19/02/2016 - 21:28

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

(CT)- Ngày 19-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với Chủ đề "Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL".

ĐBSCL đang là trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, hàng năm sản xuất trên 25 triệu tấn lúa, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; mặt hàng trái cây cũng phong phú và gần đây xuất khẩu trái cây của vùng ĐBSCL rất khả quan... Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL hiện vẫn còn nhiều thách thức, đó là chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, chi phí sản xuất cao; tác động biến đổi khí hậu... Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp lần này được tổ chức đúng vào dịp các tỉnh, thành ĐBSCL đang phải đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục trong gần 100 năm qua. Tại diễn đàn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã đưa ra các giải pháp khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn trong sản xuất lúa hè thu 2016 ở các tỉnh, thành ĐBSCL; trong đó tập trung giải pháp công tác thủy lợi, nạo vét kênh mương, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm... Cục Trồng trọt cũng nêu hiện trạng và các giải pháp tái cơ cấu sản xuất ngành hàng lúa gạo, chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL vụ lúa hè thu-thu đông 2016; một số mô hình sản xuất lúa tiên tiến, hiệu quả ở vùng ĐBSCL như: mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa "3 giảm, 3 tăng", mô hình ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI)... Dịp này, Bộ NN&PTNT còn phát động chương trình giảm lượng giống lúa gieo sạ tại vùng ĐBSCL...

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết