Tree Hole - một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) nhận biết những người có ý định tự tử - đã cứu sống hơn 1.000 người sau hơn 1 năm được triển khai giám sát trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong (SCMP), ông Huang Zhisheng – một nhà nghiên cứu AI cấp cao tại Đại học Vjire Amsterdam (Hà Lan) - là người sáng chế nên Tree Hole. Sở dĩ chương trình AI này được đặt tên như thế là vì nó quét vào một mục gọi là “hốc cây” trên Weibo, nơi người dùng chia sẻ và bình luận chuyện buồn cá nhân. Cụ thể là cứ định kỳ 4 tiếng/lần, chương trình tự động tìm kiếm dòng trạng thái có chứa những cụm từ thể hiện ý định tự tử – chẳng hạn như “cái chết”, “giải thoát khỏi cuộc sống” hoặc “sự kết thúc của thế giới”.

Tree Hole nhận diện người có ý định tự tử thông qua các cụm từ nhất định. Ảnh: BBC
Bằng cách dựa trên một biểu đồ về các khái niệm tự tử cũng như chương trình phân tích ngữ nghĩa, Tree Hole sẽ hiểu rằng cụm từ “không muốn” và “sống” khi nằm chung một câu có thể chỉ ra xu hướng muốn tự tử. Nhà sáng chế Huang cho biết sau 6 lần hoàn thiện, khả năng nhận diện của Tree Hole đã đạt tới tỷ lệ chính xác 82%. Sau khi xác định được người có ý muốn tự tử, chương trình sẽ báo động cho một nhóm giải cứu - gồm gần 600 chuyên gia tâm lý, chuyên gia tư vấn và tình nguyện viên - để tiếp cận ngay đối tượng đang có vấn đề, nhằm kịp thời ngăn họ làm điều dại dột.
Huang cho biết do phân loại các dòng trạng thái tự tử theo thang điểm 10 cấp độ, nên chỉ những trạng thái có điểm cao nhất mới đòi hỏi phải hành động khẩn cấp vì chúng chứa những chi tiết cụ thể nhất, như thời gian, địa điểm và phương thức tự sát. Và chỉ những trạng thái từ cấp độ 5 trở lên mới được cấp báo cho nhóm giải cứu. Khoảng thời gian cao điểm mà các dòng trạng thái đề cập ý định tự sát thường xuất hiện là từ 22 giờ đến 2 giờ sáng, với 3/4 trường hợp là phụ nữ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 136.000 người đã tự tử tại Trung Quốc vào năm 2016, chiếm 17% tổng số trường hợp tự tử trên thế giới trong cùng năm. Còn trên toàn cầu, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở những người từ 15-29 tuổi (chỉ sau tai nạn giao thông). WHO thậm chí cảnh báo khoảng 1,5 triệu người thuộc mọi lứa tuổi có thể sẽ tự kết liễu đời mình trong năm tới.
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa tự tử là tạo cho người đang đau khổ cảm giác được quan tâm, lắng nghe và chia sẻ. Như trong trường hợp của chương trình Tree Hole, công nghệ AI đóng vai trò thiết yếu trong việc kết nối những con người đang tuyệt vọng với những người quan tâm đến họ. Ngoài Tree Hole chuyên hỗ trợ tâm lý thông qua các cuộc trò chuyện trực tuyến, nhiều công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc, như WonderLab và Huayuntong, cũng đang nghiên cứu triển khai các phần mềm AI giúp nhận biết những người đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần dựa trên biểu hiện khuôn mặt, lời nói, cử động mắt, cách thở...
SCMP cho biết trước đó, nhiều “gã khổng lồ” về Internet và mạng xã hội như Facebook, Google và Pinterest đã sử dụng AI để đánh giá nguy cơ tự tử, hình thức tự tử hoặc tự gây thương tích của người dùng. Đơn cử, Facebook đã xây dựng công cụ ngăn ngừa tự tử AI của riêng mình bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập từ hàng triệu trường hợp trong thế giới thực. Từ tháng 4 đến tháng 6-2019, mạng xã hội này đã xử lý kịp thời hơn 1,5 triệu trường hợp có nội dung tự tử và tự gây thương tích, với hơn 95% được phát hiện trước khi được người dùng báo cáo. Facebook cũng đã xóa 800.000 nội dung tương tự ra khỏi Instagram trong cùng giai đoạn trên, với 77% được hệ thống AI xác định trước.
HUY MINH