24/11/2010 - 21:57

Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình

Nhằm giúp người dân thay đổi từ nhận thức tới hành vi về bạo lực gia đình (BLGĐ), cuối năm 2008, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP Cần Thơ đã hướng dẫn, triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Phòng, chống BLGĐ” tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng. Sau đó, đến năm 2010, mô hình này được triển khai thực hiện ở tất cả các quận, huyện còn lại của TP Cần Thơ, góp phần giảm thiểu tình trạng BLGĐ trên địa bàn thành phố...

BLGĐ vẫn đang xảy ra từng ngày trong đời sống xã hội và có không ít nạn nhân phải chấp nhận sống chung với BLGĐ vì không tìm được lối thoát cho bản thân. Bà Trần Ngọc Nga, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, cho biết: “Thường ở khu vực nông thôn, trình độ nhận thức của một số người dân còn hạn chế nên BLGĐ xảy ra nhiều hơn và chủ yếu là hình thức bạo lực thân thể (dùng tay, chân đánh đập...). Đối tượng có nguy cơ cao là phụ nữ, trẻ em và người già, trong đó phụ nữ là nạn nhân thường gặp nhất của BLGĐ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp vợ bạo hành chồng, con bạo hành cha mẹ. Nguyên nhân dẫn đến BLGĐ thường xuất phát từ mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực giữa các thành viên trong gia đình; tư tưởng gia trưởng hay đời sống kinh tế mất cân đối. Những vấn đề này trở thành mâu thuẫn càng sâu nếu một trong các thành viên trong gia đình có thói quen uống rượu bia hoặc mắc tệ nạn xã hội”. Trong khi đó, trong suy nghĩ của phần lớn người dân, BLGĐ là chuyện riêng của mỗi gia đình nên việc tiếp cận, giúp đỡ nhau giữa làng xóm còn khá tế nhị, thì nói gì đến sự can thiệp của cơ quan chức năng. Đặc biệt, ở những gia đình có trình độ tri thức cao, việc phát hiện BLGĐ càng khó hơn. Ngoài ra, không ít người vẫn lầm tưởng BLGĐ chính là bạo lực thân thể vì vậy những hành vi bạo lực về tâm lý, kinh tế,... giữa các thành viên trong gia đình ít khi được bộc lộ và can thiệp. Ở những gia đình có xảy ra tình trạng bạo lực, khi các cơ quan chức năng tìm hiểu thì chính nạn nhân lại là người che giấu cho người đã bạo lực với mình, vì suy nghĩ: Không nên vạch áo cho người xem lưng. Những lý do này đã tạo không ít khó khăn cho công tác phòng, chống BLGĐ ở các địa phương. Bà Nguyễn Thị Xuyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng cho biết: “Đa số các hộ gia đình có BLGĐ không chủ động nhờ các cơ quan chức năng can thiệp. Vì vậy, để kịp thời phát hiện, giúp đỡ các nạn nhân, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ với các chị em trong khu vực 2 tháng/lần. Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên liên lạc, trực tiếp trao đổi với các chị em để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chị. Gặp các trường hợp BLGĐ thì thành viên CLB kiên trì ận động, tránh đổ lỗi cho bất kỳ ai và tâm sự nhẹ nhàng, khuyên nhủ hợp tình, hợp lý”.

Qua các buổi sinh hoạt của CLB Gia đình phát triển bền vững, người dân khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh nâng cao nhận thức về phòng, chống BLGĐ.
 

Với những đặc điểm trên, công tác phòng, chống BLGĐ từ khi được triển khai đã rất chú trọng đến việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương. Tại TP Cần Thơ, các cấp đoàn thể rất tích cực trong công tác tuyên truyền, phòng chống BLGĐ. Cụ thể như ngành công an đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn xử lý BLGĐ; Hội LHPN đang triển khai dự án “Nâng cao năng lực tài chính nhằm giảm thiểu BLGĐ” giai đoạn 1 tại quận Ninh Kiều và huyện Vĩnh Thạnh; Ủy ban MTTQ, ngành Tư pháp, Đoàn Thanh niên... cũng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông phòng, chống BLGĐ trong lĩnh vực mình phụ trách qua các kênh truyền thông đại chúng, diễn đàn trao đổi hoặc lồng ghép vào các chương trình văn hoá văn nghệ... Nhiều CLB, tổ, nhóm được thành lập hỗ trợ cho công tác này như: CLB Gia đình phát triển bền vững; tổ hòa giải; nhóm phòng, chống BLGĐ; mô hình Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống... Hiện nay, mô hình Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai mỗi tháng sinh hoạt một lần. Mỗi lần sinh hoạt, các thành viên đưa ra một chuyên đề về đạo đức, lối sống xoay quanh vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân đối với gia đình, xã hội. Đối tượng sinh hoạt chủ yếu trong độ tuổi thanh, thiếu niên hoặc đã lập gia đình. Mô hình cũng nhấn mạnh việc tuyên truyền hướng nghiệp, bình đẳng giới cho các hộ dân. Bên cạnh đó, CLB Gia đình phát triển bền vững của phường An Cư, quận Ninh Kiều cũng gặt hái được khá nhiều thành công. CLB đã góp phần phổ biến các nội dung thường được áp dụng vào đời sống của Luật Phòng, chống BLGĐ và thông tin về tình trạng BLGĐ ở địa phương... Ông Nguyễn Tuấn Khải, cán bộ văn hóa xã hội phường An Cư, cho biết: “Vì công tác phòng, chống BLGĐ còn mới mẻ đối với người dân nên CLB chủ yếu truyền thông tới người dân thông qua các cán bộ thường xuyên gần gũi với họ như cán bộ dân số, Tổ dân phố, Hội LHPN... Qua những buổi sinh hoạt, trao đổi thân mật, các cán bộ này cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, giúp người dân giải quyết tình trạng BLGĐ khi xảy ra”. Qua các cuộc truyền thông, đã giúp người dân nâng cao hơn nhận thức về BLGĐ, qua đó nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Anh Phan Thế Tài, ngụ khu vực 6, phường An Cư, tâm sự: “Tham gia sinh hoạt trong CLB Gia đình phát triển bền vững, chúng tôi được trao đổi về các trường hợp có hiện tượng BLGĐ, đưa ra phương hướng giải quyết hiệu quả và tìm hiểu về các điều của Luật Phòng, chống BLGĐ. Những kiến thức này, theo tôi rất bổ ích và cần nhân rộng, công tác tuyên truyền bằng nhiều loại hình để người dân hiểu được về BLGĐ và biết cách tự bảo vệ mình khi bị BLGĐ. Ngoài việc áp dụng những kiến thức này vào gia đình mình, tôi còn có thể truyền đạt lại cho bạn bè, người thân của mình vì vợ chồng có hạnh phúc, con cái mới tiến bộ, phát triển toàn diện”. Theo Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, từ khi mô hình được triển khai vào cuối năm 2008 và chính thức được nhân rộng ở các quận, huyện vào năm 2010, tình hình BLGĐ trên địa bàn TP Cần Thơ giảm rõ rệt: Qua số liệu thống kê, năm 2009, toàn thành phố có 428 trường hợp BLGĐ, đến tháng 10-2010 là 367 trường hợp, giảm 15% so với năm 2009.

Để công tác phòng, chống BLGĐ ở từng địa phương thực sự đạt hiệu quả, Sở VH-TT&DL không chỉ đánh giá qua số liệu báo cáo mà thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế ở từng địa phương nhằm có kết quả chính xác nhất. Bà Trần Ngọc Nga, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, cho biết: “Nếu phát hiện địa phương nào báo cáo không đúng sự thật, Sở có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, thông qua các đợt tập huấn, kiểm tra, lựa chọn những cán bộ tin cậy nhất để phục vụ cho công tác phòng, chống BLGĐ. Cũng nói rõ thêm, BLGĐ không phân biệt đối tượng và tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau nên đối với cán bộ công chức, viên chức nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo các ban, ngành... cần nêu gương trong công tác phòng, chống BLGĐ. Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ đề nghị cán bộ công chức nên cập nhật kiến thức phòng, chống BLGĐ và tự áp dụng vào gia đình mình. Mỗi cán bộ công chức phải nêu gương trong xây dựng đời sống văn hóa, không để xảy ra BLGĐ, nỗ lực xây dựng gia đình đoàn kết, hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan để xứng đáng là người giữ vai trò đầu tàu gương mẫu qua đó góp phần tuyên truyền, vận động người dân”.

Hy vọng với những phấn đấu và nỗ lực không ngừng, công tác phòng, chống BLGĐ ở TP Cần Thơ sẽ không là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết