04/07/2009 - 08:12

Chủ tịch nước công bố 8 Luật

Mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở và tăng quyền sở hữu đất gắn liền với nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Thống nhất cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Sáng 3-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật quy hoạch đô thị đã được kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII thông qua.

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai chia đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành hai nhóm khác nhau là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam, trong đó người có quốc tịch Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam không phân biệt đối tượng như Điều 126 Luật nhà ở hiện hành. Luật sửa đổi, bổ sung thêm hai đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam là “những người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, đang làm việc tại Việt Nam” và “người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước”.

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai quy định một số điểm mới so với Điều 126 Luật nhà ở hiện hành là: Các đối tượng quy định tại Điều 126 Luật nhà ở phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 03 tháng trở nên mới được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; điều kiện của các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 126 được rút ngắn thời gian cư trú tại Việt Nam từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, nhưng phải có thêm điều kiện có Giấy miễn thị thực do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp; các đối tượng quy định tại điều 126 chỉ được sở hữu nhà ở để bản thân và gia đình sinh sống tại Việt Nam.

So với Điều 121 Luật đất đai hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai mở rộng quyền sở hữu đất gắn liền với nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Những người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ bị hạn chế hơn do với công dân Việt Nam ở trong nước ở quyền góp vốn và quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Luật có hiệu lực thi hành từ 1-9-2009.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (gọi tắt là Luật sửa đổi) gồm 7 điều, có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Luật sửa đổi được xây dựng với mục tiêu làm rõ, chuẩn xác hóa các quy định liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tế áp dụng; sửa đổi các quy trình, thủ tục liên quan đến quá trình đầu tư, xây dựng cơ bản; đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Luật sửa đổi quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại thống nhất trong cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật về dân sự trước ngày 1-8-2009 vẫn có giá trị pháp lý; trường hợp người đã được cấp giấy chứng nhận có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang loại giấy mới theo quy định của Luật và không phải nộp lệ phí. Luật sửa đổi quy định thống nhất đầu mối cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Luật Đất đai.

Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Luật cơ quan đại diện) quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài (gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế liên chính phủ). Tổ chức và hoạt động của các cơ quan đại diện khác của các bộ, ngành tại nước ngoài như Thông tấn xã Việt Nam, đại diện các báo, văn phòng đại diện các bộ ngành, địa phương không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật cơ quan đại diện.

Luật cơ quan đại diện sẽ thay thế Pháp lệnh Lãnh sự năm 1990 và Pháp lệnh cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 1993, nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại, bất cập về pháp lý trong thực tiễn áp dụng 2 Pháp lệnh; hoàn thiện thêm các quy phạm pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan đại diện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta. Luật có hiệu lực từ ngày 2-9-2009.

Luật quy hoạch đô thị gồm 6 chương, 76 điều quy định về hoạt động quy hoạch đô thị gồm lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

Luật quy hoạch đô thị tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp cho công tác quy hoạch và quản lý đô thị nước ta hiện nay. Việc ban hành Luật quy hoạch đô thị sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị; bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại; đồng bộ với sự phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Luật quy hoạch đô thị có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010.

* Chiều 3-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 4 Luật: Luật Quản lý nợ công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ năm thông qua.

Việc ban hành Luật quản lý nợ công nhằm thống nhất đầu mối quản lý, khắc phục một trong những tồn tại cơ bản trong quản lý nợ công hiện nay là quản lý phân tán, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan; đảm bảo công khai minh bạch, tạo điều kiện kiểm tra, kiểm soát của toàn xã hội đối với việc vay, trả nợ; giúp nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của Việt Nam. Luật quy định một số nội dung mới trong quản lý nợ công như thống nhất quản lý nợ trong và ngoài nước, quản lý tập trung các khoản nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách nhà nước, điều hành các hạn mức nợ, quản lý rủi ro, cơ cấu lại danh mục nợ, xây dựng cơ sở dữ liệu nợ thống nhất... nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nợ trên cơ sở sử dụng các công cụ và mô hình quản lý tiên tiến.

Luật quản lý nợ công gồm 7 Chương, 49 Điều quy định các nguyên tắc quản lý nợ công là thống nhất, tập trung đầu mối, quản lý toàn diện cả nợ trong và ngoài nước, chú trọng đến mục tiêu an toàn nợ, quản lý rủi ro thông qua xây dựng và thực hiện các chỉ số giám sát nợ trong từng thời kỳ và áp dụng các nghiệp vụ quản lý nợ linh hoạt. Phạm vi điều chỉnh của Luật là các khoản nợ liên quan đến nghĩa vụ trực tiếp hoặc dự phòng của Ngân sách nhà nước. Theo đó, các khoản nợ công được điều chỉnh trong luật này sẽ bao gồm các khoản nợ trong và ngoài nước của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ trong nước của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2010.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về hoạt động điện ảnh là xây dựng và phát triển nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh... bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với WTO trong lĩnh vực điện ảnh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2009.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010, tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều khoản có nội dung còn chưa rõ, chưa chặt chẽ, chưa tương thích với các luật khác của nước ta và các điều ước quốc tế; bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo hướng kéo dài thời hạn bảo hộ từ 50 năm lên 75 năm kể từ khi tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình, nếu chưa được công bố thì thời hạn bảo hộ là 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình. Đối với tác phẩm khuyết danh, khi thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính là suốt cuộc đời và 50 năm sau khi tác giả chết. Tác phẩm sân khấu có thời hạn bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết, thay vì bảo hộ 50 năm kể từ khi công bố như quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.

XUÂN KHU - QUỲNH HOA (TTXVN)

XUÂN KHU - QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết