22/07/2009 - 20:02

Chuyện về những người có khả năng kỳ lạ
Kỳ 3: “Quái kiệt” không chân nhảy hip hop

Có lẽ dân chơi hip hop cả nước không còn lạ gì Nguyễn Thành Trung, một nghệ sĩ biểu diễn hip hop tài ba bị liệt đôi chân với biệt danh “quái kiệt”. Trung hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hip hop Sao Phương Nam, thành viên Ban chủ nhiệm Nhà Văn hóa trung tâm (NVHTT) thuộc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ. Không chỉ nổi tiếng ở sự sáng tạo, biểu diễn những chiêu thức đẹp, độc đáo, mà nghị lực vươn lên từ tật nguyền của Trung đã làm xúc động bao người. Đôi chân tật nguyền, Trung đã vào đời bằng đôi tay khéo léo và một trái tim khát khao sống đẹp.

Tuổi thơ bất hạnh

Trên con đường xanh mát bóng cây, chúng tôi đến nhà Nguyễn Thành Trung ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Đó là căn nhà nhỏ nép mình bên những tán lá bàng xanh mướt, trước mặt là con sông Cái Răng đỏ ngầu phù sa. Có lẽ không khí trong lành nơi đây đã hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ nơi Trung: nhảy, đàn, hát đều hay. Gương mặt thanh tú, nụ cười rất duyên của Trung làm bừng sáng một góc phòng giản dị.

Nguyễn Thành Trung biểu diễn thế giữ thăng bằng một tay.

Nhớ về quãng đời đã qua, Trung kể mà rưng rưng nước mắt. Làm sao nói hết những đắng cay, tủi nhục của đứa trẻ tật nguyền nếm trải, để từng bước gầy dựng tên tuổi, trở thành một tay nhảy hip hop chuyên nghiệp nổi tiếng cả nước. Trung cho tôi xem bàn tay chai sần, thô ráp, đầy những cục u. Bàn tay đã một thời gánh vác việc gia đình, thay đôi chân đưa Trung vào đời. Giờ bàn tay ấy đang vẽ nên một trang đời mới để kết nối Trung với bạn bè cả nước, là bài học vươn lên, chiến thắng số phận nghiệt ngã cho nhiều người trót mang cảnh tật nguyền. Nói chuyện đời, chuyện nghề, Trung tự nhủ sẽ còn cố gắng vươn xa hơn nữa để tạo dựng sự nghiệp và phát triển môn nhảy hip hop đang có dấu hiệu phát triển tốt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ, mẹ Trung, kể: “Ngày xưa, Trung rất hiếu động, 12 tháng tuổi đã đi rành. Hai năm sau, một cơn sốt bại liệt đã khiến đôi chân Trung bị liệt vĩnh viễn. Trung khóc suốt ngày, cứ đánh vào chân vì nó không chịu đi theo ý mình”. Ngày nào Trung cũng ra ngồi trước cửa nhà nhìn các bạn chạy nhảy vui đùa, cắp sách đến trường. Buồn, Trung lượm lá cây giả làm thuyền thả sông, gởi vào đó bao ước mơ tuổi nhỏ. Trung nhờ người tập bơi và bơi rất giỏi. Khi Trung 6 tuổi, mẹ có thêm em bé, Trung có nhiệm vụ giữ em và phụ mẹ việc vặt. Thấy không thể mãi quẩn quanh trong nhà, Trung nài nỉ cha cho đi học. 8 tuổi, Trung mới vào lớp 1, được bạn cùng xóm thay nhau cõng đến trường.

Thời gian này, ban ngày đi học, ban đêm Trung theo cha đi đóng đáy, kiếm cá đổi gạo. Năm học lớp 7, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Trung đành gác lại giấc mơ đến trường. 14 tuổi, cậu bé tật nguyền thay cha cáng đáng công việc mưu sinh nặng nhọc trên sông nước suốt 5 năm dài. Người bình thường có đôi chân làm điểm tựa, dùng sức toàn thân để kéo cá; còn Trung, phải dùng ngực tỳ xuống mạn ghe để kéo. Không biết Trung té xuống sông bao nhiêu lần, ngực lúc nào cũng đầy những vết trầy xước, bầm tím. Trung thổn thức nhớ lại quãng thời gian đầy nước mắt: “Khổ nhất là những đêm mưa trên chiếc ghe rách nát, trời tối mịt, gió thổi tứ bề, em phải quấn ni lông cho đỡ lạnh. Nghĩ tới bản thân tật nguyền, nhà nghèo, không làm được việc gì ra hồn, em tủi thân lắm, có lúc muốn chết cho rồi. Nhưng nhớ tới mẹ giờ này ở nhà cũng chống chọi với bao khó khăn, nợ nần tứ giăng, em trai còn nhỏ dại, em như được tiếp thêm sức mạnh, không còn suy nghĩ tiêu cực nữa”. Trong những lúc một mình trên sông nước, Trung gởi nỗi lòng vào những điệu nhạc buồn và mày mò học đàn. 17 tuổi, Trung có thêm nghề đi hát đám cưới kiếm tiền. Trung còn biết sửa điện nước, có khi chui xuống giếng hàng mấy tiếng đồng hồ để sửa máy bơm. Sự nỗ lực vượt qua số phận nghiệt ngã của Trung làm nhiều người cơ thể lành lặn phải nể phục.

Thấy đóng đáy cực, nguy hiểm, mẹ kêu Trung ở nhà phụ bán quán. Không bưng bê cho khách được, Trung đảm nhận phần rửa ly, pha chế. Khi Trung 20 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất đời người thì Trung sống trong sự chán nản, tuyệt vọng, dù từ trước đến nay Trung vẫn là người con giỏi giang, đóng góp không nhỏ cho kinh tế gia đình... Trung tự nhủ: “Phải tạo dựng cuộc sống riêng cho mình, có nghề nghiệp ổn định, không thể bám mãi vào cha mẹ. Phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa để hòa nhập tốt với cộng đồng”.

Mở sang trang đời mới

Mấy chục năm nay, vật bất ly thân của Trung là đôi dép. Khi Trung ngồi, đôi dép xỏ vào chân, khi Trung di chuyển, đôi dép được mang vào tay. Có thời gian, Trung dùng xe lăn, gậy nhưng thấy bất tiện, nên thôi.

Giữa năm 2003, một bước ngoặt đã làm thay đổi cuộc đời Trung. Trong một lần theo bạn lên TP Hồ Chí Minh chơi, đi ngang một nhà văn hóa, thấy một nhóm bạn trẻ đang nhảy múa theo điệu nhạc sôi động rất vui. Hỏi thăm mới biết các bạn đang chơi hip hop. Trung về nhà, những điệu nhảy đó cứ theo Trung, cả trong lúc làm việc, lúc ngủ và Trung nghĩ, hầu hết các động tác sử dụng tay rất nhiều, sao mình không thử tập được như các bạn nhỉ! Nghĩ là làm, Trung đi lùng mua đĩa hip hop về coi và quyết tâm tập theo cho bằng được. Bị liệt, di chuyển đã khó nói gì đến tập một loại hình nghệ thuật quá phức tạp, phải sử dụng tất cả các bộ phận của cơ thể, nhưng Trung vẫn kiên trì, tự tập một mình mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ. Nhìn con bị những cú ngã ngừng thở tưởng chết, mình mẩy trầy xước, cha Trung cản không cho tập nữa. Với quyết tâm, niềm đam mê mãnh liệt của mình, cuối cùng Trung thuyết phục được cha. 2 năm ròng rã, Trung đã tập được các khớp dẻo, nhảy nhuần nhuyễn, làm được nhiều động tác khó như xoắn đầu, trồng cây chuối một tay, vừa trồng chuối vừa búng, hít đất, đá ngựa kép... Trung cắt ghép nhạc, sáng tạo thêm những chiêu thức, bài nhảy độc đáo với những động tác mới phù hợp với sự khiếm khuyết của cơ thể. Thế nên, mỗi khi biểu diễn, Trung luôn nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. Lúc đó, nhóm hip hop AAT ở Cần Thơ biết tiếng, mời Trung tham gia. Năm 2006, Nhà Văn hóa trung tâm TP Cần Thơ mời nhóm về hoạt động, đổi tên thành CLB Sao Phương Nam, Trung được các bạn tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm cho đến bây giờ.

Nói về Nguyễn Thành Trung, ông Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, cho biết: “Trung là một chàng trai cần cù, ham học hỏi, rất có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật, giỏi nhưng không kiêu căng. Trung có ý chí rất cao, đã vượt lên hoàn cảnh tật nguyền, tạo dựng được một sự nghiệp mà không phải ai cũng làm được. Điều đáng quý là Trung luôn biết san sẻ những gì mình có với người khác bằng cách nhiệt tình truyền nghề, nhiều lần tham gia diễn gây quỹ giúp đỡ cho những số phận đồng cảnh ngộ, trẻ em nghèo”. Cảm phục ý chí, nghị lực vươn lên cũng như tài năng của chàng trai trẻ khuyết tật, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã làm Chương trình về Trung trong “Câu chuyện ước mơ” gây xúc động bao trái tim đồng cảm. Nhiều tỉnh, thành khác trong nước cũng mời Trung đến biểu diễn. Rất nhiều giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Hội Người khuyết tật... gởi tặng, chứng nhận sự đóng góp của Trung trong loại hình nghệ thuật rất kén người này. Trong những năm theo nghề, Trung cũng đã gặt hái không ít thành tích ở các kỳ thi biểu diễn hip hop. Đặc biệt, nhiều người biết đến Trung hơn qua cảnh trích thi 2 phút trong Chương trình “Bệ phóng tài năng” do VTC9 tổ chức vào đầu năm 2009, Trung xuất sắc đoạt giải nhất. Điều Trung mong mỏi nhất hiện nay là CLB có thêm kinh phí để Trung có thể cùng đồng đội tham dự những cuộc thi tổ chức ở xa, có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với những nhóm nhạc khác.

Ngày nào cũng vậy, bên ly cà phê sáng, Trung hoạch định công việc trong ngày. Mấy năm nay, nhờ sự năng động của Trung, CLB Sao Phương Nam đã đi vào hoạt động ổn định, trung bình mỗi tuần có 4 đêm diễn ở các quán bar, nhà hàng, khách sạn trong thành phố. Hiện tại, lịch làm việc của Trung đặc kín với đủ thứ việc: dạy nhảy, luyện tập, đi diễn... Trung đã tìm thấy nguồn vui trong các mối quan hệ bạn bè, công việc. Mỗi khi Trung đi diễn, ở đâu bà con cũng vây quanh hỏi thăm, bày tỏ sự thán phục. Còn Trung, không ngần ngại kể chuyện mình. Ông Nguyễn Văn Tám, cha của Trung, tự hào nói về con: “Trung là đứa con ngoan, rất có hiếu, sống tình nghĩa với xóm làng. Tôi mừng vì Trung đã vượt qua mặc cảm bản thân, tạo dựng sự nghiệp cho mình. Con đường phía trước còn nhiều chông gai nhưng tôi tin Trung sẽ vững bước”.

* * * *

Chia tay Trung, chúng tôi nhớ mãi câu nói của chàng trai khuyết tật vừa bước sang tuổi 27: “Cuộc sống đáng quý biết bao, đã sống thì phải cố gắng vươn lên, hướng thiện, học hỏi không ngừng”. Hiện Trung đang làm dự án trình Ban giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ xin hỗ trợ, để làm một chương trình biểu diễn gây quỹ cho Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ. Trong đôi mắt thẳm sâu đầy nghị lực của Trung, còn ấp ủ rất nhiều ước mơ, hoài bão...

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Kỳ 4: Người đàn ông khuyết tật đa tài

Chia sẻ bài viết