23/12/2021 - 09:17

Cơ hội thu hút FDI từ doanh nghiệp Úc 

Trong số các nền kinh tế có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, hiện Úc xếp thứ 19, với 1,94 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư. Tuy vốn đầu tư còn khiêm tốn, nhưng giữa Úc và Việt Nam hiện có 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) chung. Cùng với 12 FTA khác mà Việt Nam đã ký kết sẽ mở ra các cơ hội lớn để thu hút doanh nghiệp (DN) Úc đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: CTV.

Tiềm năng hợp tác

Ngày 22-12-2021, tại Hà Nội, Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI) phối hợp với Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển Nguồn nhân lực (Aus4skills) tổ chức hội thảo trực tuyến “Tăng cường đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập CPTPP và RCEP”. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về dự án FDI Úc đầu tư tại Việt Nam và hiệu quả kết nối giữa các DN 2 bên. Đồng thời chia sẻ những đánh giá, kỳ vọng của nhà đầu tư Úc về môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam và những khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư Úc vào Việt Nam thời gian tới.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến tháng 11-2021, Úc có 545 dự án đầu tư, tổng vốn 1,94 tỉ USD, chỉ chiếm 0,5% tổng vốn FDI tại Việt Nam. Tuy còn rất khiêm tốn, nhưng đầu tư trực tiếp từ Úc vào Việt Nam dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, cho biết, hiện tại giữa Việt Nam và Úc đang có 3 FTA chung; trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) với nhiều cam kết đáng kể của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư Úc. Trong 1 thập kỷ qua, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc có bước phát triển đáng kể. Từ 4,6 tỉ USD năm 2011 tăng lên 8,3 tỉ USD 2020 và Úc là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Việt Nam. Mức độ liên kết giữa DN Úc và DN Việt cũng chặt chẽ hơn. Úc là 1 trong số ít các quốc gia có đầu tư lớn vào nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, DN Úc cũng quan ngại về vấn đề thủ tục bảo vệ môi trường, tuyển dụng lao động cấp cao… còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Charles Thursby-Pelham, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cũng cho biết Việt Nam và Úc vừa chính thức công bố Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế Úc - Việt Nam với mục tiêu đưa hai nước trở thành những đối tác thương mại tốp 10 của nhau và tăng gấp đôi đầu tư song phương trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa được những cơ hội trên, trước tiên Việt Nam cần tìm hiểu và giải quyết triệt để những vấn đề đang là rào cản với các DN Úc.  

Úc hiện là quốc gia có mức đầu tư ra nước ngoài đứng thứ 15 toàn cầu, nhưng mức đầu tư vào khối ASEAN chưa nhiều. Ông Simon Pugh, Chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (AusCham) cũng khẳng định dù mức đầu tư hiện tại của nhà đầu tư Úc tại Việt Nam còn khiêm tốn. Song, Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế Úc - Việt Nam sẽ giúp cả hai quốc gia tận dung các cơ hội thị trường mới nổi về năng lượng và nền kinh tế xanh, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi hậu COVID-19. Cùng với đó, việc dựa trên các quy tắc hệ thống thương mại toàn cầu làm cơ sở cho thương mại quốc tế mở và hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức kinh tế và vấn đề thực tiễn của các sức ép kinh tế. Đồng thời những sáng kiến thương mại song phương sẽ tăng cường liên kết thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực then chốt giữa 2 nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Gỡ các nút thắt để hiểu nhau hơn

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của chuyên gia đến từ Úc cũng nêu ra rằng, DN Úc còn ngại đầu tư vào Việt Nam, do những hạn chế về hạ tầng cơ sở, thủ tục hành chính phiền hà, hệ thống thuế phức tạp, phát sinh nhiều chi phí không chính thức… Theo TS Uwe Kaufmann, Giảng viên cao cấp của Viện Kinh doanh Úc, để có thể giải quyết được các vấn đề trên, Việt Nam cần cải cách toàn diện khu vực công, thường xuyên rà soát quy định pháp luật trong nước, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm nhà đầu tư Úc.

Theo khảo sát của VCCI, tác động của dịch COVID-19 đối với DN Úc đầu tư tại Việt Nam nhẹ hơn tại một số nước trong khu vực ASEAN. Về kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới, dù DN Úc thận trọng hơn một số nền kinh tế đang có vốn FDI tại Việt Nam, nhưng với 3 FTA mà 2 bên cùng là thành viên sẽ tạo cơ hội thấu hiểu nhau, tiến tới hợp tác sâu rộng hơn.

Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp thì rủi ro trong đầu tư, cạnh tranh giữa các quốc gia… đều ảnh hưởng đến các nhà đầu tư. Mặt khác, gián đoạn của chuỗi cung ứng trong đại dịch vừa qua và dự báo sẽ kéo dài đến hết quý II-2022 sẽ tác động mạnh đến các DN hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu. Vì vậy, cần quan tâm đến các giải pháp nhằm hạn chế sự đứt gãy chuỗi cung ứng nói chung và trong đó có hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng.

Một số điểm nhấn FDI Úc đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: G.B.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong các chính sách thu hút và hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, Việt Nam có thể tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế và công nghệ số, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến đầu tư, đồng thời nghiên cứu cách tiếp cận mở phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài. Một vấn đề khác là xu hướng phục hồi xanh, có nghĩa là các hoạt động kinh tế cần đảm bảo thân thiện với môi trường, không đánh đổi tăng trưởng kinh tế nữa, mà thay vào đó là mô hình kinh tế mới, mô hình kinh tế tuần hoàn... Quá trình phục hồi kinh tế sau COVID-19 chính là quá trình phục hồi xanh.  

Về các giải pháp thu hút đầu tư của Úc vào Việt Nam, bà Phùng Thị Lan Phương, Trung tâm WTO và Hội nhập đề xuất các sáng kiến tăng cường kết nối giữa các DN FDI Úc với các đối tác nội địa Việt Nam. Thực tế cho thấy nhiều dự án đầu tư của Úc tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tạo ra những hiệu ứng kết nối tích cực với các đối tác trong nước. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất của các DN Úc đã trở thành kiểu mẫu cho các DN trong nước học hỏi, đồng thời cũng giúp nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân và người lao động địa phương. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương của Việt Nam cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy và gia tăng hiệu quả của những kết nối này.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết