12/03/2008 - 22:05

Thực hiện cải cách hành chính ở huyện Thốt Nốt

Chưa tới nơi tới chốn !

Sau 3 năm thành phố Cần Thơ chỉ đạo triển khai đồng loạt cơ chế “một cửa” ở các cơ quan hành chính nhà nước, một số cơ quan, đơn vị đã làm tốt, góp phần giảm phiền hà, cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan công quyền với người dân. Tuy nhiên, hiện nay công tác này ở huyện Thốt Nốt vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến kết quả cải cách hành chính chung của thành phố, gây mất niềm tin trong nhân dân vào chính quyền.

Thực hiện “một cửa”: Làm rồi lại bỏ!

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Thốt Nốt khi đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính, mặc dù đứng trước bộ phận “một cửa” của huyện nhưng đều phải... “hỏi thăm đường” đến nơi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ. Bởi lẽ, bộ phận “một cửa” của huyện đã không còn “nguyên trạng” như mô hình cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” hồi năm 2005-2006. Hiện nay, việc tiếp nhận hồ sơ hành chính của dân trên các lĩnh vực: nhà ở, xây dựng, hộ tịch, đăng ký kinh doanh đã được “chia” về cho các cơ quan chuyên môn, người dân phải trực tiếp liên hệ các cơ quan chuyên môn này để nộp hồ sơ, nhận kết quả. Điều này đã gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính.

Bác Nguyễn Thị Năm (người dân ở xã Trung An, huyện Thốt Nốt) trên tay cầm bộ hồ sơ xin cải chính hộ tịch bước ra từ cửa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thốt Nốt, không giấu được bức xúc, nói: “Tôi đã ra xã làm xong thủ tục, xã hướng dẫn tôi lên bộ phận “một cửa” của UBND huyện Thốt Nốt để nộp hồ sơ. Lên đây, cán bộ lại nói tôi phải đem hồ sơ đến phòng Tư pháp huyện để được giải quyết, vì nơi đây chỉ tiếp nhận hồ sơ đất đai. Tôi thắc mắc, cán bộ chỉ trả lời rằng hiện nay huyện chỉ đạo làm vậy. Theo tôi, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo kiểu của ngành nào ngành ấy làm thì đâu phải là cải cách hành chính “một cửa” và người dân vẫn còn phải chịu nhiều phiền hà vì cách làm này”.

Ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thốt Nốt, giải thích: “Thời gian đầu khi mới thực hiện cải cách hành chính, huyện Thốt Nốt cũng thành lập bộ phận “một cửa” để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do số lượng hồ sơ ít, cán bộ thiếu nên các phòng chuyên môn đã rút cán bộ về để thực hiện theo cách tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại phòng, không thông qua bộ phận “một cửa” nữa”. Hiện nay, bộ phận “một cửa” chỉ giải quyết 1 lĩnh vực đất đai; các lĩnh vực xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký kinh doanh người dân liên hệ trực tiếp tới phòng chuyên môn nộp hồ sơ và nhận kết quả”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, khẳng định: “Việc UBND huyện Thốt Nốt tự ý không tiếp tục thực hiện cơ chế “một cửa” trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của người dân và doanh nghiệp là không chấp hành Quyết định 181/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ về tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa”. Trách nhiệm trước tiên thuộc về Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt”.

  Cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tiếp nhận yêu cầu cấp “giấy đỏ” mới cho chị Võ Thị Mỹ Lệ, ở xã Trung An (huyện Thốt Nốt).
Cũng theo đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực tế còn nhiều khó khăn hơn huyện Thốt Nốt nhưng thời gian qua đã nỗ lực làm tốt cải cách hành chính, góp phần giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nếu trong quá trình thực hiện, huyện Thốt Nốt gặp khó khăn thì phải kiến nghị để thành phố chỉ đạo tháo gỡ. Việc không chấp hành nghiêm túc cơ chế “một cửa” này, về nguyên tắc Sở Nội vụ sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm cá nhân của cán bộ lãnh đạo địa phương.

Giải quyết hồ sơ đất đai, đăng ký kinh doanh: Một mình một kiểu !

Từ năm 2005 đến cuối năm 2007, huyện Thốt Nốt đã ra chủ trương tạm dừng không cho phép người dân đăng ký kinh doanh nhà trọ, trái quy định của pháp luật (trong khi đó, tại thời điểm này, trên địa bàn huyện Thốt Nốt nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên, nhu cầu về chỗ ở cho công nhân tăng). Người dân phản ánh đến Tổ liên ngành tiếp nhận, xử lý vướng mắc về thủ tục hành chính thành phố, vụ việc đã được chỉ đạo khai thông. Theo đó, UBND huyện Thốt Nốt phải nhanh chóng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện để người dân kinh doanh nhà trọ hợp pháp. Tuy nhiên, sau 4 tháng có chỉ đạo này, thực tế việc đăng ký kinh doanh nhà trọ của người dân vẫn còn gặp vướng mắc và hiện mới chỉ có 12 trường hợp được giải quyết cấp đăng ký kinh doanh nhà trọ. Nguyên nhân được ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thốt Nốt, cho biết: “Hiện nay, huyện Thốt Nốt đang chỉ đạo lập quy hoạch nhà trọ trên địa bàn. Khi nào hoàn tất, phê duyệt sẽ giải quyết cho đăng ký kinh doanh nhà trọ theo quy hoạch đã được phê duyệt”.

Trao đổi về cách làm này, của huyện Thốt Nốt, ông Trần Thanh Phương, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ), cho biết: “Theo quy định của pháp luật, đăng ký kinh doanh lĩnh vực nhà trọ không bị hạn chế. Do đó, về nguyên tắc, khi người dân làm đầy đủ hồ sơ thủ tục, huyện Thốt Nốt phải tiếp nhận, giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhà trọ. Việc tự ý tạm dừng hoặc đề ra một số quy định riêng về lĩnh vực đăng ký kinh doanh nhà trọ của huyện Thốt Nốt là trái quy định của pháp luật, cần sớm chấn chỉnh”.

Hiện nay, trong giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thốt Nốt (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện) cũng thực hiện chưa đúng với quy định của Luật Đất đai, gây thắc mắc trong nhân dân. Chị Võ Thị Mỹ Lệ, ở xã Trung An (huyện Thốt Nốt), cho biết: “Năm 2006, tôi nhận chuyển nhượng gần 1 công đất, tôi làm thủ tục xin cấp “giấy đỏ” đã hơn 1 tháng nay, tới lui 5, 6 lần. Cứ tưởng khi cấp “giấy đỏ”, tôi sẽ được đứng tên, ai dè Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện chỉ chỉnh lý tên tôi vào trang 4, còn “giấy đỏ” vẫn mang tên chủ sử dụng đất trước đây. Tôi có yêu cầu cán bộ cấp “giấy đỏ” mới nhưng cán bộ nói là hồ sơ nhiều, cấp mới phải giải thửa lại, mất nhiều thời gian, tốn kém. Trước mắt cứ chấp nhận chỉnh lý, sau này nếu cần thiết huyện sẽ cấp “giấy đỏ” mới cho”.

Trao đổi việc này, ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thốt Nốt, cho biết: “Về nguyên tắc, việc chỉnh lý chỉ thực hiện khi chỉnh lý thửa đất, vị trí đất thổ cư hay có thay đổi một số thông tin cá nhân của người được cấp “giấy đỏ”. Do đó, nếu chị Lệ có yêu cầu cấp “giấy đỏ” mới mang tên chị thì Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thốt Nốt phải giải quyết”.

***

Ngoài việc bỏ không thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, giải quyết hồ sơ của dân theo cách riêng của mình, hiện nay huyện Thốt Nốt còn chưa thực hiện nghiêm việc công khai quy trình, biểu mẫu hồ sơ hành chính để người dân tìm hiểu, thực hiện. Thiết nghĩ, UBND thành phố cần sớm có biện pháp chấn chỉnh, để người dân, doanh nghiệp bớt nhọc nhằn khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan công quyền của huyện Thốt Nốt.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết