05/10/2014 - 16:17

CỜ ĐỎ: Cải thiện thu nhập nông hộ từ sản xuất đa canh

Thời gian qua, để giải bài toán tăng thu nhập cho nông dân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã tập trung hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Thế độc canh cây lúa dần được xóa bỏ, nhiều hộ dân đã có điều kiện tăng thu nhập nhờ vào đa dạng hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp…

Cải thiện thu nhập

Hằng năm, huyện Cờ Đỏ có diện tích gieo trồng lúa trên dưới 66.000ha. Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung phát triển lúa gạo theo hướng chất lượng cao gắn với các mô hình "cánh đồng lớn", Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ đã tích cực hỗ trợ và khuyến khích nông dân phát triển các mô hình sản xuất lúa luân canh với hoa màu và thủy sản. Song song đó, chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang chuyên canh rau màu và một số loại cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả; tranh thủ phát triển thêm nhiều hoạt động sản xuất vào thời gian nhàn rỗi trong mùa vụ. Theo Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, trong 9 tháng đầu năm 2014, ngoài diện tích gieo trồng lúa hơn 66.159 ha (vượt 4,7% kế hoạch năm), nông dân trên địa bàn huyện xuống giống rau màu hơn 3.860 ha, đạt 96,5% kế hoạch năm và có hơn 350 lượt ha chất nấm rơm. Diện tích trồng rau màu và trồng nấm rơm của huyện còn tăng trong các tháng tới để phục vụ nhu cầu lễ, Tết cuối năm. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi thủy sản của huyện hiện đạt hơn 5.834 ha, vượt 17% so với kế hoạch năm, trong đó đã thu hoạch hơn 664ha. Ngoài ra, huyện đang có tổng diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn là hơn 1.093 ha và có đàn gia súc, gia cầm hơn 357.100 con…

Bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ ấp 6, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: "Làm 1 vụ lúa trúng lắm cũng chỉ 1 tấn lúa/công, trừ đi chi phí còn lời cao lắm là 3 triệu đồng, còn trồng rau màu có thể lời gấp 2-4 lần trồng lúa, thậm chí cao hơn nếu trúng mùa trúng giá. Hiện nhiều bà con trong xã phát triển trồng rau màu có hiệu quả cao, vụ rồi, tôi quyết định chuyển hết 5 công lúa sang trồng bí đao. Kết quả thật bất ngờ, qua 1 vụ bí đao, tôi thu được hơn 100 triệu đồng, trừ đi chi phí còn lời hơn 50 triệu đồng". Trong vụ thu đông này, bà Hằng tiếp tục trồng mướp hương trên đất lúa, hiện mướp đang cho trái rộ, mỗi ngày thu hoạch được khoảng 700 kg đến 1 tấn mướp, giá bán từ 2.500-3.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Út Đực, ngụ ấp Thới Hiệp, xã Đông Thắng, cũng cho biết: "Gia đình có 5 công ruộng, lợi nhuận sau mỗi vụ lúa thường chỉ 10-15 triệu đồng, riêng trong vụ thu đông rất thấp. Những năm gần đây, tôi không sản xuất lúa thu đông nữa mà chuyển sang để lúa chét nuôi vịt hoặc thả nuôi thủy sản trên chân ruộng; đồng thời tận dụng các sông rạch gần nhà để làm vèo thả nuôi từ 1.000-2.000 con cá lóc, giúp thu nhập của gia đình tăng 2-3 lần so với trước". Theo ông Đực, chỉ với một vèo nuôi cá lóc rộng 20-25m2, thả khoảng 1.000-1.500 con cá trong 4 tháng, có thể giúp ông kiếm lời gần 10 triệu đồng. Nhờ tận dụng nguồn cá mồi đánh bắt trong tự nhiên vào mùa lũ nên hầu như không tốn nhiều chi phí tiền thức ăn cho cá. Năm nay, ông thả 1.000 con cá lóc, sau 2 tháng nuôi, cá phát triển khá tốt và đạt trọng lượng trên dưới 300g/con.

Mô hình nuôi lươn trong bồn ni lông của anh Trần Thiện Phi ở huyện Cờ Đỏ.

Trước đây, thu nhập của nhiều hộ nông dân tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ khá thấp do chủ yếu dựa vào cây lúa, nhưng diện tích đất canh tác trên nông hộ khá ít. Sau khi nhiều hộ dân ở đây liên kết với Metro Cash & Carry Việt Nam để thực hiện các mô hình nuôi lươn, ếch và cá lóc theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho siêu thị, thu nhập được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ chỉ có vài chục hộ tham gia nuôi các loại thủy sản, đến nay xã Thạnh Phú có hàng trăm hộ dân nuôi lươn, ếch và cá lóc trong vèo. Theo ông Trần Ngọc Thành, ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phú, lươn là loại vật nuôi cho lợi nhuận hấp dẫn do giá bán lươn trên thị trường luôn ổn định ở mức cao từ 130.000-150.000 đồng/kg lươn loại 1 (170-200g/con). Do có thể tận dụng các nguồn con giống, thức ăn đánh bắt được trong tự nhiên như cua, ốc để nuôi lươn và tận dụng các khoảng đất trống quanh nhà để làm các bồn ni lông thả nuôi nên giảm được nhiều chi phí. Sau khoảng 7-9 tháng nuôi, nông dân có thể thu được lợi nhuận từ 10-20 triệu đồng/20 m2, với số lượng thả nuôi lươn giống từ 1.000-1.500 con.

Tiếp tục phát huy các mô hình hiệu quả

Chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang các mô hình sản xuất luân canh 2 lúa-1 thủy sản, 2lúa-1 màu, 1 lúa-2 màu hoặc trồng màu kết hợp cây ăn trái hay chuyên canh trồng màu… đã giúp thu nhập nhiều hộ dân tăng cao. Đặc biệt, trong thời gian nhàn rỗi mùa vụ, nhiều hộ dân còn có điều kiện nâng cao thu nhập nhờ phát triển các mô hình nuôi lươn trong bồn ni lông, nuôi ếch và cá lóc trong vèo, trồng nấm… Riêng đối với những hộ dân sản xuất lúa tham gia các mô hình "cánh đồng lớn" và các mô hình liên kết làm lúa giống chất lượng cao cũng đã tăng thêm được thu nhập đáng kể so với trước nhờ giảm chi phí và bán sản phẩm được giá cao hơn. Trong vụ đông xuân 2013-2014 huyện có 12.800ha lúa sản xuất theo mô hình "cánh đồng lớn", vụ hè thu 2014 là 12.250ha và vụ thu đông này hơn 5.260ha. Trong khi đó, mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng 1.000 lượt ha sản xuất lúa giống và huyện đang tiếp tục có kế hoạch nhân rộng diện tích này lên thông qua việc tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và kết nối nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Ông Đỗ Xuân Phúc, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã khẳng định được hiệu quả, gần đây trên địa bàn huyện cũng xuất hiện thêm nhiều mô hình mới có triển vọng như: mô hình trồng nấm bào ngư, trồng hoa kiểng, nuôi rắn… Ngành nông nghiệp huyện đang tích cực rà soát, đánh giá các ưu điểm, hạn chế của các mô hình để có giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp tục phát triển và nhân rộng trong thời gian tới". Thực tế cho thấy, nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả rất tốt và đang được huyện quan tâm hướng dẫn nông dân tiếp tục nhân rộng.

Thời gian qua, nhiều vùng đất gò cao tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trồng các loại rau màu, nấm rơm do khu vực này có hệ thống đê bao khá tốt và có điều kiện giao thông thủy và bộ thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tại nhiều nơi ở xã Thới Hưng và các xã khác như: Đông Hiệp, Đông Thắng, Thạnh Phú… cũng có nhiều thuận lợi trong phát triển rau màu vụ hè thu và nuôi thủy sản, nhất là trong mùa lũ và đã được nhiều hộ dân khai thác để cải thiện thu nhập gia đình. Trong đó, đáng chú ý là các mô hình nông dân liên kết với Metro Cash & Carry Việt Nam để nuôi lươn, ếch và cá lóc và được siêu thị này bao tiêu đầu ra. Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, hiện có 177 hộ dân tại xã Thạnh Phú tham gia nuôi 119 bồn lươn, 180 vèo ếch và 164 vèo cá lóc cung ứng sản phẩm cho Metro Cash & Carry Việt Nam. Để nâng cao hơn hiệu quả sản xuất, các hộ dân liên kết với nhau thành lập tổ hợp tác sản xuất và đang xúc tiến nâng lên thành hợp tác xã.

Có thể khẳng định, hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng huyện và nỗ lực tìm tòi học hỏi của từng hộ dân đã giúp những mô hình sản xuất nông nghiệp đa canh phát triển hiệu quả. Vừa qua, anh Trần Thiện Phi- nông dân nuôi lươn tại xã Thạnh Phú đã tự sản xuất được 100.000 con lươn giống đầu tiên. Thành công của anh Phi không chỉ giúp anh có điều kiện nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn mở ra nhiều triển vọng cho việc phát triển nghề nuôi lươn thịt tại địa phương do không còn phụ thuộc vào nguồn lươn giống đánh bắt trong tự nhiên vốn ngày càng hạn chế. "Cùng với việc phát triển sản xuất con giống, tới đây nếu các hộ dân nuôi lươn trên địa bàn huyện được hỗ trợ kịp thời trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, thì mô hình này sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển"- anh Trần Thiện Phi cho biết.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết