25/09/2014 - 20:02

Chung tay giữ gìn di sản

Hiện nay, cả nước có 69 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (DSVHPVTQG), trong đó, khu vực ĐBSCL có 6 di sản. Đây là những loại hình di sản tồn tại lâu đời, có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân đồng bằng. Tuy nhiên, để DSVHPVTQG phát huy giá trị trong đời sống đương đại, cần thiết phải có sự chung tay của cộng đồng.

Di sản không là quá khứ

Có tham dự một kỳ lễ hội Cúng biển Mỹ Long (Cầu Ngang, Trà Vinh) mới cảm nhận được nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của cư dân vùng biển. Giữa tháng 5 âm lịch, hàng chục ngàn người dân đổ về Mỹ Long để tham dự lễ hội. Từ khi hệ thống giao thông đến Càng Long được xây dựng, nâng cấp, lễ hội ngày càng thu hút đông đảo nhân dân đến để cầu mong sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Lễ hội được bà con chung tay tổ chức hằng năm như một nếp sinh hoạt văn hóa độc đáo.

Bên cạnh những lễ hội, những DSVHPVTQG ở khu vực ĐBSCL đang tồn tại như một định chế văn hóa trong đời sống. Điển hình như ở làng nghề dệt chiếu Định Yên (xã Định Yên và Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), dệt chiếu đã trở thành nghề chính của người dân. Hiện nay, bà con làng nghề có nhiều cải tiến trong dệt chiếu: chẻ lác, dệt chiếu bằng khung dệt; kỹ thuật viền bìa, tạo hoa văn cũng sắc sảo, tinh tế và ít tốn nhân công hơn. Đặc biệt, từ khi chiếu Định Yên trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Tháp, làng chiếu ngày càng sầm uất.

Vở Dù kê "Pho tượng kim cương" do Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) biểu diễn. (Ảnh do Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh cung cấp).

Ông Kiên Banh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Trà Vinh, cho biết: Không phải đến khi Ok-Om-Bok được công nhận DSVHPVTQG, bà con mới ý thức giữ gìn, mà bao đời qua, bà con Khmer luôn coi Ok-Om-Bok là một trong những lễ hội lớn trong năm. Những nghi thức, lễ hội luôn được tổ chức bài bản, đúng truyền thống. Hay với nghệ thuật sân khấu Dù kê, ở ĐBSCL hiện có khoảng 10 đoàn nghệ thuật, phân bố ở: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long… Nổi bật là Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), mỗi năm đều dàn dựng 2 vở Dù kê mới và tổ chức lưu diễn khắp Nam bộ hơn 120 buổi/năm. Năm 2013, Đoàn Ánh Bình Minh đạt doanh thu 600 triệu đồng, đạt 150% chỉ tiêu. NSƯT Thạch Sung, Phó Trưởng Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, phấn khởi: "Dù kê vẫn được bà con đón nhận, dù khán giả có ít hơn so với chục năm về trước. Nghe có "gánh hát Dù kê" là bà con kháo nhau đi xem đông lắm – đó là động lực cho anh em làm nghề".

Giữ bản sắc trong "kỷ nguyên số"

Là đơn vị nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh luôn quan tâm đào tạo, thu hút nhân lực. Hằng năm, đoàn đều đến các huyện tuyển chọn "ngọc thô" - những nhân tố có chất giọng tốt, có khiếu diễn xuất… Họ sẽ được đoàn đào tạo, bồi dưỡng theo kiểu truyền nghề. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Trường Đại học Trà Vinh đã mở hệ trung cấp đào tạo nghệ nhân sân khấu Dù kê. Gần 30 học viên của khóa học này chuẩn bị ra trường, sẽ là lực lượng nòng cốt cho Dù kê Trà Vinh trong thời gian tới. Ông Kiên Banh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Lớp giúp các em có kiến thức bài bản về Dù kê. Mặt khác, đây là cơ sở để chúng tôi xếp lương, biên chế bởi các nghệ nhân chưa tốt nghiệp THPT". Bên cạnh đó, ông Thạch Chane Vitu, Phó Trưởng Đoàn Ánh Bình Minh, cho rằng: "Để các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer giữ bản sắc trong tương lai, cần thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, mang tính lý luận nhằm đánh giá về giá trị để có hướng bảo tồn".

Ở Sóc Trăng, kế hoạch "Thực hiện đề án phát triển hoạt động đoàn nghệ thuật Khmer giai đoạn 2011-2015" được xem là "đòn bẩy" cho các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer. Theo kế hoạch, Sóc Trăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu sưu tầm nghệ thuật dân gian Khmer, đưa vào thể nghiệm dàn dựng các tiết mục, chương trình. Sở cũng biên soạn các tài liệu nghệ thuật truyền thống làm cơ sở cho việc truyền dạy, tập huấn nghệ thuật; nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam bộ nhằm tạo ra những tác phẩm mới có giá trị thời đại. Điểm nhấn trong kế hoạch là thành lập Nhà hát nghệ thuật tổng hợp dân tộc Khmer Sóc Trăng.

Để bảo tồn làng chiếu Định Yên theo hướng phát triển kinh tế thị trường, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư hơn 6 tỉ đồng xây chợ chiếu khang trang vào năm 2011. Nhiều hợp tác xã, tổ sản xuất chiếu ở Định Yên, Định An hướng bà con theo kiểu kinh tế tập thể, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chiếu Định Yên được xuất khẩu với số lượng lớn nên lợi nhuận khá cao. Chính vì vậy mà đến nay hơn 60% hộ dân của 2 xã đều làm nghề dệt chiếu.

Là địa phương có DSVHPVTQG nhiều nhất Nam bộ, tỉnh Trà Vinh cũng đã có kế hoạch bảo tồn cho từng loại hình. Nhiều năm qua việc bảo tồn văn hóa dân tộc được thực hiện bằng những dự án cụ thể như quay phim tư liệu, mở lớp truyền nghề; đặc biệt là sự ra đời của Bảo tàng Văn hóa Khmer và Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer - Trường ĐH Trà Vinh. Ngành du lịch tỉnh cũng đang định hướng gắn di sản vào du lịch. Mô hình đầu tiên là Đờn ca tài tử phục vụ du khách ở cù lao Long Trị (TP Trà Vinh) đang có hiệu quả tốt. Ông Kiên Banh, Phó Giám đốc VHTTDL tỉnh, cho biết, Sở đang hướng đến xây dựng chương trình biểu diễn Chầm riêng Chà Pây, múa Rô Băm, diễn Dù kê… phục vụ du lịch. "Cách làm này vừa quảng bá di sản vừa phát triển du lịch địa phương và giúp nghệ nhân sống được với nghề" - ông Kiên Banh kỳ vọng.

* * *

Với truyền thống văn hóa lâu đời, giàu bản sắc và nỗ lực bảo tồn của ngành văn hóa ĐBSCL, các DSVHPVTQG sẽ được chung tay gìn giữ và phát huy giá trị trong đời sống hiện đại.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết