11/02/2009 - 21:29

"Chúng con không muốn bỏ học!"

Vượt qua mấy cây cầu khỉ cao chót vót và quãng đường đá lởm chởm, chúng tôi mới đến được nhà anh Phạm Trường Sơn ở ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Hoàn cảnh của anh Sơn thật bi đát: vợ bị tâm thần, cha ruột già yếu, 2 đứa con còn nhỏ, bản thân anh bị bệnh thận 6 năm nay nhưng không có tiền chạy chữa. Anh Sơn chưa biết xoay xở ra sao trước bao khó khăn chồng chất.

Trận mưa trái mùa hôm trước làm đường vào nhà anh Sơn đầy bùn đất. Căn nhà tình thương được UBND xã Long Thạnh cất tặng anh hồi năm 2005, giờ vách lá đã mục nát, mưa lớn tạt ướt từ trước ra sau. Ngoài hai chiếc giường cũ kỹ và cái nồi cơm điện bé xíu, nhà anh không còn tài sản nào đáng giá. Nhìn quanh, mảnh vườn nhỏ thiếu bàn tay người chăm sóc, xơ xác, tiêu điều. Hai đứa con gái của anh Sơn mặt mũi lem luốc, cứ nấp vào cánh cửa ngó người lạ. Ông Phạm Văn San, cha anh Sơn, gần 80 tuổi, ở trong túp lều rách nát cạnh đó ra chào khách. Ông quẹt đôi tay còn dính bùn vào bộ quần áo nhàu nát, rồi buồn rầu kể chuyện của con. Từng tuổi này ông còn phải kiếm con cá, mớ rau, dừa trái đem ra chợ bán phụ con nuôi 2 đứa cháu thơ dại. Mấy cây dừa và 2 cây xoài đã lão trong vườn, trái không bao nhiêu, từ lâu là nguồn sống của ông.

Anh Sơn và hai con gái trong căn nhà lá rách nát. 

Ông San có 5 người con đã lập gia đình, đều nghèo, ở xa, chỉ mình anh Sơn gần gũi cha già. Vì cảnh nhà khó khăn, từ nhỏ, anh Sơn không được đi học, sớm vào đời mưu sinh. Trong những chuyến làm thuê xa nhà, anh Sơn quen với chị Trần Thị Phượng quê ở cùng xã Long Thạnh. Sau đám cưới, anh Sơn được cha ruột cho một phần đất nhỏ cất nhà ra riêng. Hai đứa con lần lượt ra đời làm cảnh nhà anh Sơn càng thêm túng bấn. Sống trong túng thiếu triền miên, lại thêm thường xuyên làm việc nặng nhọc nên chị Phượng bị trầm cảm. Khi đứa con út được 3 tháng tuổi, bệnh chị ngày một nặng nhưng gia đình không biết. Thấy vợ có những biểu hiện lạ như bỏ nhà đi lang thang, nói cười một mình, anh Sơn nghi vợ bị “bỏ bùa”, nhờ thầy cúng chữa nhưng không hết. Khi chị Phượng được đưa vào bệnh viện thì đã chuyển sang giai đoạn tâm thần nặng. Không tiền, anh Sơn cầm cố 4 công ruộng của cha để chữa bệnh cho vợ nhưng không có kết quả.

7 năm qua, một mình anh Sơn gồng gánh gia đình. Thấy con khổ quá, cha anh Sơn già yếu cũng ráng đi làm lặt vặt trong xóm phụ con nuôi cháu. Lao lực nên sức khỏe của anh và cha già ngày một suy kiệt. Anh Sơn buồn rầu kể: “Tôi bệnh thận 6 năm nay, bị hành đau nhức lắm, bác sĩ kêu đi mổ nhưng tôi ráng chịu trận. Nhiều lúc khổ quá, tôi muốn chết đi cho xong, nhưng nghĩ tới con, tới cha mà cố gắng”. Nghe anh Sơn nói, hai đứa con nhào tới ôm tay cha, thút thít: “Cha ơi, đừng bỏ con!”. Anh Sơn ôm con, nước mắt lưng tròng. Năm rồi, mẹ vợ anh đem chị Phượng về nhà nuôi, anh đỡ được phần nào vất vả.

Công việc ở quê khi có khi không, những ngày không ai kêu làm thuê, anh Sơn và các con nấu cháo ăn với muối. Mượn nợ riết rồi cũng ngại nên có bữa mấy cha con nhịn đói, hàng xóm có người biết đem gạo qua cho. Có thời gian anh đi tỉnh Bình Dương làm gạch cả năm trời, đem hai đứa con theo. Hai đứa nhỏ lây lất theo cha hết nơi này đến nơi khác, nghỉ học rồi về xin học lại. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ hết lòng để các em được đến trường, không phải chịu cảnh thất học. Mỗi đầu năm học, 2 đứa con của anh được nhà trường tặng sách vở, thầy cô, bạn bè cho quần áo, dụng cụ học tập. Vào các dịp lễ Tết, các cháu cũng được quà, tiền. Giờ con gái lớn của anh Sơn là bé Phạm Thị Lan, 12 tuổi chỉ mới học lớp 2, đứa nhỏ đã 9 tuổi đang học lớp 1. Hai đứa rất nhút nhát, gặng hỏi mãi bé Lan mới chịu nói: “Con thích đi học để sau này làm công an. Con ước mẹ con khỏi bệnh về ở với chị em con”. Lan kể, có những lúc tỉnh, mẹ lội bộ đi thăm chị em Lan, gặp con, ôm khóc rồi than đau đầu, bỏ chạy...

Gia đình anh Sơn rất tằn tiện trong chi tiêu. Nhà chỉ có một bóng đèn tù mù, nước sử dụng lấy từ con rạch đục ngầu cạnh nhà. Cũng trên con rạch này, anh Sơn đang nuôi chục con vịt đẻ lấy trứng để dành cho con và cha ruột ăn. Sau Tết đến giờ bị thất nghiệp, anh Sơn đi bắt cá đồng đem bán sống đỡ qua ngày. Anh định vài ngày nữa đi Bình Dương làm gạch, hai đứa nhỏ tiếp tục nghỉ học theo cha. Nhìn hai chị em Lan ngồi buồn bã mân mê quyển vở đầy điểm 9,10, than thở: “Chúng con không muốn bỏ học!”, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Anh Sơn nói như tâm sự với mình: “Tôi không biết chữ nên không biết đường nào dạy con học. Tôi sẽ ráng kiếm tiền lo cho con, chứ để nó khổ, sao mình chịu nổi. Nội, ngoại nghèo, đâu ai giúp được gì!”.

Ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: “Xã còn nhiều đối tượng nghèo, nhưng hoàn cảnh anh Sơn là đáng thương nhất. Anh Sơn là người siêng năng, hiền lành, có trách nhiệm với gia đình. Chúng tôi mong có thêm nhiều sự sẻ chia từ cộng đồng, giúp anh Sơn vượt qua bất hạnh, có điều kiện nuôi con ăn học nên người”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết