh tôm luôn luôn rình rập người nuôi; đây cũng là qui luật mà nhiều quốc gia khác cũng gặp phải. Bên cạnh những vấn đề lớn mà chúng ta vẫn thường nói là thực thi qui hoạch, phát triển thủy lợi phục vụ nghề nuôi tôm... thì nhiều vấn đề khác cũng cần được tiến hành.

Tôi xin có vài đề xuất: Một, thường xuyên điều tra về dịch tễ học bệnh tôm để có những giải pháp quản lý dịch bệnh hiệu quả và kịp thời. Hai, có nguồn tài chính thường xuyên cho một số đơn vị có năng lực chuyên môn để có thể phản ứng nhanh với việc xuất hiện bệnh, từ đó có thể đề xuất khắc phục hay kiểm soát kịp thời nhằm tránh lây lan; nên tránh việc có tôm chết rồi mới tiến hành khảo sát nhanh để đưa ra kết luận hay nhận định. Ba, cần tiếp tục phát triển mạng lưới các phòng thí nghiệm về bệnh tôm/cá; có thể là ở những cấp độ chuyên sâu khác nhau, nhưng các phòng này phải được đánh giá chéo thường xuyên để đảm bảo độ chính xác. Bốn, tiếp tục đầu tư cho các nghiên cứu chuyên sâu về bệnh tôm nhất là các bệnh mới. Năm, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về kỹ thuật nuôi, nhất là về quản lý môi trường ao nuôi tôm.

* Riêng Trường Đại học Cần Thơ đang làm gì để giải cứu dịch bệnh này?

- Trường Đại học Cần Thơ hiện nay cũng đang chung sức với các đơn vị khác trong việc giúp người nuôi vượt qua khó khăn này. Trường Đại học Cần Thơ có đội ngũ chuyên môn và phương tiện nghiên cứu tốt về lĩnh vực bệnh học thủy sản, nhưng vì chúng tôi là đơn vị đào tạo nên không có nguồn ngân sách để có thể tham gia chủ động vào công việc này nhiều được nhưng chúng tôi sẵn sàng tham gia, phối hợp cùng với các đơn vị khác để giải quyết tình hình hiện nay. Tuy nhiên, trước nay, với các đề tài và dự án hợp tác, Trường Đại học Cần Thơ cũng đang nghiên cứu một số khía cạnh về bệnh tôm nói riêng và bệnh thủy sản nói chung như dịch tễ bệnh đốm trắng ở tôm sú, xác định tác nhân gây bệnh phương pháp chẩn đoán ở tôm/cá và thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn về phân tích, chẩn đoán và phòng trị bệnh tôm, cá cho các cán bộ kỹ thuật các cơ quan, ban ngành địa phương nhằm tăng cường nhân lực cho quản lý thủy sản trong vùng.

* Qua sự kiện này, có thể nói gì về nghề nuôi tôm ở ĐBSCL?

- Tôi vẫn tin là nghề nuôi tôm ở ĐBSCL sẽ vượt qua khó khăn của năm nay và phát triển bền vững trong thời gian tới. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy nghề nuôi thủy sản luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn về dịch bệnh và môi trường, nhưng chúng ta đang có nhiều nghiên cứu và kinh nghiệm nên có thể kiểm soát được quá trình phát triển.

HUỲNH KIM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết