11/10/2019 - 19:12

Chuyện nước ở ĐBSCL 

Năm nay, tình hình nước ở ĐBSCL có một số biểu hiện bất thường như nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục vào đầu mùa lũ tháng 7, mùa nước nổi về muộn và thấp trong tháng 9, đến cuối tháng 9-2019, nhiều đô thị bị ngập trong nước. Lý giải hiện tượng này, Báo Cần Thơ đã phỏng vấn Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL.

NHỮNG BẤT THƯỜNG

* Xin ông cho biết sự bất thường về nước đã và đang diễn ra tại ĐBSCL?

- Đúng là nước năm nay có những biểu hiện bất thường: Thứ nhất, vào ngày 19-7-2019, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã phát Thông cáo báo chí cho rằng mực nước sông Mekong vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 thấp kỷ lục so với khoảng nửa thế kỷ qua. Còn tại vùng Tam Giác Vàng ở Thái Lan, mực nước ngày 19-7 là thấp nhất so với năm thấp kỷ lục 1973. Thứ hai là sau đó trong tháng 8, nước lũ có về, nhưng muộn, thấp và rút nhanh. Thứ ba, đến cuối tháng 9 vừa qua, các đô thị ĐBSCL lại ngập trong nước.

* Vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Thông thường những lý do được viện dẫn đầu tiên cho các biểu hiện này là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, triều cường, mùa lũ… Tất cả đều đúng, nhưng nếu chỉ nói như vậy thì chúng ta sẽ không hiểu rõ vấn đề. Do đó chúng ta cần nhìn sâu hơn để giải thích tại sao tháng 7 thì nước sông Mekong thấp kỷ lục, sau đó nước lại về trong tháng 8 và các đô thị bị ngập vào cuối tháng 9.

Lượng nước về ĐBSCL phụ thuộc lớn vào nguồn nước từ phía trên chảy về, mà lượng nước phía trên thì phụ thuộc vào lượng mưa, mà lượng mưa thì phụ thuộc vào diễn biến thời tiết, khí hậu, trong đó quan trọng là chu kỳ El Nino và La Nina, lặp lại theo chu kỳ từ 2 đến 7 năm. Tức là, năm nào có El Nino thì năm đó mưa ít.

Từ đầu năm đến khoảng tháng 7 vừa qua, có El Nino diễn ra trên lưu vực Mekong làm cho lượng mưa phía bắc Lào và phía Trung Quốc rất thấp, dẫn đến mực nước sông Mekong rất thấp vào tháng 7. Do đó nguyên nhân số một của mực nước sông Mekong thấp là do El Nino gây mưa ít.

* Có ý kiến cho rằng, ngoài bất thường của thời tiết, thì các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong cũng ảnh hưởng đối với vấn đề nước ĐBSCL. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Thông thường người ta hay nghĩ là thủy điện chặn dòng làm mất nước, nhưng điều đó chưa chính xác mà còn tùy vào tình huống. Chúng ta cần nhớ là thủy điện không lấy mất nước, chỉ tích nước và xả ra phát điện, thì tổng lượng nước không thay đổi nhưng nó làm thay đổi thời gian của nước. Có 3 tình huống xảy ra: Thứ nhất, đối với những năm bình thường, thủy điện có khả năng tích nước trong mùa lũ, xả ra trong mùa khô để phát điện, tức là làm giảm đỉnh lũ, tăng dòng chảy mùa khô. Thứ hai, đối với những năm lũ cao, thủy điện tích nước đến khi quá nhiều thì sợ vỡ đập nên xả ra thì gây tình trạng lũ chồng lũ. Thứ ba, vào những năm khô hạn thiếu nước thì thủy điện sẽ tích nước trong hồ chứa cho đến khi nước đủ sâu để chạy turbine thì mới xả ra, làm cho nước chậm xuống bên dưới. Nếu có một chuỗi đập, đập trên tích nước thì đập thứ hai bên dưới phải chờ có nước rồi tích đủ mới xả, đập thứ ba phải chờ và cứ như thế làm cho nước đi qua một chuỗi đập rất lâu, có khi mất cả tháng, làm cho tình hình khô hạn ở hạ lưu thêm trầm trọng.

Năm nay, từ đầu năm đến tháng 7, chúng ta ở trong tình trạng El Nino, ít mưa, khô hạn. Do đó, thủy điện làm cho tình hình những năm cực đoan càng cực đoan hơn. Nhưng thủy điện là nguyên nhân số hai, tự nó không thể gây hạn hán được. Cần nói thêm, tác động chính của các đập thủy điện Mekong là chặn phù sa và cát, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển ĐBSCL.

* Dù mực nước sông Mekong vào tháng 7 thấp kỷ lục, nhưng “mùa nước nổi” đã về tràn đồng ở ĐBSCL vào tháng 8, ông giải thích thế nào?

- Trong tháng 8, mực nước có lên ở ĐBSCL là do có đợt mưa lớn ở phía nam của Lào làm cho mực nước từ Paksé (tỉnh cực Nam của Lào) dâng cao liên tục và tràn về Campuchia và ĐBSCL. Thế nhưng, trong thời gian đó, mực nước sông Mekong từ Paksé trở lên phía bắc qua Vientiane, Luang Prabang cho tới Cảnh Hồng (biên giới Lào-Trung Quốc) vẫn giảm. Do đó, “mùa nước nổi” trong tháng 9 vừa qua ở ĐBSCL chỉ là tạm thời và ngắn hạn bởi mực nước sông Mekong chỉ dâng ở đoạn phía nam Lào mà không được hỗ trợ bởi lượng mưa ở bắc Lào xuống. Do đó, mùa nước nổi bị “hụt hơi” và đã suy giảm.

Nếu trong tháng 10 này, ở Lào không có mưa lớn đột biến làm cho nước dâng lên một lần nữa thì coi như mùa nước nổi năm nay đã đi qua. Và dù cuối tháng vừa qua các đô thị bì bõm trong nước, nỗi lo hạn mặn đầu năm sau vẫn còn nguyên.

Nhiều tuyến đường nội ô TP Cần Thơ chìm trong nước đợt cuối tháng 8 âm lịch.

Nhiều tuyến đường nội ô TP Cần Thơ chìm trong nước đợt cuối tháng 8 âm lịch.

GIẢI BÀI TOÁN HẠN MẶN VÀ NGẬP TẠI ĐÔ THỊ

Chuyện xâm nhập mặn ở ĐBSCL còn do một yếu tố nội tại ở ĐBSCL đó là phần lớn diện tích sản xuất lúa, cây ăn trái tại ĐBSCL đã có đê bao khép kín không cho lũ vào. Nước về chủ yếu chảy trong sông Tiền, sông Hậu và một số nhánh sông lớn, không vào được ruộng vườn và chảy tuột ra biển. Đến mùa khô, khi sông Mekong hạ thấp thì đồng bằng cũng chẳng còn nước.

* Vậy theo ông, ĐBSCL cần có giải pháp gì để ứng phó với hạn mặn?

- Đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn vào sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, tránh thiệt hại. Điều chúng ta cần biết là ở những vùng mặn như vùng ven biển và vùng Bán đảo Cà Mau thì trong quá trình bồi đắp, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi bồi đắp ngược trở lại, cho nên phù sa đó là mặn, tức là đất mặn. Mỗi năm vùng Bán đảo Cà Mau ngọt được 6 tháng là nhờ nước mưa đè mặn xuống. Đối với một năm thiếu nước ngọt, bên trong đã không đủ nước ngọt thì đóng cống ngăn mặn từ biển vào là vô ích.

Về lâu dài, để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL thì cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới sẽ bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín và để nước có thể vào ruộng, vườn. Như vậy, sang mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu. Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng đã chỉ rõ, sản lượng lúa không còn là ưu tiên mà chất lượng mới quan trọng. Còn vùng ven biển nên chuyển sang hệ canh tác mặn, không nên cố ngọt hóa để canh tác lúa khắp nơi nữa.

* Còn chuyện ngập đô thị hằng năm, tình trạng ngập các đô thị ngày càng trầm trọng hơn. Giải quyết vấn đề này cần giải pháp căn cơ nào, thưa ông? 

-Còn nhớ, năm 2018 các đô thị ĐBSCL cũng bị ngập vào kỳ nước rong 30 tháng 8 âm lịch. Như vậy, có vẻ chuyện bì bõm của các đô thị rồi sẽ còn đến hẹn lại lên vào những dịp 30 tháng 8 hay Rằm tháng 9 âm lịch hằng năm. Thông thường trong một năm thì con nước rong ngày 30 tháng 8 và ngày Rằm tháng 9 là mực nước cao nhất.

Vừa qua, các đô thị ĐBSCL ngập là do hai lực nước gặp nhau, nước lũ Mekong, dù là cuối mùa nhưng vẫn còn cao, từ trên xuống, đụng với con nước rong ngày 30 tháng 8 âm lịch. Nước thủy triều phía biển dâng cao vào kỳ nước rong này gặp nước lũ sông Mekong di chuyển xuống thì dội lại, dềnh lên, làm tăng mực nước ở vùng hạ nguồn ĐBSCL ở dải đất từ Hậu Giang qua Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang. Nguyên nhân thứ hai là nước biển dâng: Mực nước biển trung bình vẫn liên tục dâng, nhưng tốc độ khá nhỏ, chỉ khoảng 3-4 mm/năm, nhưng tích lũy 10 năm thì cũng là 3cm, 30 năm cũng gần 10cm. Cho nên tình trạng ngập lụt các đô thị bây giờ trầm trọng hơn trong quá khứ. Nguyên nhân thứ ba là sụt lún đất. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan trong giai đoạn 1991-2015 thì trung bình toàn ĐBSCL đã sụt lún tích lũy 18cm, có những điểm nóng đã sụt lún 35cm. TP Cần Thơ nằm trong vùng bị sụt lún khoảng 20cm trong thời gian 25 năm đó. Do vậy, giả sử mực nước thủy triều năm 1991 và bây giờ như nhau thì các đô thị ĐBSCL sẽ bị ngập sâu hơn.

Giải pháp trong ngắn hạn là phải cứu các đô thị bằng các công trình ngăn triều cường, nhưng về lâu dài thì các đô thị không thể tách ra khỏi bối cảnh chung của cả ĐBSCL. Tức là phải giải quyết các vấn đề gốc rễ của ĐBSCL như: giảm canh tác thâm canh để bớt sử dụng phân bón thuốc trừ sâu nhằm khôi phục sông ngòi, giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún và bớt đê bao khép kín.

*  Xin cảm ơn ông!

GIA BẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết