Việc Non nước Cao Bằng ngày 12/4 chính thức được công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO sẽ mở ra những cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng, một tỉnh nghèo vùng miền núi phía Bắc Việt Nam, đặc biệt qua nguồn du lịch sinh thái, văn hóa và cộng đồng.
Cùng với Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng sẽ trở thành một hình tượng mới quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự buổi họp của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thuộc UNESCO. Ảnh: TTXVN
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Cao Bằng xác định du lịch là mũi nhọn phát triển kinh tế. Với sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, tỉnh đã xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng, trong đó thiết lập ba tuyến du lịch khám phá, còn gọi là ba “tuyến đường trải nghiệm”. Tỉnh đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực du lịch địa phương để khai thác có hiệu quả di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học.
Ba “tuyến đường trải nghiệm” sẽ cho du khách cơ hội khám phá một phần Non nước Cao Bằng cũng như cuộc sống của người dân bản địa. Từng tuyến đều có thể đi về trong ngày, hoặc lâu hơn nếu có thời gian, và chắc chắn sẽ đem lại những trải nghiệm độc đáo và không thể nào quên về Công viên địa chất toàn cầu này.
Non Nước Cao Bằng là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: TTXVN
Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay
Tuyến tham quan “Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay” theo hướng tây, với các điểm dừng chân như: Di chỉ đại dương cổ, đồn Khai Phắt, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, vonfram Lũng Mười và Bản Ổ, trang trại cá hồi Phia Đén, đồn điền chè Kolia và trọng tâm là Vườn quốc gia Phia Oắc- Phia Đén và Di tích quốc gia đặc biệt khu rừng Trần Hưng Đạo.
Du khách sẽ có dịp trải nghiệm những bản sắc văn hóa, những sản vật địa phương của đồng bào dân tộc.
Khởi từ sự hình thành một đại dương mới trên nền lục địa cổ cách ngày nay khoảng chừng 250 triệu năm, vùng đất này sau đó đã chứng kiến các hoạt động magma rộng khắp, với các lò “hỏa diệm sơn” mãnh liệt nhưng âm ỉ sâu trong lòng đất cách ngày nay khoảng chừng 85-95 triệu năm, gây ra những biến đổi mãnh liệt trong các tầng đá vây quanh. Đặc biệt là ở những pha cuối cùng, lò magma giầu chất bốc lại càng gây ra những biến đổi mãnh liệt hơn, trong đó có sự hình thành nhiều loại khoáng sản quý hiếm, có giá trị.
Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, xứng đáng là những di sản địa chất đặc sắc. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Các vận động tạo núi sau này đã khiến vùng núi Phia Oắc nổi lên rất cao, trở thành một trong những nơi có địa hình cao nhất ở tỉnh Cao Bằng. Nét đặc biệt đó đã tạo nên những tiểu vùng khí hậu khác nhau từ chân lên đỉnh núi, khiến cho thảm thực vật theo đó cũng thay đổi vô cùng đa dạng và phong phú, với các hệ sinh thái đặc hữu như rừng rêu, rừng lùn... Khoáng sản và khí hậu sau này chính là những nguồn tài nguyên hấp dẫn người Pháp tới đây khám phá, khai thác, tạo nên những thay đổi lớn trong đời sống ở khu vực này.
Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng xứng đáng là di sản địa chất đặc sắc với các hóa thạch, trầm tích biển, cảnh quan đá vôi... Ảnh: TTXVN
“Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay” còn là cơ hội để giới thiệu với du khách Di tích quốc gia đặc biệt khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng lừng danh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, ngày 22/12/1944 đã cùng 34 chiến sỹ hình thành nên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đội quân nhỏ bé ngày đó đã ngày càng lớn mạnh, làm nên những chiến công hiển hách, tạo ra những thay đổi to lớn không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà còn cả phong trào cách mạng thế giới.
“Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay” bên cạnh đó cũng là cơ hội để du khách có dịp trải nghiệm những bản sắc văn hóa, những sản vật địa phương của đồng bào dân tộc Dao, những giá trị trải qua bao biến cố dường như vẫn chẳng hề thay đổi.
Hành trình "Trở về nguồn cội"
Tuyến tham quan “Trở về nguồn cội” từ Thành phố Cao Bằng ngược lên phía bắc, với các điểm dừng chân như: Đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá, cảnh quan karst Kéo Yên, di chỉ hoạt động của đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên và trọng tâm là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn quãng đời hoạt động cách mạng 1941-1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn chuyên gia thẩm định của UNESCO trong tuyến tham quan “Trở về nguồn cội”
Không chỉ vậy, tuyến hành trình này cũng đầy ắp các di tích lịch sử khác, như di tích thành Bản Phủ, di tích thành Nà Lữ cùng đền Vua Lê, di tích đền thờ Nùng Chí Cao, di tích lịch sử cách mạng mộ Kim Đồng... Du khách còn có cơ hội trải nghiệm những đồng lúa thẳng cánh cò bay ngỡ như đâu đó ở châu thổ sông Hồng hoặc sông Cửu Long, thung lũng đứt gãy Cao Bằng-Tiên Yên nổi tiếng, địa hình karst trẻ dạng dãy, hang Pác Bó...
Cùng với các món ẩm thực đặc sắc, các làng nghề thổ cẩm truyền thống Đào Ngạn và Phù Ngọc, tuyến du lịch “Trở về nguồn cội” được thiết kế với thời lượng một ngày sẽ là lựa chọn đầu tiên của du khách khi đến với Cao Bằng.
Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ xở thần tiên
Du khách sẽ được tận hưởng những giây phút thú vị ở "xứ sở thần tiên".
Tuyến tham quan “Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ sở thần tiên” về phía Đông thực sự sẽ là điểm nhấn đối với du khách khi đến với Non nước Cao Bằng. Bên cạnh cảnh quan karst trưởng thành và già đặc sắc, như quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, “sơn thần nhãn” cùng hàng chục điểm hóa thạch cổ sinh, di sản địa chất khác, du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống như làng rèn Phúc Sen, làng đá Khuổi Ky, làng hương Phja Thắp, làng bánh khảo Cáp Tao, Phi Hải.
Vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thác Bản Giốc, Cao Bằng, luôn hấp dẫn du khách gần xa
Hàng chục lễ hội dân gian chào đón du khách như pháo hoa Quảng Uyên, Nàng Hai Phục Hòa, Lồng Tồng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ... để mở mùa gieo trồng mới, các trang phục truyền thống của dân tộc Tày, Nùng cùng các món ẩm thực như thịt lợn ướp bột gạo chua, lạp xường hun khói, thịt nướng, chả cuốn, vịt quay, lợn sữa quay nhồi lá mác mật vàng rộm. Hoặc các món ăn được khéo léo kết hợp nguồn gia vị thực phẩm phong phú sẵn có của núi rừng đặc sắc như ong đất xào măng, lẩu cá chua, xôi trám đen, rêu đá Tầu Quầy xào.
Cuộc sống thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây, non nước sẽ khiến du khách muốn sống chậm lại để thư thả tận hưởng những giây phút thanh thản quý giá, hiếm hoi. Ngôi chùa lớn “Phật tích Trúc lâm Bản Giốc” cùng hệ thống khu nghỉ dưỡng cao cấp Sài Gòn-Bản Giốc sẽ góp phần làm giàu thêm kho trải nghiệm của du khách cả về tâm linh lẫn vật chất.
Theo TTXVN