30/05/2021 - 12:38

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp từ các FTA 

Tính đến tháng 5-2021, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương, đơn phương với các quốc gia trên thế giới; trong đó 14 FTA đã có hiệu lực. Các FTA được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, tạo môi trường cạnh tranh tốt hơn cho doanh nghiệp (DN). Mới đây, dựa trên kết quả khảo sát DN thực hiện trong tháng 8 đến tháng 10-2020, Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã đưa ra báo cáo “Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp”. Báo cáo đã phản ánh đa chiều về góc nhìn của DN trước các cơ hội, thách thức khi thực thi Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các FTA khác.

Theo kết quả khảo sát của VCCI, có 308 DN phản hồi thông tin (DN tư nhân chiếm 61,69%, DN vốn nhà nước 3,57%, DN vốn nước ngoài gần 30%...) thì 51% DN cho rằng CPTPP có tác động tương đối hoặc rất tích cực với hoạt động kinh doanh của mình. CPTPP nằm trong tốp 3 FTA có tỷ lệ DN đánh giá có tác động tích cực nhất và cũng cho thấy DN rất chào đón hiệp định này. Tuy nhiên, mới có 24,7% DN cho biết đã từng hưởng các lợi ích từ CPTPP và đa phần hưởng lợi đó là ưu đãi thuế quan (55% DN hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan xuất khẩu hàng hóa sang các nước CPTPP, 42% DN hưởng lợi thuế nhập khẩu hàng hóa từ các đối tác này)…

Kết quả khảo sát cũng phản ánh, CPTPP mang lại nhiều khách hàng mới cho DN. Cảm nhận rõ nhất của DN chính là vấn đề hoàn thiện thể chế (sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật), cải cách thủ tục hành chính, tính minh bạch… để thực thi các cam kết CPTPP và các FTA đã mang lại cho DN nhiều lợi ích. Hiệp định mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh, DN bắt đầu chú ý hơn đến bảo hộ, sở hữu trí tuệ, thương hiệu… đây vốn là điểm yếu của DN Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ðể tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP và các FTA, có tới 73% DN trả lời khảo sát khẳng định đã, đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng cơ hội này. Ðiều này cho thấy DN đang rất lạc quan về tương lai và chấp nhận đương đầu với các thách thức cạnh tranh từ bên ngoài.

Theo Bộ Công Thương, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA đạt 52,76 tỉ USD, chiếm 33,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có ký kết các FTA. Có thể nói, năm 2020 dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhiều DN vẫn tận dụng tốt các cơ hội thị trường. Và kết quả khảo sát cũng khẳng định sự kỳ vọng của DN vào hiệp định, với 60% DN tin rằng CPTPP và các FTA sẽ giúp ích cho họ trong giai đoạn “bình thường mới”. Mặc dù khối tư nhân trong nước vẫn biết rõ năng lực của mình khi cạnh tranh trong thị trường lớn, nhưng tâm thế sẵn sàng cạnh tranh và sẵn sàng hợp tác cho thấy DN đã chín chắn hơn khi nhìn vào tương lai các FTA.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết