20/07/2009 - 20:29

Chuyện về những người có khả năng kỳ lạ

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trẻ trù phú, giàu sản vật. Con người ở đây hiền hòa, chất phát, yêu lao động... Trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong lao động xây dựng quê hương, người đồng bằng luôn năng động, sáng tạo. Từ trong lao động sáng tạo, thời gian qua đã xuất hiện những người tuy “chữ nghĩa chẳng bao nhiêu”, nhưng đã làm nên những chuyện thần kỳ, như dời nhà, bắc cầu treo, chế tạo máy hút bùn… mà Báo Cần Thơ đã từng giới thiệu đến bạn đọc.
Và không chỉ thế, vùng đất đồng bằng phì nhiêu này còn sản sinh ra những con người có những khả năng kỳ lạ: một người có thể lặn sâu 20 mét và ngủ hàng giờ dưới đáy biển, một người cụt cả 2 tay nhưng nổi tiếng với nghề vẽ áo dài, một ông già mù làm nghề đi biển, một chàng trai khuyết tật liệt cả đôi chân trở thành nghệ sĩ biểu diễn hip hop tài ba, một cậu bé 4 tuổi đã biết đọc biết viết, một cô bé 6 tuổi chưa qua trường lớp đào tạo có thể uốn dẻo như một nghệ sĩ xiếc...
Kể từ số báo này, Báo Cần Thơ sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc những con người có khả năng kỳ lạ ấy.

Kỳ 1: Người ngủ dưới đáy biển!

Đảo Phú Quốc có hàng tá người lặn sâu trong một thời gian dài dưới đáy biển, nhưng chỉ có Sáu Hà có được biệt tài ngủ dưới “thủy cung”. Nghe người đàn ông mập phệ nhưng rắn chắc này kể chuyện biển thật mà cứ như đùa. Thế mới biết, Phú Quốc không chỉ có du lịch…

GIẤC MƠ TẬN... “THỦY CUNG”

Với nhiều bạn lặn, đáy biển không có lạ gì. Nhưng với Sáu Hà, đáy biển là nơi anh thường tìm đến. Vùng biển Phú Quốc vốn trong lành và đa dạng sinh thái. Du khách dạo quanh một vòng các rặng san hô ven đảo không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp “mê hồn” của nó. Huống hồ chi Sáu Hà có thể lặn sâu đến khoảng 20 mét, tận mắt nhìn thấy vùng sinh thái đáy biển “đẹp như thủy cung” như cách nói của anh. Cuộc sống của anh gắn với đáy biển để tìm ốc nhảy, hải sâm, cá ngựa, mực, ghẹ... Trong cuộc mưu sinh đó, không ít lần anh thấy mình như lạc vào chốn thủy cung lộng lẫy như đã từng tưởng tượng khi nghe chuyện cổ tích thuở bé...

Nếu không cần ăn cơm hay đưa hải sản lên ghe, có lẽ Sáu Hà sống luôn dưới đáy biển. Chỉ cần cái ống hơi giắt ngang lưng để đưa vào miệng, anh có thể sinh hoạt dưới đáy biển như ở trên bờ. Quen nết từng vùng biển, anh chẳng hề sợ sệt hay có dấu hiệu bất an nào. Những lúc “lười” ngoi lên bờ, anh “ngủ quên” luôn dưới đáy biển. Có lần, suốt khoảng 4 giờ liền, bạn lặn chẳng thấy Sáu Hà ngoi lên mặt nước, ai nấy đều thấp thỏm. Một người nhanh trí, cầm ống thở của Sáu Hà giật giật. Khi đó, anh mới choàng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Nhắc lại chuyện này, Sáu Hà bảo: “Bữa đó, tui uống một ít rượu. Khi lặn xuống đáy biển, tui định ngủ một chút, ai dè ngủ quá lâu!”. Từ đó, mọi người mới biết được biệt tài “ngủ dưới thủy cung” và những giấc mơ như trẻ con của anh. Thi thoảng, trong những chuyến lặn biển của mình, Sáu Hà vẫn có những giấc ngủ ngắn khi đang làm việc. Có những lần, ngủ quên, ống thở vuột khỏi miệng, anh bị ngộp, mới phát hiện mình đang ngủ ở độ sâu 20 mét so với mặt nước biển. Cũng may, ống thở vẫn còn giắt ở lưng quần, anh chụp lấy và đưa ngay vào miệng. Tỉnh lại mà cứ như trong mơ, vì thiên nhiên dưới đáy biển xinh đẹp lại càng lung linh huyền ảo trong trạng thái vừa choàng tỉnh. Có lẽ vì thế, những giấc mơ của anh rất thật!

Anh Sáu Hà bên cô con gái út.

LẶN GIỎI NHỜ... BỊ TRẤN NƯỚC

Nghe đến đây, nhiều người nghĩ Sáu Hà “xạo” một chút cho vui nhưng lại là thật. Tuổi thơ của anh gắn với chiến tranh loạn lạc. Vùng đất Phú Quốc từng bị giày xéo dưới gót giày của Mỹ – ngụy, vì bọn chúng muốn truy quét tận gốc lực lượng cách mạng. Trong một trận càn của giặc, gia đình Sáu Hà cùng bà con chạy trốn vào rừng. Cậu bé sợ quá, khóc thét lên. Sợ bị giặc phát hiện, sát hại tất cả mọi người, cha cậu bé đã cắn răng nhấn chìm con xuống nước. Trong tình thế này, cha cậu bé không còn cách nào khác. Một lúc lâu, khi mọi người đã trốn đi hết, người mẹ kéo cậu bé lên. Thật bất ngờ, tiếng thét của cậu bé vang lên rất dữ dội: “Vú ơi, cứu con!”. Mãi khi Sáu Hà lớn lên, cha đã mất từ lâu, câu chuyện này mới được khơi lại. Nhưng trong lòng Sáu Hà, hình ảnh người cha chịu cực khổ mưu sinh lo cho gia đình vẫn in khắc trong trí nhớ của Sáu Hà. Anh không một chút oán hận cha mà hết lòng yêu quý ông...

