01/07/2021 - 22:18

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng; lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên 

Ngày 1-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6-2021, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Ảnh: DƯƠNG GIANG - TTXVN

Phiên họp tập trung thảo luận về 4 nội dung: bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, những kết quả đạt được, những hạn chế, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, mục tiêu, phương hướng, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta thống nhất chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng; giữ nguyên hai kịch bản như Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã xây dựng. Nhưng dù kịch bản nào thì cũng phải cố gắng, nỗ lực rất lớn. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là kiên trì thực hiện mục tiêu kép không máy móc, không cứng nhắc, phải căn cứ tình hình thực tế mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và lựa chọn ưu tiên phù hợp, cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Phải định hướng hài hòa, nhuần nhuyễn, hợp lý giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa với các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện thành công chiến lược vaccine gồm tiếp cận, mua bình đẳng vaccine. Nỗ lực thực hiện ngoại giao vaccine thành công. Tiếp cận vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể trên cơ sở theo dõi chặt nhu cầu vaccine trên thế giới sau tháng 9. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. Tích cực sản xuất các sinh phẩm, thuốc điều trị bệnh COVID-19.

Ðẩy mạnh hơn nữa ba đột phá chiến lược, nhất là thể chế, đầu tư cho hạ tầng chiến lược. Thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Dành nguồn kinh phí thỏa đáng để nâng cao tay nghề cho lao động. Ðầu tư công của ta hiện đang tập trung vào ba đột phá chiến lược, khắc phục manh mún, kém hiệu quả; đang được điều chỉnh để tập trung hoàn thành các công trình quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC

Trong phòng, chống dịch COVID-19 phải linh hoạt, bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ðây là nội dung quan trọng, dứt khoát phải tập trung, ưu tiên trên cả nước thì mới phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy các thị trường xuất khẩu đa dạng, phong phú hơn. Xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như rau, củ quả. Cần phát huy lợi thế các Hiệp định FTA, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, hạn chế nhập siêu; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao:

Kịch bản 1: Ðể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm).

Kịch bản 2: Ðể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).

Bảo đảm an ninh năng lượng; có chính sách năng lượng dài hạn; hoàn thành Quy hoạch điện VIII. Phát triển cơ cấu nguồn điện hợp lý; có chính sách thu hút đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng. Năng lượng điện có tính chất lâu dài nhưng phải bám sát thực tế, có chính sách phù hợp, uyển chuyển, phù hợp thị trường.

Về nông nghiệp, cần mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là trái cây, hạn chế giải cứu, phải có chiến lược, quy hoạch. Coi trọng mẫu mã, công nghệ sau thu hoạch, vươn lên cạnh tranh về chất lượng, giá cả. Ðổi mới mạnh mẽ, giảm chi phí vận tải, phải phát triển hạ tầng đồng bộ… Tính toán kích cầu nội địa, phát triển thương mại điện tử...

Cần có cơ chế huy động nguồn lực, nhất là cho phát triển hạ tầng chiến lược. Về lao động việc làm, đây là vấn đề lớn, do đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, khôi phục lại việc làm ở những nơi dịch đã được khống chế; phải ổn định, thích nghi điều kiện mới, không để đứt gãy thị trường lao động, nhất là có phương án bảo đảm sản xuất trong điều kiện dịch ở khu công nghiệp như vừa qua. Ðẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tham ô, lãng phí, sách nhiễu; thúc đẩy cải cách hành chính, có các cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư. Giữ vững ổn định an ninh quốc phòng. Giảm hội họp ở Trung ương để đi cơ sở; tăng cường kỷ luật kỷ cương; coi trọng đầu tư thích đáng cho tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội...

P.V (theo Chinhphu.vn và nhandan.vn)

 

Chia sẻ bài viết