21/10/2010 - 20:48

Chưa vào vụ, giá phân bón đã tăng

Mặc dù chưa vào vụ đông xuân 2010- 2011, nhưng hiện giá nhiều loại phân bón tại TP Cần Thơ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhích lên, do tác động của biến động tỷ giá và giá phân bón thế giới có xu hướng tăng. Thêm vào đó, nước lũ năm nay nhỏ, nhiều dự báo tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn sẽ gay gắt từ đầu vụ. Các nguyên nhân này sẽ tạo áp lực lớn làm tăng giá thành sản xuất cho vụ đông xuân tới...

Sức tiêu thụ thấp

Hiện nay, tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL đang trong mùa lũ nên chưa thích hợp để xuống giống vụ lúa đông xuân 2010-2011. Do đó, nhu cầu mua phân bón chủ động bón cho lúa đông xuân vụ tới chưa cao. Theo dự đoán của giới chuyên môn, khoảng 1 tháng nữa, nhu cầu sử dụng phân bón tại các tỉnh, thành ĐBSCL mới tăng mạnh khi vào chính vụ.

Nông dân không khỏi lo lắng khi gần đây giá nhiều loại phân bón tăng mạnh. Ảnh: ANH KHOA 

Ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện đã chuẩn bị một lượng hàng đáng kể để sẵn sàng phục vụ nhu cầu bà con nông dân trong vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên, sức tiêu thụ các loại phân bón đang ở mức thấp do thời điểm này nông dân chưa xuống giống. Hiện chỉ có các hộ dân trồng hoa màu và cây ăn trái mới có nhu cầu mua phân bón. Mặt khác, đa số nông dân trồng lúa thường không mua phân bón dự trữ trước và nhiều lúc mua thiếu chịu tiền cửa hàng, đến thu hoạch lúa mới trả, nên nhu cầu tới đâu mới mua tới đó”. Còn theo chị Nguyễn Thị Lài, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Trần Tuấn, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, do chưa vào vụ sản xuất, sức tiêu thụ các loại phân bón tại cửa hàng rất chậm.

Theo dự kiến của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, thời điểm cuối tháng 11 đến cuối tháng 12-2010, nông dân thành phố sẽ đồng loạt xuống giống vụ lúa đông xuân 2010-2011. Trong thời gian này, ngành nông nghiệp các địa phương cần chuẩn bị tốt cho xuống giống vụ lúa đông xuân tới. Đối với những vùng đất cao, cần tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, cày xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm rạ vì đây là những nơi lưu tồn và tích lũy mầm bệnh. Trạm bảo vệ thực vật các quận, huyện cần tích cực thu thập mẫu rầy nâu hướng dẫn, phân tích tỷ lệ rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Từ đó có cơ sở hướng dẫn nông dân các giải pháp kỹ thuật quản lý rầy nâu một cách hiệu quả, an toàn...

Mặc dù sức mua trên thị trường đang thấp điểm, nhưng giá nhiều loại phân bón đã liên tục nhích lên. Tại TP Cần Thơ, giá nhiều loại phân bón như: Urê, NPK, Kali... hiện tăng thêm 10.000-20.000 đồng/bao/50kg so với tháng trước; riêng phân DAP đã tăng 70.000-95.000 đồng/bao so với tháng trước. Giá phân DAP Trung Quốc (loại hạt xanh, vàng xọc xanh) bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp đang ở mức 630.000-645.000 đồng/bao, DAP hạt đen: 620.000-625.000 đồng/bao. Phân Urê (Phú Mỹ, Đầu Trâu, Ảrập): 370.000- 400.000 đồng/bao; Urê (Inđônêxia, Trung Quốc) 360.000- 365.000 đồng/bao. Phân NPK 16-16-8 Việt Nhật ở mức 400.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Đầu Trâu loại thường 540.000 đồng/bao, loại cao cấp 560.000 đồng/bao...

Hiện nay, giá lúa đang ở mức cao, nên một số vùng nước lũ thấp, nông dân đã tranh thủ xuống giống, Bộ NN&PTNT đã đưa ra cảnh báo với các địa phương là không xuống giống lúa đông xuân trong thời điểm này để đảm bảo năng suất, sản lượng, tránh dịch bệnh. Các địa phương chủ động theo lịch thời vụ và hướng dẫn nông dân bón phân cân đối, đẩy mạnh áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... để hạ giá thành sản xuất.

Lo lắng chi phí sản xuất

Năm 2010, theo thống kê của Cục Trồng trọt, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL đạt 21,5 triệu tấn, với năng suất bình quân 5,47 tấn/ha. Đặc biệt ở nhiều tỉnh, thành như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, năng suất vụ đông xuân lên đến 7,2 - 7,3 tấn/ha, tương đương với những nước trồng lúa có năng suất cao nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo các nhà khoa học, nhược điểm lớn nhất của nông dân trồng lúa ĐBSCL là bón thừa phân đạm, sử dụng lượng phân bón không hợp lý sẽ phát sinh rất nhiều hệ lụy như: giảm năng suất, giảm độ phì nhiêu của đất, ô nhiễm nguồn nước... Do vậy, trong điều kiện giá cả đầu vào, đặc biệt là các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật đang tăng, thì việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất là rất cần thiết.

Theo Bộ Công thương, nguồn cung phân bón cả nước trong 9 tháng đầu năm đạt 5,4 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước. Trong đó, nguồn cung từ sản xuất trong nước khoảng 3,23 triệu tấn, còn lại là nhập khẩu. Để đáp ứng nguồn phân bón cho sản xuất vụ đông xuân 2010-2011, từ nay đến cuối năm cần phải nhập thêm khoảng 400.000 tấn phân DAP. Bộ NN&PTNT đã kiến nghị trong tình hình thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do vậy, đề nghị Bộ Công thương không cấp phép xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón (nhất là đạm và DAP) để đảm bảo nguồn cung thị trường nội địa. Theo các ngành chức năng, giá phân bón thế giới tăng, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phân bón với giá thấp trước đây đang thăm dò thị trường. Còn theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, hiện nay vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên giá phân bón trong nước còn chịu tác động khá mạnh từ sự biến động của giá thế giới. Do vậy, cần tăng cường kiểm soát thị trường, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng của các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón.

Giá nhiều loại phân bón có biến động tăng, nhiều nông dân trồng lúa đã lo ngại chi phí sản xuất trong vụ đông xuân sẽ tăng mạnh, nhất là khi nước lũ về muộn và mức lũ thấp hơn mọi năm. Ông Võ Hòa Miêng ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết: “Thời điểm này, tôi mới bắt đầu tiến hành vệ sinh đồng ruộng và khoảng 20-30 ngày nữa mới sạ lúa, nên chưa mua phân bón dù nghe nói giá nhiều loại phân đang tăng. Năm nay, nước lũ thấp, lượng phù sa bồi lắng cho đồng ruộng ít. Muốn lúa trúng chắc chắn phải sử dụng khoảng 50 kg phân bón các loại/công chứ không thể chỉ sử dụng 35-40 kg/công như các năm có lũ về nhiều”. Theo ông Miêng, chi phí sản xuất lúa đông xuân tới đây sẽ tăng, hiện tại giá lúa khá cao (trên 5.000 đồng/kg) nhưng điều mà người trồng lúa lo là mức giá này liệu duy trì được bao lâu, trong khi đầu ra của nông sản lại khá bấp bênh?!

Đông xuân là vụ lúa chính quyết định sản lượng cả năm, vì vậy, để đảm bảo vụ mùa thắng lợi, Cục Trồng trọt đề nghị ĐBSCL xuống giống đợt 1 khoảng 600.000ha vào thời điểm từ 15- 11 đến 30- 11- 2010. Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu, vùng gò cao Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, vùng bán đảo Cà Mau và ven biển Nam bộ không nên xuống giống muộn hơn, vì rất dễ bị xâm nhập mặn và khô hạn vào cuối vụ. Nếu nông dân làm đúng lịch thời vụ được khuyến cáo, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, bón phân cân đối sẽ giảm chi phí giá thành và đảm bảo lợi nhuận.

ANH KHOA - VĂN CỘNG

Chia sẻ bài viết