07/02/2017 - 20:45

Cơ hội để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu

TP Cần Thơ là một trong 3 thành phố của Việt Nam (TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) được xem xét tham gia Chương trình khu vực về tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở các đô thị (gọi tắt là Chương trình khu vực). Cơ hội nào cho Cần Thơ trở thành một trong những thành phố thành viên Chương trình này?

Chương trình khu vực là gì?

 Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh trao quà cho các chuyên gia của UNDP nhân chuyến công tác tại TP Cần Thơ.

Bà Olga Chepelianskaia, Chuyên gia tư vấn vùng của UNDP, cho biết: Những nguy cơ mới nảy sinh như biến đổi khí hậu (BĐKH), cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường… đang đe dọa ảnh hưởng tới tính bền vững của quá trình phát triển ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác. UNDP đã xác định những nguy cơ này và xây dựng những giải pháp cụ thể phù hợp trong các lĩnh vực hỗ trợ chính bao gồm BĐKH và tăng trưởng xanh, hiệu suất sử dụng năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai… Từ tháng 10-2016, UNDP đưa việc hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH ở các đô thị là một trong các hoạt động chính.

Chương trình khu vực do Văn phòng Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của UNDP tại Bangkok (Thái Lan) đang tiến hành xây dựng. Nguyên tắc của Chương trình là dựa vào những thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của UNDP trong hỗ trợ: kỹ thuật, tiếp cận tài chính... Tuy nhiên, những hỗ trợ này không thể trùng lắp, chồng chéo với các chương trình, dự án mà các tổ chức khác đã và đang hỗ trợ. Dự kiến, Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Malaysia và Thái Lan là các quốc gia được xác định dự kiến tham gia. Tại Việt Nam, Chương trình sẽ làm việc, tìm các cơ hội hỗ trợ 3 thành phố (Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ) thực hiện các hoạt động tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH.

Chương trình khu vực gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Các chuyên gia của UNDP thu thập, tổng hợp thông tin, tiếp thu những nhu cầu từ các đối tác tiềm năng; gợi mở cho những định hướng của Chương trình. Trên cơ sở thông tin thu thập, dựa vào những khuyến nghị của địa phương, chuyên gia tư vấn của UNDP tổng hợp và có báo cáo tổng quan, kết luận đầu tiên (giai đoạn 2). Kết luận có những giải pháp cho các thách thức cũng như nhu cầu đã được các địa phương phản ánh trong chuyến công tác. Giai đoạn này, chuyên gia UNDP (chủ yếu là chuyên gia trong nước) làm việc với cán bộ chuyên môn, đầu mối kỹ thuật, các địa phương để phân tích, đánh giá dữ liệu ban đầu. Đồng thời tiếp tục bổ sung những vấn đề cần thiết khác để hoàn thiện thiết kế Chương trình tổng hợp. "Khi có được dự thảo đầu tiên, chúng tôi sẽ chia sẻ, đề xuất phiên bản thứ nhất để lắng nghe ý kiến phản hồi từ địa phương về giải pháp, biện pháp hợp tác và tiến hành điều chỉnh nếu cần thiết. Chương trình khu vực chính thức ban hành cũng là kết thúc giai đoạn 3. Sau giai đoạn này sẽ chuyển sang quá trình triển khai thực hiện: hoàn thiện cách thức tổ chức các hoạt động hợp tác giữa các bên có liên quan. Cụ thể hơn là thực hiện các giải pháp hỗ trợ của UNDP với địa phương. Dự kiến sau khi hoàn thành 3 giai đoạn, UNDP sẽ tổ chức hội thảo ở Bangkok (Thái Lan). Tại đây, chúng tôi sẽ có báo cáo đề xuất chính thức cho Chương trình khu vực, cập nhật các nội dung liên quan, các hợp phần, như: nguồn tài chính, các dự án tiềm năng – tương quan đến nguồn tài chính mà UNDP đề xuất" - bà Olga Chepelianskaia cho biết.

Gợi mở cơ hội

TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, những tiềm năng, lợi thế này đã và đang phát triển không bền vững trước diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai; đặc biệt là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân. Trong khi đó, năng lực ứng phó và thích ứng trước BĐKH của TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tại buổi làm việc với nhóm chuyên gia của UNDP mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, nhấn mạnh: TP Cần Thơ rất cần và có nhu cầu tham gia Chương trình khu vực. TP Cần Thơ mong muốn được hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn. Chiến lược này có lồng ghép chương trình chống chịu, thích ứng, ứng phó với BĐKH; giải quyết việc làm; có các giải pháp khả thi trong huy động nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực tài chính và phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thành phố cũng mong muốn được hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn trong quản lý, tham mưu đề xuất các giải pháp, hoạch định kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của thành phố trước những tác động tiêu cực của BĐKH.

Theo ông Marcin Szpak, Chuyên gia tư vấn tài chính của UNDP, ông thống nhất cách tiếp cận tổng hợp cả cấp chiến lược với các biện pháp cụ thể mà TP Cần Thơ đã đưa ra. Đặc biệt, ông đề cao vai trò của thành phố trong nhu cầu đào tạo, nâng cao trình độ của cán bộ trong việc quản lý, triển khai các giải pháp thích ứng, chống chịu với BĐKH. Thời gian tới, xây dựng bộ khung cho Chương trình khu vực, UNDP có thể tham gia cùng thành phố cập nhật các nội dung chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Những nội dung về khả năng chống chịu của thành phố trước BĐKH sẽ được lồng ghép một cách đầy đủ nhưng đồng thời cũng được gắn kết một cách hợp lý với những mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Song song đó, UNDP giúp thành phố xây dựng các kế hoạch tài chính trung hạn để đảm bảo các chiến lược phải được hiện thực hóa. UNDP sẽ cùng thành phố xác định ra 1 hoặc 2 dự án trong số các dự án ưu tiên để cùng thực hiện theo phương châm "vừa làm, vừa học". Theo đó, UNDP hỗ trợ kỹ thuật trong xác định và lập dự án; hỗ trợ toàn diện về mặt kỹ thuật nhằm đảm bảo địa phương biết cách lồng ghép các giải pháp chống chịu, ứng phó BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển. Kết quả này sẽ là bài học kinh nghiệm để thành phố có khả năng "tự vận động" trong các chương trình, dự án sau này. "UNDP sẽ là cầu nối để thành phố có thể tiếp cận được các nguồn lực cần thiết, nhất là các nhà đầu tư, các nguồn tài chính tiềm năng. Từ Chương trình Khu vực, có thể kết nối thành phố với những đô thị có khả năng phát triển, với các tổ chức nghiên cứu trên thế giới để không chỉ hỗ trợ mà còn là học hỏi, chia sẻ nhất là từ những giải pháp tăng cường khả năng chống chịu cho thành phố và bạn bè quốc tế" - ông Marcin Szpak kỳ vọng. 

Bà Olga Chepelianskaia, Chuyên gia tư vấn vùng của UNDP, cho biết: Một trong các đối tác tài chính quan trọng của UNDP mong muốn tập khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đầu tư vào những dự án hạ tầng, tăng cường chống chịu BĐKH. Bởi lực lượng này có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, cần trang bị kiến thức để đội ngũ này am hiểu, từ đó có nhận thức đúng đắn và cùng thành phố thực hiện các giải pháp chống chịu với BĐKH. Đây cũng là một “hướng mở” trong điều kiện nguồn lực tài chính của nhà nước đầu tư cho khả năng chống chịu của đô thị trước BĐKH còn nhiều khó khăn.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết