29/05/2012 - 21:50

KỲ HỌP THỨ BA, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Chưa thống nhất về tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh

(TTXVN)- Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ ba, sáng 29-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giám định tư pháp. Đây là dự án Luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày, một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giám định tư pháp về: Phạm vi điều chỉnh; quyền của đương sự được trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp; tổ chức giám định tư pháp công lập; tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập; giám định lại và giám định Hội đồng.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật giám định tư pháp và cơ bản nhất trí với giải trình, tiếp thu của UBTVQH. Nội dung chủ yếu được các đại biểu quan tâm góp ý kiến trong phiên họp là về tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh. Quy định này khi được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ hai còn hai loại ý kiến khác nhau: Một là, tập trung hoạt động giám định pháp y thuộc ngành Y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp. Hai là, giữ nguyên như quy định hiện hành. Theo UBTVQH, đây là nội dung đổi mới căn bản nhất trong dự án Luật Giám định tư pháp mà Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, việc đổi mới mô hình tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh cần cân nhắc điều kiện thực tế cũng như đánh giá những ưu, nhược điểm của từng phương án.

Nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định cơ cấu tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh như hiện hành và kiện toàn theo hướng chính quy, hiện đại hơn bởi qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người.

Theo đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận), Pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đã đóng có những đóng góp quan trọng vào kết quả điều tra, xử lý nhiều vụ án xâm phạm tính mạng con người, đảm bảo tính khách quan, chính xác trong giám định. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án Luật, vai trò của giám định pháp y Công an cấp tỉnh chưa được đánh giá đúng mức. Mặt khác, do tính chất quan trọng của giám định pháp y, đặc biệt là pháp y tử thi đối với công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự, hiện nay lực lượng pháp y Công an tỉnh đang đáp ứng được yêu cầu công tác. Công an một số tỉnh chưa có lực lượng pháp y thì hoạt động giám định pháp y gặp nhiều khó khăn do không đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác, đặc biệt là những vụ giám định pháp y tại hiện trường hoặc vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết hoặc vùng sâu, vùng xa. Nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải tổ chức bảo vệ tử thi tại hiện trường cả ngày hoặc đêm để đợi giám định viên pháp y ngành y tế có mặt, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều tra.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, việc tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế sẽ đáp ứng một bước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo hướng thu gọn đầu mối, bảo đảm phù hợp với tính chất quản lý về chuyên môn, vì giám định pháp y là lĩnh vực y học thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Điều này cũng tạo điều kiện để Chính phủ tập trung đầu tư chuyên sâu về nhân lực, cơ sở vật chất cho hệ thống các tổ chức giám định pháp y, khắc phục được tình trạng bất cập hiện nay.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, đã đến lúc đặt giám định pháp y vào đúng vị trí sao cho phù hợp, quy về một mối, thống nhất thành một hệ thống từ Trung ương đến địa phương, mặt khác đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay. Theo đại biểu, trên thế giới, pháp y đều do Bộ Y tế hoặc Bộ Tư pháp quản lý hoặc nằm trong các trường đại học; không có pháp y trong lực lượng Công an. Việt Nam cũng nên theo thông lệ này để vừa hội nhập, đổi mới, nâng cao hiệu quả, tầm vóc của kỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, quá trình điều tra vụ án áp dụng quy trình khép kín từ giám định trưng cầu, khám nghiệm tử thi, hiện trường, lấy lời khai do một cơ quan chỉ đạo, dù khách quan đến đâu, vẫn khiến người ngoài cuộc có sự nghi ngờ. Dù khoa học đến đâu, niềm tin cũng không trọn vẹn. Cũng phù hợp theo xu hướng cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế, kết luận pháp y đảm bảo nhanh, chính xác, khách quan, đáp ứng yêu cầu.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 29-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo Chương trình, dự thảo luật Luật phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này...

Chia sẻ bài viết