Sáu Hà vốn dĩ rất cởi mở và hài hước nhưng khi nhắc về cha mẹ, giọng anh như trầm xuống. Cuộc sống hiện tại đã phần nào khá giả nhưng anh vẫn không quên được cuộc sống khó khăn suốt một thời gian dài đã từng trải qua. Ngày đó, đôi tay tần tảo của người cha và sự chịu thương, chịu khó của người mẹ đã nuôi anh lớn mà anh chưa báo đáp được. Hình ảnh cậu bé đu đưa sau mái chèo của cha vượt lên những ngọn sóng dập dồn vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm. Anh theo chân cha trong những cuộc mưu sinh. Đu mái chèo, sau đuôi ghe để tập bơi trong khi cha lặn mò hải sản. Lớn lên, Sáu Hà đã có thể lặn như cha. Khi đó, đời sống còn rất khó khăn. Giá cả bán hải sản cũng chẳng được bao nhiêu. Nghề lặn rất nguy hiểm, lại không có những thiết bị an toàn cho người thợ lặn. Ấy vậy mà, anh vẫn tồn tại. Trai tráng trên đảo này, nhất là ở Bãi Bổn, đều lặn rất giỏi để tìm bắt hải sản sống trong hốc đá, rặng san hô. Nghề lặn đã nuôi Sáu Hà lớn lên, rồi cưới vợ, sinh con đẻ cái cũng nhờ vào nghề này, nên Sáu Hà rất quý nghề và trân trọng nó như một thứ của hồi môn quý báu của gia đình.

SỐNG KHÔNG THỂ THIẾU BIỂN

Sáu Hà tên thật là Nguyễn Văn Hà, ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ai đã từng gặp Sáu Hà một lần thì khó mà quên được, bởi anh là một con người vui tính và đặc biệt là am hiểu tường tận từng vùng biển của Việt Nam trên vịnh Thái Lan. Có lúc, anh mập quá cỡ, trọng lượng trên 150 kg. Giờ, anh vẫn cân nặng khoảng 140 kg và đang có kế hoạch giảm cân để giữ gìn sức khỏe. Khuôn mặt điển trai và phúc hậu với nụ cười hiền, khi anh ngồi xếp bằng trông giống như Phật Di Lặc không phiền muộn. Thời thanh niên, Sáu Hà được nhiều cô nàng để ý. Kể lại chuyện này, Sáu Hà cười hể hả. Vợ anh thì liếc xéo chồng nhưng trông có vẻ hãnh diện. “May mà ông gặp tui, chứ gặp mấy cô khác thì cả nhà ông... nhấn chìm cả đảo này!”. Mọi người chưng hửng, Sáu Hà lại cười lệch lạc, bảo: “Bả muốn nói tới thân hình quá khổ của tui đó mà. Thằng con trai lớn đang nối nghiệp của tui, nặng trên 100 kg rồi. May mà bả kế hoạch sớm. Chứ không thì đẻ ra một đội su-mô thì đảo này bị chìm là cái chắc...”. Cả khách và chủ có một trận cười hả hê. Không khí gia đình Sáu Hà là thế, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười!

45 tuổi đời, Sáu Hà đã có 35 năm gắn bó với vùng biển đảo này. Từ hòn Sơn Rái, Hòn Nghệ đến Thổ Chu và Phú Quốc..., nơi nào Sáu Hà đều đã kinh qua. Nết biển của từng vùng, anh đều nắm rất rõ. Thời hoàng kim, Sáu Hà lặn mỗi ngày kiếm được 1-2 chỉ vàng. Khi đó, nguồn hải sản còn rất dồi dào. Anh có thể lặn liền 3-4 giờ nên “chiến lợi phẩm” luôn nhiều hơn bạn lặn. Còn bây giờ, Sáu Hà lắc đầu ngao ngán: “Nguồn lợi hải sản cạn kiệt nhiều rồi. Những người lặn biển nếu không tích lũy thì bây giờ khó mà có ổn định cuộc sống được. Cứ thấy cào bay, xiệp... là đau lòng. Mình sống nhờ vào biển thì phải biết giữ lấy biển. Biển còn là mình còn cuộc sống...”. Lời nói của Sáu Hà làm tôi nhớ đến dự án bảo tồn san hô cỏ biển ở vùng biển này. Các nhà khoa học và những người tâm huyết đang cố công ra sức bảo tồn gìn giữ nguồn tài sản quý giá của biển, nhưng chẳng lẽ cư dân địa phương lại hờ hững, quay lưng?!

—o0o—

Vượt qua chặng đường khá gian nan từ Bãi Bổn về Dương Đông, tôi quên cả những “ổ voi” trên con đường trơn trợt dưới cơn mưa đêm. Những trăn trở của Sáu Hà cứ quẩn quanh trong tôi. Giá như ai cũng nghĩ về biển và biết giá trị của nó như Sáu Hà- người có biệt tài ngủ dưới đáy biển thì biển sẽ tiếp tục cưu mang những con người ở đây. Giá như nghề lặn biển ở đây được đầu tư trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thì họ sẽ có thêm một cánh cửa để sống và tham gia bảo vệ vùng biển-nơi đã cưu mang họ...

Bài, ảnh: DU MIÊN

Kỳ 2: NGƯỜI VẼ BỨC TRANH CUỘC ĐỜI

Chia sẻ bài viết