17/09/2020 - 07:34

Chuyển đổi số - hướng đến nền hành chính hiện đại 

Chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý nhà nước nhằm từng bước xây dựng chính phủ điện tử, phục vụ công tác quản lý, điều hành và người dân tốt hơn. Tại TP Cần Thơ, các cấp, các ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng các nền tảng trực tuyến nhằm thay đổi cách thức làm việc, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân. Đặc biệt, việc phát triển các ứng dụng dựa trên nền tảng dùng chung đã tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu, tạo sự liên thông, công khai, minh bạch trong công tác cải cách hành chính (CCHC).

Bước khởi đầu…

Công chức Sở Công Thương TP Cần Thơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường mạng.

Công chức Sở Công Thương TP Cần Thơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường mạng.

Qua 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt, tháng 3-2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 644/QĐ-UBND về việc phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử TP Cần Thơ (phiên bản 1.0). Đến nay, đã triển khai đến các cơ quan nhà nước nhằm định hướng đầu tư, đảm bảo tính liên thông, kết nối trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử thành phố. Theo ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, đến nay, tất cả cơ quan có mạng cục bộ (LAN), tất cả máy tính có kết nối mạng băng thông rộng (xDSL). Trung tâm dữ liệu thành phố đảm bảo duy trì hoạt động ổn định cho các hệ thống thông tin dùng chung toàn thành phố và các hệ thống thông tin chuyên ngành của đơn vị.

Bên cạnh đó, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thành phố được khai thác ổn định, hiệu quả với 132 điểm (từ thành phố đến cấp huyện và cấp xã), góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức các cuộc họp; đặc biệt, phục vụ tốt cho các hội nghị triển khai nghị quyết Trung ương, thành phố đến cơ sở. Ông Nguyễn Hoàng Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: “Các cuộc họp của thành phố, thông qua Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến giúp cán bộ cấp cơ sở tiết kiệm thời gian vì chỉ cần di chuyển đến điểm cầu của huyện. Còn các cuộc họp thường kỳ của huyện, tại xã cũng có thể tham gia họp trực tuyến. Nhờ vậy, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời nhiều cán bộ, công chức cũng có thể theo dõi, nắm bắt thông tin kịp thời”.

Thành phố tích cực triển khai hệ thống phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử. Cần Thơ đang phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử toàn quốc. Một số sở, ban, ngành thành phố đã triển khai các phần mềm CSDL chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn. Tiêu biểu như: CSDL kiểm soát bảo hiểm y tế đối với các bệnh viện trên địa bàn; CSDL quản lý thông tin cán bộ, công chức, viên chức thành phố; CSDL quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị bằng GIS…

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức chưa tham gia xử lý, giải quyết công việc trên môi trường mạng; chưa xem việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản, điều hành, hệ thống một cửa điện tử là công cụ hữu hiệu cho việc chỉ đạo, điều hành, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thiếu sự đồng bộ, chia sẻ và kết nối liên thông, đặc biệt là việc kết nối, liên thông giữa các hệ thống thông tin của địa phương với các hệ thống thông tin theo ngành dọc của bộ, ngành Trung ương triển khai.

Tại hội nghị tổng kết chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 diễn ra vào tháng 8-2020, ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ cho rằng, hành lang pháp lý trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chưa đầy đủ, chậm ban hành. Các CSDL quốc gia (như: dân cư, đất đai), tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, chậm được triển khai. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại, chưa tin tưởng việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Từ đó, ông Bình đề xuất giải pháp là tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử; kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định. Đồng thời, kết nối liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử với các hệ thống thông tin chuyên ngành thông qua trục kết nối liên thông (LGSP); triển khai ứng dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử trên thiết bị điện tử, tích hợp với chữ ký số trên SIM. Các CSDL về thông tin người dân, doanh nghiệp (mỗi người dân, doanh nghiệp đều có thông tin và hồ sơ điện tử trong kho dữ liệu số trên Cổng dịch vụ công trực tuyến) tiếp tục triển khai để sớm hoàn thành. Hồ sơ điện tử này được số hóa, ký số và có giá trị pháp lý như hồ sơ giấy nhằm giúp cải tiến quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, vì vậy cần sự quyết tâm, kiên trì của các cấp, các ngành. Qua đó, góp phần cắt giảm chi phí vận hành, đảm bảo hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước thông suốt và kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với hoạt động của cơ quan công quyền. 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết