29/04/2008 - 21:47

Cơ quan, tổ chức nào có thể đứng ra yêu cầu tòa án chấm dứt quan hệ con nuôi?

Hỏi: Người được nhận làm con nuôi nhưng không được cha mẹ nuôi yêu thương chăm sóc mà bị đối xử tàn ác, coi như người làm công để bóc lột sức lao động, thậm chí có em còn bị hành hạ gây thương tích. Trong những trường hợp đó, khi các em còn quá nhỏ thì cơ quan, tổ chức nào có thể đứng ra yêu cầu tòa án chấm dứt quan hệ với những người cha, mẹ nuôi?

NGUYỄN NGỌC LAN (quận Ninh Kiều)


- Luật sư Huỳnh Minh Triết, Đoàn luật sư TP Cần Thơ trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì trẻ em không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc nuôi con để bóc lột sức lao động, hành hạ hoặc vì mục đích trục lợi khác. Căn cứ Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về chấm dứt việc nuôi con nuôi thì tòa án có thể quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp cha mẹ nuôi đã có các hành vi như lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em, bị kết án mà chưa được xóa án tích về các tội như cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người khác, ngược đãi, hành hạ cha mẹ, ông bà, vợ, chồng, con, chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em v.v...

Trong các trường hợp nói trên thì Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi. Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (nay là Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em), Hội Liên hiệp Phụ nữ và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu tòa án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi. Sau khi chấm dứt, nếu con nuôi là người chưa thành niên hoặc là người đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động thì tòa án quyết định giao người đó cho cha mẹ đẻ hoặc cá nhân, tổ chức trông nom nuôi dưỡng.

VÂN LÂM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết